Trang phục trong hội hè, lễ tết

Một phần của tài liệu Trang phục cổ truyền của người phụ nữ dân tộc thái huyện thường xuân (thanh hóa) (Trang 47 - 48)

6. Bố cục của luận văn

2.3.2. Trang phục trong hội hè, lễ tết

Ở Thường Xuân người Thái ít có điều kiện tổ chức các ngày sinh hoạt văn hoá cộng đồng, những sinh hoạt tín ngưỡng vui chơi… Đáng kể chỉ có các ngày tết, lễ hội phồn thực (thường tổ chức vào dịp tết) và các ngày có đám cưới trong bản. Đồng bào Thái ở đây sống khá vất vả, họ quanh năm đầu tắt mặt tối, chăm chỉ cần cù, không vào rừng thì xuống sông suối, không xuống ruộng thì lên nương. Trong khi cuộc sống đang còn vất vả, cuộc đời chưa vui và đầy đủ nhưng người Thái ở đây đã biết tổ chức những ngày vui cho mình. Những ngày hội hè, lễ tết đồng bào nghỉ việc, cả làng bản bừng lên khí sắc mùa xuân, ai cũng mặc những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất. Có khi trước ngày tết hoặc ngày hội, chị em còn phải thức thâu đêm để may vá thêu thùa cho xong những bộ váy, áo mới nhất, đẹp nhất kịp diện trong ngày đó.

Trái ngược với quan niệm trang phục hàng ngày, trong ngày hội hè, lễ tết, ai mà không có quần áo mới, đẹp để mặc thì thật xấu hổ, sẽ bị chê cười là lười biếng, không biết trồng bông dệt vải thêu thùa và không thành kính trang trọng, không có ý thức tốt trong việc góp vui làm đẹp cho lễ hội. Người Thái Thường Xuân ý thức được rằng trong lễ hội không những phải làm đẹp cho mình mà còn phải làm đẹp cho cả mọi người. Trong những ngày này cũng là dịp để các cô gái được trưng diện những bộ y phục mới nhất, đẹp nhất do chính đôi bàn tay khéo léo cần cù của mình làm ra. Có thể nói, muốn thấy được cái đẹp, cái bản sắc dân tộc Thái qua trang phục thì chúng ta phải tìm đến những ngày lễ hội.

Ngoài dùng các loại y phục mới cắt may, thêu cầu kỳ, người Thái Thường Xuân còn có loại “xửa luồm” (áo dài) dành riêng để mặc trong những ngày lễ hội. Loại áo dài này thường được dùng hai mầu đen và trắng, tạo nên sự sang trọng trong lễ hội. Mặc dù chiếc áo dài này còn đơn giản

nhưng vì nó được may riêng để dùng trong ngày lễ hội nên nó nói lên một biểu hiện văn hoá khá cao của người Thái Thường Xuân. Những ngày hội hè, lễ tết cũng là những ngày mà đồ trang sức được đem hết ra sử dụng, cùng khoe sắc với y phục.

Như vậy, tuy sự khác biệt giữa trang phục ngày thường và lễ hội không lớn lắm, nhưng từ quan niệm, ý thức về cái đẹp và cách sử dụng trang phục của những ngày đó cũng phản ánh rõ nếp sống văn hoá của tộc người qua trang phục. Điều này chứng tỏ nếp sống văn hoá của tộc người Thái ở đây đã đạt đến trình độ khá cao.

Một phần của tài liệu Trang phục cổ truyền của người phụ nữ dân tộc thái huyện thường xuân (thanh hóa) (Trang 47 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)