Tình hình sau ngày Nhật đảo chính Pháp

Một phần của tài liệu Tỉnh hoà bình trong công cuộc vận động cách mạng và khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền (1930 – 1945) (Trang 75 - 82)

6 Cấu trúc luận văn

3.1 Tình hình sau ngày Nhật đảo chính Pháp

Cuối năm 1944 đầu năm 1945, phe phát xít liên tiếp thất bại trên nhiều mặt trận. Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Hồng quân Liên Xô quét sạch phát xít Đức ra khởi lãnh thổ của mình và tiến như vũ bão về Béclin, hang ổ của phát xít Đức. Tháng 8-1944, Pari được giải phóng, tướng Đờ Gôn lên cầm quyền. Đêm 8-5-1945, phát xít Đức đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện. Trên mặt trận châu Á – Thái Bình Dương, phát xít Nhật đang lâm vào tình trạng nguy khốn.

Ở Đông Dương, từ cuối năm 1944, mâu thuẫn giữa Pháp - Nhật rất sâu sắc. Trong Chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa” ngày của Tổng bộ Việt Minh 7-5- 1944, Trung ương Đảng đã nhận định: “ở Đông Dương, Nhật nghi kị Pháp và ghen ăn với Pháp; Pháp căm tức Nhật và chán cảnh làm đầy tớ cho Nhật. Nhật sửa soạn truất quyền Pháp”… [26, tr.235].

Tuy chúng còn hoà hoãn với nhau nhưng “Sự hoà hoãn đó có khác chi như một cái nhọt bọc chứa chất bên trong bao nhiêu vi trùng và máu mủ chỉ chờ dịp chín mõm là vỡ tung ra. Cả hai quân thù Nhật – Pháp đóng một tấn kịch giả dối vô cùng nguy hiểm cho chúng, cả hai đều đang sửa soạn để tiến tới chỗ tao sống mày chết quyết liệt cùng nhau” [26, tr.248].

Đúng như nhận định của Trung ương Đảng, trước những diến biến của chiến tranh thế giới theo chiều hướng bất lợi cho lực lượng phát xít, để trừ mối hoạ sau lưng, đêm 9-3-1945, quân Nhật nổ súng đồng loạt, lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Pháp chống cự yếu ớt một vài nơi, rồi nhanh chóng đầu hàng.

Ngay đêm ngày 9-3-1945, giữa lúc Nhật đảo chính lật đổ Pháp, Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh). Trong điều kiện đó, Hội nghị làm việc khẩn trương, nhận định về cuộc đảo chính và khả năng diễn biến của tình hình. Trưa này 12-3, Hội nghị kết thúc với việc thông qua Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Bản Chỉ thị nhận định rằng cuộc đảo chính đã tạo nên một tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi. Đối tượng của cách mạng cũng thay đổi. Phát xít Nhật trở thành kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương. Khẩu hiệu “Đánh đuổi Pháp, Nhật” được thay bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”… Chỉ thị quyết định “Phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa” [26, tr.367], thay đổi hình thức tuyên truyền cổ động, hình thức tổ chức và đấu tranh cho phù hợp với thời kì tiền khởi nghĩa và “sẵn sàng chuyển sang hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện” [26, tr.367].

Tại Hoà Bình, đêm 11 rạng ngày 12-3-1945, một đơn vị phát xít Nhật đánh chiếm thị xã gần như không gặp một trở lực nào. Một số ít quan lại, viên chức người Pháp trốn chạy vào rừng, còn hầu hết bị bắt giữ kể cả viên công sứ. Quan lại người Việt ngoan ngoãn cúi đầu đón chủ mới. Trần Quốc Trường được Nhật giao cho làm tỉnh trưởng.

Về quân sự, phát xít Nhật đưa lên Hoà Bình một lực lượng quân đội khá lớn. Chúng rải quân đóng chốt ở nhiều cứ điểm quan trọng suốt dọc đường số 6, 12, 21, 15 (như chợ Bờ, suối Rút, đồn điền Cao Phong). Ở vùng Lương Sơn có khoảng 1.000 lính Nhật; ở thị xã có khoảng 500 tên, do một đại tá chỉ huy. Ở tất cả các cứ điểm, ngày đêm giặc Nhật dốc sức vào việc thiết

lập các vị trí quân sự, xây dựng các kho tàng chứa vũ khí, lương thực, thực phẩm…

Ngoài quân đội Nhật còn lực lượng lính khố xanh, lính cơ trước đây được sát nhập gọi là Bảo an ninh, về danh nghĩa là lực lượng vũ trang của chính quyền người Việt, nhưng thực chất là do Bộ chỉ huy quân đội Nhật nắm giữ.

Về chính trị, sau cuộc đảo chính hất cẳng Pháp, phát xít Nhật dựng lên một chính quyền bù nhìn trung ương do Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Ở cấp tỉnh, huyện và tổng, xã chúng vẫn duy trì nguyên bộ máy quan lại, tổng lý cũ để làm công cụ tay sai, chỉ đổi tên gọi một vài chức danh như Tuần phủ thành Tỉnh trưởng… Ở Hoà Bình, chúng tổ chức một cuộc gặp mặt giữa bọn quan lại cũ và một số nhà lang gọi là “Hội nghị Hiệp thương” để lập chính quyền.

Để ổn định tình hình, củng cố ách thống trị của chúng, phát xít Nhật một mặt thẳng tay khủng bố, đàn áp bằng nhiều thủ đoạn tàn bạo hòng uy hiếp tinh thần nhân dân; một mặt tăng cường các thủ đoạn tuyên truyền bịp bợm. Sau cuộc đảo chính, một số phần tử thân Nhật công khai nhảy sang làm tay sai cho phát xít, lập tổ chức “Thanh niên đoàn” tại thị xã, do con trai chánh Đức cầm đầu. Bọn này được một số tên Đại Việt từ Hà Nội lên tiếp tay. Dưới sự điều khiển của tên “chuyên viên văn hoá” Nhật tại Hoà Bình, chúng ra sức tuyên truyền, cổ động cho thuyết “Đại Đông Á” của phát xít Nhật, tô vẽ cho chúng phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

Về kinh tế, đối với Hoà Bình, phát xít Nhật không thu thóc tạ nhưng thuế má rất nặng nề. Chúng ra lệnh bắt mỗi hộ nông dân phải nộp từ 2 đến 5 kg bông, gai hoặc hạt thầu dầu và bắt nhân dân phải đi phu phục vụ việc đắp sửa đường giao thông, xây dựng doanh trại, các công trình quân sự cho chúng.

Đối với nhân dân, từ lâu đa số đã nhận rõ bộ mặt thật của bè lũ xâm lược và tay sai nên mặc dù chúng ra sức tuyên truyền nhưng khó lừa bịp được ai. Đối với công chức, binh lính, số đông ngao ngán trước thời cuộc, ngay cả một số quan lại, sĩ quan cũng tỏ ra hoang mang trước cảnh đổi chủ, thay thầy. Một số lang đạo cũng bất bình trước chính sách vơ vét nặng nề của giặc Nhật. Chỉ một số ít người nhân cơ hội ôm chân phát xít Nhật, làm tay sai cho chúng như Quản Mạch, xếp Lý, giáo Chúc… Số có tình cảm ngả theo cách mạng ngày càng tăng, nhất là những viên chức cấp thấp, anh em binh lính.

Tình hình trên phản ánh sự mất ổn định, khủng hoảng sâu sắc về chính trị, xã hội sau cuộc đảo chính 9-3-1945.

Đầu tháng 4-1945, Hội nghị Ban cán sự Đảng tỉnh tiến hành họp ở Cao Phong, Hội nghị nêu rõ: “Nhiệm vụ trung tâm của phong trào hiện nay là gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa, nhiệm vụ đòi hỏi giải quyết nhiều yêu cầu cấp thiết như: Phải phát động một phong trào về bề rộng, tổ chức lực lượng Tự vệ chiến đấu, phải xây dựng căn cứ địa chuẩn bị hậu phương cho cách mạng”. Hội nghị nghiên cứu Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban thường vụ Trung ương Đảng và bàn kế hoạch phát triển phong trào cách mạng địa phương.

Từ đó, Ban cán sự Đảng tỉnh đã xác định: Tình hình nhiệm vụ đòi hỏi phong trào cách mạng phải gấp rút toả vào nông thôn, phát triển cơ sở trong đồng bào các dân tộc, gấp rút xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng bán vũ trang và vũ trang cách mạng, xây dựng các căn cứ, dự trữ vũ khí, lương thực chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

Mở các cuộc tiếp súc tranh thủ lang đạo, xây dựng cơ sở trong quần chúng nông dân các dân tộc

Để phát triển phong trào vào nông thôn, Hội nghị chú ý phân tích cụ thể và rút ra những kết luận sâu sắc, chính xác về tình hình chế độ lang đạo

hiện tại ở Hoà Bình. Lang đạo là tầng lớp có quyền lực, bóc lột và khống chế nhân dân rất nghiệt ngã theo những qui định lâu đời do chế độ nhà lang đặt ra. Mâu thuẫn giữa nông dân lao động với lang đạo rất sâu sắc, yêu cầu giải phóng nông dân là tất yếu, song trước mắt cần tập trung thực hiện nhiệm vụ giành độc lập dân tộc. Vì vậy, phải quán triệt chính sách mặt trận của Đảng, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, các giai cấp để tập trung lực lượng đánh đuổi kẻ thù chính, chủ yếu trước mắt là phát xít Nhật và tay sai. Trong mỗi xóm làng, mỗi bản, mỗi động của đồng bào các dân tộc Hoà Bình, những lang đứng đầu là những người có uy thế, ảnh hưởng gần như tuyệt đối. Vì vậy, nếu vận động được người đứng đầu đồng tình, ủng hộ cách mạng sẽ tạo được thuận lợi lớn đi vào tuyên truyền, tập hợp quần chúng đông đảo.

Ngược lại, nếu đẩy họ xa rời, chống đối cách mạng sẽ dẫn đến những khó nhăn, bất lợi rất lớn. Mặc dù lang đạo có mặt tiêu cực của giai cấp thống trị bóc lột, song trước chính sách đoàn kết cứu nước sáng ngời chính nghĩa của Đảng, trước khí thế phong trào cách mạng đang lên cao, giặc Nhật đang suy yếu, chính sách phát xít của chúng không chừa một hạng người nào nên hàng ngũ lang đạo cũng phân hoá sâu sắc, một bộ phận không nhỏ có khả năng tranh thủ, đoàn kết được, kể cả một số lang lớn có thế lực.

Từ sự phân tích trên, Hội nghị khẳng định nhất định phải nắm lấy lang đạo để đi vào quần chúng. Hội nghị còn phân tích về thái độ của một số lang lớn có uy thế ở từng vùng để có đối sách sát hợp đối với từng đối tượng. Hội nghị cũng nhấn mạnh, điều cốt yếu là nắm lang phải đi sâu vào giác ngộ, tổ chức quần chúng nông dân lao động, lấy quần chúng làm lực lượng cơ bản, chỗ dựa của phong trào cách mạng địa phương. Hội nghị phân tích, xác định vị trí quan trọng của thị xã, các thị trấn và nhấn mạnh cần củng cố và phát triển phong trào vững mạnh ở những nơi này. Ban cán sự Đảng đã phân công mỗi đồng chí phụ trách một vùng trọng điểm thuộc các châu: đồng chí Phan

Lang phụ trách Đà Bắc, trực tiếp vùng Diềm; đồng chí Bình Huấn ở Tu Lý, Hiền Lương; đồng chí Vũ Thơ phụ trách thị xã Hoà Bình, Cao Phong, Thạch Yên; đồng chí Vũ Đình Bản, Trương Đình Dần phụ trách Lạc Sơn, trọng điểm là Mường Khói. Các đồng chí ở các vùng tiến hành vận động, thuyết phục lang đạo; nắm lấy họ để xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng nông dân các dân tộc.

Điều kiện hoạt động ở nông thôn miền núi gặp nhiều khó khăn, từ việc đi lại sinh hoạt hàng ngày gian khổ đến chưa quen phong tục tập quán, nhất là chưa biết tiếng địa phương, chưa thông thuộc địa bàn, ngoài ra còn ốm đau bệnh tật… Nhưng vượt qua mọi khó khăn, các đồng chí đã tìm mọi cách liên lạc, tiếp xúc với các lang đạo có uy thế lớn ở các vùng, để tuyên truyền, thuyết phục nắm lấy họ. Nói chung, số đông lang đạo đều tán thành chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh, hứa sẽ giúp đỡ cách mạng. Lang Mường Khói (Quách Hy) là người có tư tưởng yêu nước tiến bộ, con trai đã giác ngộ và trở thành quần chúng cách mạng từ trước 9-3-1945, bản thân ông cũng đã được cán bộ tuyên truyền nên rất nhiệt tình ủng hộ cách mạng [12, tr.36-37]. Nhưng cũng có một số lang, do bản chất hai mặt nên thái độ lừng chừng, không muốn để cán bộ đi vào vận động, tập hợp quần chúng, có người tỏ ra chưa thật tin tưởng ở sức mạnh của cách mạng, có người còn bày trò thăm dò cán bộ (Đinh Công Tuân, Đinh Công Phủ…).

Các dân tộc ở Hoà Bình thể hiện nhiệt tình yêu nước sâu sắc, tin tưởng ở cách mạng. Song ở những nơi lang đạo còn lừng chừng, việc đi vào vận động, tổ chức quần chúng còn khó khăn do sự khống chế của lang. Vì vậy, việc vận động, thuyết phục đối với một số lang không đơn giản mà thực sự là một cuộc đấu tranh chính trị gay go, phức tạp đòi hỏi cán bộ phải vững vàng, có phương pháp, sách lược vận động phù hợp, có trường hợp phải mưu lược đấu trí phức tạp như ở Mường Diềm, Cao Phong…

Mặc dù khó khăn chồng chất song với quyết tâm cao, các đồng chí trong Ban cán sự Đảng, các cán bộ bám sát từng vùng, có phương pháp, đối sách thích hợp, tích cực thực hiện các chủ trương do Hội nghị Ban cán sự Đảng đề ra.

Các vùng Hiền Lương – Tu lý (Mai Đà), Mường Khói (Lạc Sơn) vốn đã có cơ sở từ trước, được các lang ở những nơi này nhiệt tình ủng hộ lại được tăng cường thêm cán bộ nên càng có điều kiện phát triển nhanh và mạnh. Vùng Cao Phong, Thạch Yên, trước 9-3-1945, một số lang đạo được cán bộ gắp gỡ thuyết phục đã tỏ ý ủng hộ cách mạng, song vẫn biểu hiện thái độ hai mặt (ông Đinh Công Tuân), dè dặt trong việc tạo điều kiện cho cán bộ đi vào quần chúng. Vì vậy, ở đây vẫn phải tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục làm cho lang đạo thông suốt đường lối đoàn kết cứu nước đúng đắn của Mặt trận Việt Minh. Mặt khác phải tìm phương pháp thích hợp, khéo léo đi vào tuyên truyền, tập hợp quần chúng lấy đó làm chỗ dựa, đề phòng sự phản trắc của lang.

Ở các thị trấn: Vụ Bản, phố Vãng, sau 9-3-1945, cơ sở cách mạng phát triển nhanh, tập hợp thêm nhiều quần chúng và tổ chức Cứu quốc từ đó phát triển ảnh hưởng vào các xóm, bản xung quanh. Phong trào ở thị xã ngày càng phát triển mạnh và có nhiều hoạt động sôi nổi. Sau ngày 9-3-1945 ít ngày, một nhóm thanh niên của tổ chức Đại Việt thân Nhật từ Hà Nội kéo lên, phối hợp cùng với số thân Nhật ở thị xã Hoà Bình tổ chức tuyên truyền rùm beng đề cao phát xít Nhật, xuyên tạc cách mạng. Đối phó với bọn này, Ban cán sự kịp thời chỉ đạo các đoàn thể Cứu quốc đẩy mạnh tuyên truyền vạch mặt bọn bán nước của bọn Đại Việt. Khi chúng tổ chức mít tinh, các đoàn thể Cứu quốc đã vận động nhân dân tẩy chay và bố trí một số em nhỏ đến xem, làm mất trật tự. Sau đó, chúng lại tổ chức một cuộc họp với thanh niên trong giới công chức nhằm lôi kéo anh em vào tổ chức Đại Việt. Trong cuộc họp này,

anh em công chức Cứu quốc đã dùng lý lẽ chất vấn, vạch trần luận điệu lừa bịp của bọn thân Nhật, làm cho âm mưu của chúng thất bại thảm hại. Bị cô lập cao độ, bọn tay sai phát xít buộc phải lặng lẽ rút khỏi thị xã Hoà Bình.

Một phần của tài liệu Tỉnh hoà bình trong công cuộc vận động cách mạng và khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền (1930 – 1945) (Trang 75 - 82)