Số lượng và chất lượng lao động

Một phần của tài liệu Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động tại thành phố Cần Thơ, trường hợp nghiên cứu ở quận Ô MÔN (Trang 61 - 65)

Số lượng và chất lượng lao động có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập. Hai tiêu chí này luôn được đề cập đến khi nói đến nguồn nhân lực.

4.2.1.1 Số lượng lao động

Lao động là nguồn gốc của mọi của cải, lao động có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến kinh tế xã hội nếu như không có chiến lược phát triển phù hợp. Chính vì lẻ đó việc khảo sát nguồn lao động để có chiến lược phát triển phù hợp với nhu cầu xã hội là rất cần thiết.

Theo kết quả điều tra 816 người tại quận Ô Môn ở các độ tuổi, số người trong độ tuổi lao động là 623 người, chiếm 72,36% trong tổng số (trong đó nam chiếm tỷ lệ 49,12% và nữ chiếm 50,88%) (xem phụ lục 4). Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi được trình bày qua hình 4.3.

(Nguồn: Tổng hợp, xử lí từ kết quả điều tra của tác giả)

Qua hình trên cho thấy số người dưới độ tuổi lao động (0-14) chiếm 16,5%. Số người trên độ tuổi lao động chiếm 11,04%. Phân tích theo nhóm tuổi, thì những nhóm tuổi 15-19, 20-24, 25-29 chiếm tỷ trọng cao trong tổng số, với tỷ trọng lần lượt là 11,0%, 13,9% và 10,8%. Qua kết quả điều tra cho thấy số người trong độ tuổi từ 15-29 chiếm 35,7% trong tổng số người điều tra, tỷ trọng nhóm tuổi trên 30 chiếm 47,8% và tỷ trọng nhóm tuổi từ 0-14 chiếm 16,5% và đây là nguồn nhân lực dồi dào thuận lợi cho việc cung ứng lao động trong phát triển kinh tế xã hội trong thời gian này. Tuy nhiên ta thấy nhóm tuổi trẻ từ 0-14 tuổi chiếm tỷ trọng rất thấp so với hai nhóm tuổi 15-30 và trên 30, vì vậy trong tương lai dân số của quận Ô Môn đang đi vào cơ cấu dân số già.

4.2.1.2 Chất lượng lao động

Có nhiều yếu tố tác động đến chất lượng lao động như: trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, sức khoẻ và thể chất của người lao động,… nhưng hai yếu tố quan trọng quyết định chất lượng nguồn lao động cần được quan tâm là trình độ học vấn và trình độ CMKT của người lao động.

Trình độ học vấn

Hình 4.4 chỉ ra trong tổng số người điều tra trên 5 tuổi (do dưới 5 tuổi chưa đi học), ở hai phường Phước Thới và Trường Lạc thì phần lớn là có trình độ học vấn ở cấp 2 với tổng số người là 343 người, chiếm khoảng 42%, kế đến là số người đạt trình độ học vấn cấp 1 chiếm khoảng 35,3%, số người đạt cấp 3 trong tổng số hộ điều tra tương đối thấp có 147 người (18%) và số người mù chữ hiện tại ở hai phường là 39 người (gần 5% trên tổng số người điều tra).

(Nguồn: Tổng hợp, xử lí từ kết quả điều tra của tác giả)

Ngoài ra, công tác xoá mù chữ của quận đã được đẩy mạnh và theo báo cáo của quận là đã xoá mù chữ trên toàn quận, tuy nhiên qua số liệu điều tra thì dân số mù chữ vẫn còn khá cao so với kết quả báo cáo của quận là đã xoá mù chữ và điều đáng quan tâm là số người mù chữ bên cạnh tập trung ở nhóm tuổi người già thì còn rải rác ở nhóm từ 6-19 tuổi, đây là nhóm tuổi trẻ đúng ra phải được đi học nhưng vẫn ở trong tình trạng mù chữ (xem phụ lục 5).

Nhìn chung trình độ học vấn trong vùng điều tra còn rất thấp, chủ yếu tập trung vào cấp 1 và cấp 2, học vấn có trình độ cấp 3 chiếm tỷ trọng (17%). Do trình độ học vấn thấp thì khả năng tiếp cận những tiến bộ khoa học mới hay nâng cao nâng lực cho người lao động là khó khăn, cần có các giải pháp thích hợp để nâng cao trình độ học vấn của người dân trong vùng.

Mối quan hệ giữa trình độ học vấn và giới tính

Xét về trình độ học vấn theo giới tính cho thấy: trình độ học vấn giữa nam và nữ khác biệt ở mức ý nghĩa 5% (xem phụ lục 6). Số lượng nữ mù chữ cao hơn nam và càng lên cấp học cao hơn thì số lượng nữ có học vấn càng giảm. Cụ thể hình 4.5 chỉ ra tỷ lệ nam ở cấp 1 chiếm 31,2%, thấp hơn ở nữ là 39% nhưng đến cấp 3 thì tỷ lệ nam chiếm khoảng 19,7% trong khi đó tỷ lệ nữ đạt trình độ cấp 3 là 16,2%. Lý do dẫn đến tình trạng này là do phần lớn nữ trong độ tuổi đi học ở cấp 2 & 3 nghỉ học để đi làm tại các công ty may, xí nghiệp chế biến (các công ty này tuyển lao động phổ thông, không cần trình độ cao) bên cạnh đó một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên nghỉ học để làm những công việc khác phụ giúp gia đình…

(Nguồn: Tổng hợp, xử lí từ kết quả điều tra của tác giả)

Mối quan hệ giữa trình độ học vấn và nhóm tuổi

Theo kết quả khảo sát thực tế cho thấy các biến ở các nhóm tuổi khác nhau thì trình độ học vấn khác nhau, ở mức ý nghĩa 1% (xem phụ lục 5) cụ thể: nhóm người có tỷ lệ mù chữ và cấp 1 tập trung nhiều ở nhóm tuổi lớn trên 35; trình độ cấp 2 & cấp 3 tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi trẻ 10-35 và xuất hiện rất ít ở nhóm tuổi cao hơn. Qua đó cho thấy, trình độ học vấn của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao rõ rệt theo nhu cầu phát triển của xã hội, qua đó đã thể hiện ý thức của người dân và nỗ lực của ngành giáo dục địa phương về vấn đề học hành của con em ngày càng được quan tâm hơn. Do thời gian trước đây điều kiện kinh tế chưa phát triển, thu nhập thấp nên người dân quan tâm nhiều đến kinh tế để ổn định cuộc sống, nhu cầu đòi hỏi của xã hội về trình độ học vấn chưa cao, do đó người dân trước kia ít quan tâm đến việc học nên trình độ học vấn thấp. Càng về sau kinh tế càng phát triển và trình độ học vấn của những lao động cũng được nâng lên, cho phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.

Trình độ CMKT

Qua số liệu điều tra, số người có khả năng lao động - những người đang có việc làm và những người có nhu cầu làm việc nhưng chưa có việc làm - là 608/861 người chiếm 71%.

Bảng 4.28 chỉ ra rằng, trong tổng số người có khả năng lao động (608 người - không tính người già và trẻ em đi học) thì có đến 76,2% số người chưa qua đào tạo về CMKT và 23,8% số người còn lại thì có qua đào đạo với nhiều hình thức khác nhau cụ thể như sau: trình độ chuyên môn của những người lao động đạt được phần lớn là thông qua những khoá đào tạo không chính thức (6,91%); tập huấn công nghiệp (5,26%); trình độ sơ cấp công nhân kỹ thuật (4,77%); trung học chuyên nghiệp (3,45%) và số người đạt trình độ đại học chiếm tỷ trọng rất thấp (1,15%).

Bảng 4.28: Cơ cấu trình độ chuyên môn của người lao động

Trình độ chuyên môn Tần số (người) Tỷ lệ (%)

Không có trình độ chuyên môn 463 76,15

Đào tạo không chính thức 42 6,91

Sơ cấp công nhân kỹ thuật 29 4,77

Trung học chuyên nghiệp 21 3,45

Cao đẳng/Đại học 7 1,15

Tập huấn nông nghiệp 14 2,30

Tổng 608 100,00

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra của tác giả)

Nhận xét chung: sản xuất nông nghiệp là ngành sản xuất của phần lớn lao động tại Phước Thới và Trường Lạc nên trình độ học vấn và trình độ chuyên môn của lực lượng lao động tương đối thấp. Về trình độ học vấn phần lớn là cấp 1 và cấp 2, trình độ chuyên môn có 76,2% lao động chưa qua đào tạo. Thực trạng trên cũng đã phản ánh được phần nào về chất lượng của lao động ở quận Ô Môn, cụ thể là ở phường Phước Thới và Trường Lạc và đây là lý do giải thích tại sao phần lớn số người trong độ tuổi lao động trong vùng là lao động giản đơn.

Một phần của tài liệu Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động tại thành phố Cần Thơ, trường hợp nghiên cứu ở quận Ô MÔN (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w