Trang phục trong hôn nhân

Một phần của tài liệu Trang phục cổ truyền của người phụ nữ dân tộc thái huyện thường xuân (thanh hóa) (Trang 48 - 52)

6. Bố cục của luận văn

2.3.3. Trang phục trong hôn nhân

Đám cưới của người Thái là việc làm lễ thành vợ chồng cho đôi trai gái yêu nhau, tự nguyện lấy nhau và chung sống lâu dài. Ngày cưới không chỉ là ngày vui, cái mốc quan trọng trong cuộc đời đôi trai gái mà còn là ngày vui chung của họ hàng trai gái, già trẻ trong bản.

Thường một đám cưới của người Thái Thường Xuân được tổ chức hai lần: lần thứ nhất ở bên nhà trai và lần thứ hai bên nhà gái. Tục cướp vợ trong đồng bào Thái vẫn còn, nhưng chỉ là hình thức. Trước đó đã có sự tìm hiểu của đôi trai gái và sự đồng ý của hai gia đình. Vào một ngày đã được bàn bạc định sẵn, nhà trai tổ chức (bạn bè, họ hàng nhà chàng trai) đến cướp cô gái, gia đình cô gái cũng giả vờ chống lại, đôi khi khá quyết liệt. Có thể tổ chức cướp vợ tại nhà cô gái hoặc nhằm lúc cô gái đi chợ, đi làm. Sau đó nhà trai cho người sang báo với gia đình nhà gái và tổ chức cưới trước bên nhà trai. Sau ba ngày thì nhà trai đưa cô dâu về nhà bố mẹ để tổ chức cưới và lấy những đồ tư trang của cô dâu về nhà chú rể. Khi đến tuổi lấy chồng các cô gái Thái đều ý thức cho mình sự chuẩn bị các tư trang váy, áo, chăn đệm, màn, gối…để lấy quần áo mặc trong ngày cưới và trang phục đem về nhà chồng như là một thứ của hồi môn.

Quần áo của cô dâu ở đây có thể nói khác với ngày thường là cắt may, thêu thùa rất đẹp, rất công phu và mới nhất, chưa mặc lần nào mà thôi. Không có loại y phục may khác kiểu dành riêng cho ngày cưới, chỉ có bộ áo dài của nam giới và nữ giới không được đem ra sử dụng.

Ngày cưới cô dâu mặc chiếc “xửa cỏm” (Thái trắng chọn “xửa cỏm”

mầu trắng còn Thái đen có thể mặc cả mầu trắng và mầu đen). Cùng với chiếc váy, thắt lưng, khăn đội đầu mới tinh được chuẩn bị thêu thùa công phu từ trước. Bộ y phục này có cô gái còn cẩn thận xem ngày lành tháng tốt rồi mới bắt đầu làm. Chuẩn bị trang phục trong ngày cưới và trang phục đem về nhà chồng là niềm hứng thú, say mê, niềm hạnh phúc của các cô gái. Không chỉ có các cô gái mà bố mẹ, anh em trong gia đình cũng chuẩn bị các đồ tư trang cần thiết nhất cho ngày cô gái về nhà chồng. Mẹ cô gái may sắm y phục, trang sức đẹp nhất, mới nhất để tặng con gái ngày về nhà chồng.

Phía nhà trai để chuẩn bị đón cô dâu tương lai, bà mẹ cũng dệt vải, may áo, váy, sắm đồ trang sức để đón con dâu.

Bình thường tư trang của cô gái đem về nhà chồng ít nhất phải có từ 2 - 4 đôi gối, 2 - 3 đôi chăn, 2 - 4 đôi đệm, 2 - 4 đôi chiếu, một đôi màn, 2 - 4 ghế mây, một đôi “dón” (đồ đựng như chiếc giỏ đeo bên hông) và tất cả các loại váy, áo…mà cô gái tự may sắm, chuẩn bị được trước khi lấy chồng. Những thứ khăn váy, áo… được bỏ vào chiếc bồ to (được làm rất đẹp, dành riêng cho các cô gái đựng tư trang trong ngày cưới) các thứ chăn, gối, đệm, màn, chiếu… được bó tròn lại và khiêng về nhà trai sau hôm cưới bên nhà gái. Cô dâu, chú rể đi trước các thanh niên khiêng vác các thứ này đi sau. Đám cưới to hay nhỏ còn phụ thuộc vào số lượng khiêng vác này. Càng nhiều đồ khiêng vác thì cô dâu càng hãnh diện, tự hào về thành quả lao động, sự khéo léo chăm chỉ của mình. Bố mẹ chồng cũng sẽ rất sung sướng khi chọn được cô con dâu tốt như vậy.

Về nhà chồng cô dâu sẽ tặng mẹ chồng một đôi gối, một đôi đệm, một bộ váy áo, một đôi “dón” và không thể thiếu được một đôi ghế mây. Bên ngành Thái đen khi cô dâu về nhà chồng thì phải mặc chiếc áo dài, cộc tay mầu đỏ, xẻ ngực, có hai dây buộc lại và cô con dâu đến trước gian thờ nhà chồng vái lạy để trình ma nhà chồng, để từ đây cô gái trở thành người nhà chồng. Bên Thái trắng trên đường cô dâu về nhà chồng lại phải đội chiếc áo dài đen (dùng cho đàn ông mặc khi chết bên nhà chồng) gấp đôi hoặc gấp tư lại, đến chân cầu thang mới bỏ ra. Người Thái trắng cho rằng làm như vậy thì con ma rừng sợ hồn của người đàn ông bên chồng trú trong chiếc áo ấy mà không dám bắt hồn cô dâu trước khi ma nhà chồng nhận làm người nhà.

Để tỏ lòng yêu quí và chào đón con dâu mới, mẹ chồng tặng con dâu của mình một đôi vòng tay, một đôi hoa tay bằng bạc, một đôi khăn thêu, một đôi váy, một đôi áo. Những thứ này được trao tặng hôm cưới bên nhà trai và sau đó được bỏ vào bế đem về trong hôm cưới bên nhà gái để bố mẹ họ hàng nhà gái được biết cô dâu được tặng những thứ gì.

Trong các đồ tư trang của ngày cưới, những đồ này phải có đôi chứ không được lẻ. Vì trong quan niệm, người Thái cho rằng những vật dùng hàng ngày trong nhà nhất là trong ngày cưới phải có đôi để mong ước cô dâu, chú rể khi đã thành vợ chồng sẽ sống bên nhau hạnh phúc, êm đẹp suốt đời, suốt đời không thể thiếu được nhau.

Ngày cưới không chỉ là ngày vui của cô dâu chú rể và gia đình họ hàng hai bên mà còn là ngày mong đợi, là niềm vui chung của mọi người trong bản. Ngày đó các gia đình trong bản đều tự nguyện đến góp rượu, góp gạo (mỗi nhà 1 chai rượu và 10kg thóc) và góp công trong những ngày cưới. Đặc biệt những ngày này các cô gái chưa có chồng hoặc bạn gái cùng lứa tuổi với cô dâu tụ tập đến. Họ mặc váy, áo mới và vui chơi nhảy múa, giúp việc cho đám cưới. Mọi người đến dự đám cưới từ già đến trẻ, gái, trai đều mặc quần áo mới, sạch đẹp, biểu hiện sự sang trọng của lễ cưới.

Đêm tân hôn của đôi trai gái không được diễn ra ngay sau ngày cưới mà ít nhất cũng từ ba đến bốn tháng sau. Trong suốt thời gian đó em gái hoặc bạn gái của cô dâu đến ở chung làm cùng với cô dâu (bữa cơm cô dâu ăn riêng trong gian buồng). Khi nào cô dâu đã quen cuộc sống làm ăn bên nhà chồng thì khi ấy mới đến đêm tân hôn. Người Thái sẽ mượn một phụ nữ đứng tuổi (trên 40 tuổi) khoẻ mạnh, vẫn còn chồng, đông con, gia đình làm ăn tốt đẹp, hạnh phúc để đến rãi chiếu buông màn, bỏ gối cho đôi trai gái chung chăn trong đêm tân hôn với ước mong cái phúc của người phụ nữ này sẽ truyền cho đôi vợ chồng trẻ.

Tóm lại: một đám cưới của người Thái ở Thường Xuân được chuẩn bị và diễn ra khá công phu, tốn kém. Trong ngày cưới nổi lên vấn đề là chuẩn bị và trao tặng trang phục. Trang phục được xem như một thứ của quí giá cho cô gái đem về nhà chồng. Tuy người Thái ở đây chưa đạt đến trình độ là chế tạo ra loại quần áo dùng riêng cho cô dâu, chú rể, nhưng qua những biểu hiện trên, chúng ta phải công nhận rằng người Thái cũng đã ý thức được sự sang trọng của trang phục trong ngày cưới như thế nào.

2.3.3.1. Trang phục của phụ nữ Thái trắng

Ngày cưới là ngày vui của cô dâu và gia đình cô dâu nhưng cũng là ngày vui của mọi người trong làng bản. Vì thế khi tham dự lễ cưới mọi người đều chuẩn bị cho mình những trang phục đẹp nhất.

Cô dâu: váy, áo, khăn đều còn mới, thêu đẹp chưa mặc lần nào. Trang sức đều được đem ra sử dụng như hoa tai hình ống chỉ, vòng cổ, vòng tay thân dẹt, xà tích. Khi về nhà chồng phải đội thêm chiếc nón giống chiếc nón của người kinh

Mẹ: váy, áo, khăn may giống trang phục ngày thường nhưng là những bộ mới nhất. Trang sức như hoa tai, vòng cổ, vòng tay và xà tích đều được đem ra sử dụng.

Chị em: trang phục cũng là những bộ mới nhất, đẹp nhất. Trang sức được đem ra sử dụng để làm đẹp cho mình cơ hội để các cô gái tìm kiếm bạn đời trong ngày vui.

Bà mối: váy, áo, khăn… là trang phục mới, đẹp và bà mối còn phải đeo “ấp” đựng trầu cau.

Bà máy: váy, áo, khăn mặc như ngày bình thường, nhuộm chàm và thêu hoa văn.

Dân bản: ăn mặc trang phục như sinh hoạt ngày thường.

2.3.3.2. Trang phục của phụ nữ Thái đen

Cô dâu: Váy, áo, khăn may như trang phục ngày thường nhưng là những bộ mới nhất, đẹp nhất. Trang sức gồm hoa tai, vòng cổ, vòng tay và xà tích được đem ra sử dụng.

Mẹ: váy, áo, khăn may như trang phục ngày thường nhưng là những bộ đẹp nhất. Trang sức được đem ra sử dụng gồm: hoa tai con đĩa, vòng cổ, vòng tay và xà tích.

Chị em: trong ngày cưới chị em ăn mặc những trang phục đẹp nhất và mới nhất. Trang sức cũng được đem ra sử dụng để làm đẹp mình trong ngày cưới của chị, của bạn.

Bà mối: mặc váy, áo, khăn… là những trang phục mới, đẹp và bà đeo thêm “ấp” đựng trầu cau, rượu.

Bà máy: mặc váy, áo bình thường, nhuộm chàm thêu hoa văn hình học. Dân bản: váy, áo mặc đồ thường ngày hay mặc nhưng là những bộ váy áo còn đẹp, chưa cũ

Một phần của tài liệu Trang phục cổ truyền của người phụ nữ dân tộc thái huyện thường xuân (thanh hóa) (Trang 48 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)