Tổng quan về nguồn tài nguyên và môi trường tỉnh Lao cai
Lao cai là một tỉnh miền núi điển hình, có diện tích rất lớn - 804 ngàn ha, với 84% diện tích là đồi núi dốc trên 25 độ. Do địa hình phân cắt mạnh, nên đất có khả năng nông nghiệp ít (84.271 ha, chiếm 10,5% lảnh thổ), phần còn lại là đất lâm nghiệp và rừng phòng hộ. Đất nông nghiêp căn bản đã được giao hết cho hộ dân. Trong đất nông nghiệp, diện tích trồng lúa nước chiếm tỷ lệ 29%. Tại các xã vùng cao, phần lớn đất nông nghiệp là nương rẫy.
Tài nguyên rừng của Lao cai đã bị cạn kiệt nhiều do khai thác quá mức và nạn làm rẫy lâu đời. Hiện nay đã chấm dứt cơ bản nạn cháy rừng và phá rừng làm rẫy trên diện lớn. Độ che phủ của rừng hiện ở mức trên 30%. Tuy diện tích rừng đã tăng trong mấy năm qua, song phần lớn là rừng phòng hộ, rừng mới tái sinh, chất lượng rừng còn thấp. Đáng báo động là độ che phủ của các xã vùng cao rất thấp.
Nguồn nước của Lào cai được xếp vào loại rất phong phú, do lượng mưa lớn; song tại vùng cao do mất rừng và địa hình dốc nên thiếu nước nghiêm trọng cho cả nông nghiệp và sinh hoạt. Mặc dù nhiều chương trình, dự án đã ưu tiên đầu tư cho nước sạch và thuỷ lợi nhỏ, song nhiều thôn xã vẫn còn rất thiếu nước.
Có thể nói, tình trạng thiếu đất canh tác có chất lượng, suy thoái rừng và mất nguồn nước ở vùng cao đang là những khó khăn lâu dài đối với công cuộc xoá đói giảm nghèo tại hầu hết các xã vùng cao của tỉnh Lao cai .
Nhận thức của người dân về tài nguyên và môi trường
Dân vùng thấp nhận thức tốt hơn về nguồn tài nguyên hạn hẹp của mình, cả khía cạnh pháp luật, lẫn cách sử dụng có hiệu quả lâu dài. Phần đông dân đã biết lo về tình trạng "đất hẹp người đông". Hầu hết các hộ biết sửdụng tối đa phần đất đai hạn hẹp mà họ có được để xây dựng một hệ canh tác đa dạng: Lúa nước + Cây màu + Vườn nhà + Đồi cây dài ngày và có thể cả ao cá. Phần lớn phân chuồng và phân bắc được thu gom để bón. Nhờ vậy, tính bền vững về môi trường của các hệ canh tác vùng thấp đã có nhiều tiến bộ và tương đối ổn định.
Tuy nhiên, nhận thức về tài nguyên công cộng của số lớn hộ dân sống cạnh rừng còn nhiều điểm yếu. Các hộ gần rừng thường xuyên lấy củi trong vùng cấm một cách tự nhiên mà không quan tâm đến pháp luật. Đây là một trong các nguyên nhân hạn chế khả năng phục hồi của rừng tự nhiên.
Khi khảo sát nhà bếp của nhiều hộ người Dao tại thôn Nậm Tang đã thấy gần như 100% củi đun được lấy trong rừng phòng hộ, loại cây kích thước khá to 5-15 cm. Tổng số củi cần cho một hộ trung bình (6 người + 2 lợn + nấu 200 lít rượu/ năm + sưởi ấm) được một số dân Nậm tang ước tính là 250 vác nặng mỗi năm (tương đương 10-12 tấn, hay 20m3 củi/ năm. Số củi này bằng năng suất hàng năm của 1,5- 2,0 ha rừng trồng cây mọc nhanh). Tại Nậm tang và nhiều thôn tại xã này không có rừng củi cho dân, vì vậy củi đun hàng năm đều dựa và rừng phòng hộ nhà nước.
Khi phỏng vấn, cán bộ kiểm lâm cụm xã tại Bản Cầm cho biết: kiểm lâm xã chỉ tập trung vào chống lâm tặc cưa xẻ và chuyên chở gỗ nghiến để bán qua biên giới, chứ chưa quan tâm đến cấm dân lấy củi nhỏ về đun.
Tại vùng cao nhận thức về tài nguyên và môi trường còn nhiều bất cập. Ngô lấn rừng phòng hộ là nguy cơ lớn đang đe doạ môi trường vùng cao. Đa số đồng bào Mông và Phù lá ở vùng cao vẫn giữ nhận thức về nguồn tài nguyên địa phương giống như tập quán cổ truyền cả về quyền sở hửu lẫn quyền sử dụng. Đồng bào gần như không quan tâm những gì đã quy định trong "bìa đỏ" mà chính quyền xã đã giao cho họ ba bốn năm qua. Tuy nhiên, không thể chỉ
nói một chiều về 'nhận thức cổ truyền' của bà con, mà trong chính sách cũng còn nhiều bất cập.
Ý kiến dân và cán bộ địa chính về mâu thuẫn đất nông và lâm tại vùng cao xã Pha long
Ông Giàng xeo Kháng, 29 tuổi, hộ nghèo, thôn Xín chải, xã Pha long, ngày
24/7/2003.
Cán bộ địa chính xã Pha long, ông Giàng xín Hồ, ngày 23/7/2003.
Địa chính huyện Mường khương, Báo cáo ngày 10/5/2002
• Ông được giao bao nhiêu đất
nông và lâm nghiệp? Tôi có bìa đỏ rồi, nhưng không biết được bao nhiêu, không đọc được, quên rồi. Đất trồng ngô có 12 kg giống, thu 35 thồ hạt (khoảng 4800 m2 và 1400 kg). Lúa nước chỉ 3kg giống/ thu 10 thồ. Gia đình có được giao đất lâm nghiệp, nhưng không nhớ bao nhiêu, một phần đã trồng thông Sa mộc từ 10 năm rồi, rộng 4-5 kg giống ngô ( hay 1500m2).
• Ông có biết nếu trồng ngô trên đất lâm nghiệp mà huyện vừa giao cho gia đình là sai phạm không ? Tôi có nghe thôn trưởng nói cấm phá rừng để trồng ngô. Nhưng nương ngô tôi có trước rồi, bây giờ nhà nước mới quy hoạch thì vẫn phải trồng ngô thôi. Những hộ nhiều đất, lúc thì họ trồng ngô, lúc thì họ để cho rừng Tống quá Sủ mọc lấy củi, lúc thích họ lại trồng ngô lại. Sao mà cấm được !
• Các gia đình có được bàn bạc để quyết định đâu là đất trồng ngô và đâu là rừng phòng hộ không ?
Không thấy cán bộ nào về bàn bạc việc quy hoạch này cả. Đất cũ của dân, cứ thế trồng tiếp, nơi nào có rừng của nhà nước thì phải bảo vệ.
• Anh cho xem bản đồ quy
hoạch sử dụng đất của xã ta ?
Xã không có bản đồ này.
• Ai giữ bản đồ này? Có lẽ trên Huyện thì có.
• Nếu trong khu vực được
quy hoạch cho phòng hộ đầu nguồn, nhưng lại có nương ngô thì sao ? Trường hợp này có nhiều, vì đâu cũng có nương ngô của dân nằm rải rác.
• Anh có giải thích cho dân
về việc cấm trồng ngô trong vùng phòng hộ không ? Có, nhưng rất khó. Bây giờ dân vẫn tiếp tục trồng ngô, vì lấy đâu ra đất khác mà đền bù cho dân.
• Dân có nhận biết đâu là
khu đất nông nghiệp, lâm nghiệp và đất phòng hộ đầu nguồn Sông Chảy không ? Khó biết lắm, chỉ biết những nơi còn rừng thôi. Nơi mất rừng thì đâu cũng giống nhau hết, toàn là đất rẫy cũ. Chỉ cán bộ quy hoạch huyện biết. Nhiều nơi tôi cũng không biết ở đâu là đất quy hoạch cho lâm nghiệp, nữa là dân.
• Về đất nông nghiệp: Đã giao được 6.307 ha với 10.708 bìa đỏ. Tuy vậy, trong số đó có 683 ha gần đây đã bị chuyển mục đích sử dụng thành đất trồng rừng của dự án 661. Do dân thiếu đất nên họ vẫn canh tác nương rẫy trên đó như cũ.
• Về đất Lâm nghiệp: Đã giao được 12.448 ha với 6009 bìa đỏ để dân trồng rừng sản xuất và phòng hộ ít xung yếu. Do dân thiếu đất, nên đến nay có tới 85% diện tích này vẫn là nương rẫy, chỉ 5% được dân trồng rừng, nhưng chỉ tập trung ở vùng thấp.
• Nhiều khu vực nhà nước quy hoạch để trồng rừng, nhưng thực tế dân đã canh tác rẫy từ lâu. Vì vậy khi nhà nước giao đất để trồng rừng thì dân cứ tiếp tục làm rẫy.
• Rẫy của dân thì phân tán để phù hợp với địa hình phức tạp ở vùng cao. Trong khi các nhà quy hoạch lại muốn tập trung đất nông nghiệp vào một khu vực với quy mô lớn. Đây là điều không phù hợp với vùng cao.
Có mâu thuẫn giữa quy hoạch đất (lâm nghiệp) của nhà nước và thực trạng sử dụng đất đai truyền thống (trồng ngô) của dân vùng cao. "Dân bảo nương ngô đã từ lâu, quy hoạch của huyện vừa mới làm gần đây nên phải đền bù đất khác cho dân". Do thiếu bàn bạc với dân nên nhiều khu đất dân đang canh tác nông nghiệp bị quy hoạch thành đất trồng rừng. Kết quả phương án quy hoạch đất đai tại nhiều nơi ở vùng cao Mường khương thiếu tính khả thi. Khi hỏi nhiều chủ hộ tại xã Tả gia khâu và Pha long về lý do dân làm rẫy trên đất đã quy hoạch trồng rừng và đã giao bìa đỏ cho dân thì thấy rằng:
(a) Nhiều nông dân nói rằng nương ngô của họ đã có từ lâu rồi, nay dù có quy hoạch thành đất trồng rừng thì họ vẫn cứ phải trồng ngô để kiếm sống. Nghĩa là nương ngô có trước, quy hoạch làm sau. Việc quy họach này dân cũng không được biết, không được bàn bạc nên họ cứ trồng ngô như cũ.
(b) Trên thực địa, cả nông dân lẫn cán bộ địa chính xã nhiều khi không thể nhận được đâu là ranh giới đất nông nghiệp và đâu là đất lâm nghiệp, tất cả đều là đồi núi dốc và không còn rừng. Vì vậy, nhiều người vi phạm quy hoạch do thiếu thông tin.
(c) Dân vùng cao còn nghèo, trồng rừng phải chờ đến chục năm, nên dân trồng ngô để đảm bảo đời sống. Gần đây ngô có giá và dễ bán, là nguồn tiền mặt quan trọng, nên áp lực của ngô đối với đất lâm nghiệp và cả đất còn rừng phòng hộ trở nên gay gắt.
Hiện tại dân vùng cao không biết và cũng không muốn biết đâu là ranh giới đất Nông và đất Lâm. Chưa có quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) chi tiết chính thức cho cấp xã, vì vậy tính pháp lý của giao đất và xử lý tranh chấp chưa đảm bảo. Theo Sở tài nguyên & môi trường, trước tình trạng này, việc giao đất lâm nghiệp tại vùng cao phải tạm thời dừng lại .
Cần vốn đề làm qui hoạch đất chi tiết
Theo các cán bộ địa chính tỉnh, về cơ bản tỉnh đã xây dựng xong phương án QHSDĐ tổng quan cho toàn tỉnh và phần lớn các huyện thị. Trong lúc đó phương án QHSDĐ và bản đồ QHSDĐ chi tiết cho cấp xã là rất quan trọng thì mới có bản sơ bộ. UBND tỉnh đang chuẩn bị kế hoạch thực hiện quy hoạch đất đai chi tiết cho tất cả các xã, nhưng có trở ngại vì đòi hỏi nguồn vốn quá lớn. Chúng tôi cho rằng đây là một tồn tại cần được ưu tiên giải quyết để có cơ sở quản lý tài nguyên đất đai ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã.
Khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên
Đối với các xã vùng thấp, khả năng khai hoang thêm đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa nước là không đáng kể. Ví dụ tại xã Bản cầm, đã giao cho dân tới 96% đất nông nghiệp; 69% đất đồi núi trọc - tức đất chưa sử dụng (phần còn lại đều là sông suối và núi đá); Riêng đất lâm nghiệp có rừng đều thuộc khu vực phòng hộ, nên chỉ giao bìa đỏ cho dân rất ít khoảng 27 ha chiếm 1,2% loại đất này.
Đối với vùng cao, nguồn đất nông nghiệp là rất ít và gần như đã giao hết cho dân. Ví dụ, xã Tả gia Khâu đã giao hầu hết đất các loại cho hộ dân. Cụ thể là: 100% đất nông nghiệp; 34,6 % đất Lâm nghiệp có rừng và 34,9% đất chưa sử dụng. Tại xã Pha long, huyện Mường khương cũng tương tự. Nhà nước hiện chỉ quản lý khoảng 65% diện tích đất Lâm nghiệp còn rừng, vì đó là các khu rừng đầu nguồn quan trọng cho sông Chảy.
Như vậy, về cơ bản người dân cả vùng cao và vùng thấp tại các xã khảo sát đã được nhà nước giao quyền quản lý và sử dụng hầu hết lượng tài nguyên tài địa phương theo quy chế của chính sách hiện hành. Thậm chí người dân đang vượt quá giới hạn của các quy chế về sử dụng đất và tài nguyên theo luật định.
Tại vùng cao, việc giao đất nông nghiệp chủ yếu là công nhận hiện trạng sử dụng của người dân, nên thường có sự chênh lệch lớn về sở hữu đất (người đến trước và người có sức khai phá sẽ có nhiều đất hơn). Tại vùng thấp, hầu hết đất lúa nước trước đây đều thuộc Hợp tác xã và được chia đều cho các hộ theo nguyên tắc bình quân nhân khẩu, kể cả cho hộ nghèo.Chỉ riêng giao đất lâm nghiệp là không đều vì đất lâm nghiệp vùng thấp không nhiều, nên chỉ giao cho các hộ gần rừng và đã có công bảo vệ hay đầu tư trên các lô đó. Các hộ dân vùng thấp cũng không có phàn nàn nào về việc giao đất nông nghiệp trước đây.
Thách thức hiện nay là nhiều hộ mới tách hoặc hộ di cư đến sau thường rơi vào hoàn cảnh có quá ít đất canh tác. Chương trình định canh, định cư đã dành nhiều kinh phí cho việc khai hoang ruộng nước và đã đưa lại nhiều kết quả quan trọng. Song quỹ đất có khả năng làm bậc thang ruộng nước đã trở nên hiếm và rất tốn kém.
Một số trường hợp, việc giao đất nông nghiệp không bảo đảm được công bằng do nhiều lý do lịch sử. Ví dụ thôn Nậm tang có tới 6 hộ không có đất lúa nước. Bình quân mỗi hộ chỉ có 1.640
m2 lúa nước, nhưng hộ nhiều nhất có tới 6.078 m2 (gấp 3,7 lần). Về tổng số đất Nông nghiệp của các hộ cũng tương tự, hộ ít nhất chỉ có 484 m2, trong khi hộ nhiều nhất có tới 28.349 m2- gấp 58 lần hộ ít đất.
Khi phỏng vấn, nhiều hộ đã cho biết họ nhập cư sau khi giao đất (khoảng 1995-1996) nên đành chịu thiệt. Một số hộ không có đất hay rất ít đất là do mới tách hộ. Một số hộ nhiều đất hơn là do mua lại của các hộ đã di cư, hay tự khai phá đất trồng lúa và màu trước khi giao đất. Thái độ của nhân dân nhìn chung là chấp thuận tình trạng hiện tại về sở hữu đất đai.
Sở hữu cộng đồng - một giải pháp để bảo vệ rừng ?
Tại các xã nghiên cứu chưa thấy trường hợp nào đất hay rừng được giao cho cộng đồng. Trong khi đó nhiều văn bản của nhà nước cũng như dự án đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của chiến lược "quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng". Ngay các khu "rừng thiêng" đang do cộng đồng thôn quản lý, song về pháp lý thì huyện vẫn chưa cấp "bìa đỏ" vì không biết cấp cho ai. Các cán bộ địa chính tỉnh và huyện đều giải thích rằng: Luật đất đai chỉ quy định giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức, mà không quy định giao đất hay rừng cho cộng đồng12. Vì vậy, nếu không điều chỉnh kịp thời về chính sách thì chiến lược quản lý tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở cộng đồng sẽ thiếu tính khả thi.
Tại xã Tả gia khâu, cả 10 thôn đều có "rừng thiêng" được nhân dân bảo vệ bằng luật tục truyền thống rất có hiệu quả. Tại xã Pha long cũng có nhiều khu rừng thiêng được bảo vệ tốt. Đó là các khu rừng già có nhiều cây cổ thụ giữa muôn trùng đồi núi trọc với diện tích từ 1-2 đến 4-5 ha, nằm không xa thôn bản. Đồng bào Mông, Phù lá tại các xã vùng cao cúng lễ hàng năm vào ngày 30 tháng giêng âm lịch nhằm cầu mong được mùa và thôn bản yên lành. Chính quyền các cấp cần thống kê, đánh giá và có chủ trương hỗ trợ nhằm cứu vãn nguồn tài nguyên quý giá còn lại, bảo vệ đa dạng sinh học và bản sắc văn hoá dân tộc. Có lẽ đây là các khu rừng cộng đồng duy nhất, và cũng là những khu rừng nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở vùng cao tỉnh Lao cai, mà chúng ta cần quan tâm gìn giữ.
Để bảo vệ các khu rừng phòng hộ lớn, không thể giao đất cho các hộ gia đình riêng lẻ, mà phải giao cho cộng đồng. Tại Mường khương, nhiều hộ dân đã bắt đầu thấy lợi ích của bán gỗ và mong muốn trồng rừng sa mộc. Trước đây dân còn đói thì không thể nghĩ đến trồng rừng. Song hiện nay dân đã đủ lương thực, nhiều hộ đã thấy trồng rừng tuy phải chờ lâu 10-15 năm,