Trong giai đoạn hiện nay và những năm tới, nhu cầu vốn cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước ngày càng lớn. Bên cạnh việc khai thác nguồn vốn đầu tư trong nước, cần phải huy động nguồn vốn từ nước ngoài bằng các hình thức khác nhau để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Vì vậy, Việt Nam đã mạnh dạn tham gia thị trường trái phiếu Quốc tế và đã thu được những tín hiệu đáng mừng song song với những lo ngại và thách thức! Đặc biệt là lần phát hành Trái phiếu quốc tế đầu tiên của Việt Nam ra thị trường thế giới.
1.Đợt phát hành đầu tiên 2005:
Đề án phát hành trái phiếu quốc tế đã được Bộ Tài chính “thai nghén” từ cách đây hơn 10 năm. Năm 1994, ngay sau khi Trung Quốc phát hành trái phiếu lần đầu tiên ra thị trường thế giới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính bắt tay vào nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm để xây dựng đề án này.
Do những biến động của thị trường tài chính-tiền tệ thế giới, đề án đã nhiều lần bị trì hoãn do chưa hội đủ các điều kiện thuận lợi. Năm 2005, thời cơ đã đến khi các yếu tố “thiên-thời-địa-lợi” chín muồi: Kinh tế trong nước phát triển, nợ nước ngoài ở mức an toàn, thị trường tài chính thế giới ổn định cộng với nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển ngày một lớn.
Việc Việt Nam lựa chọn thời điểm cuối tháng 10/2005 để phát hành trái phiếu là hết sức đúng đắn bởi trong khi vay thương mại từ các ngân hàng trong nước đang ở một mặt bằng lãi suất cao thì việc huy động nguồn ngoại tệ từ bên ngoài với lãi suất thấp hơn sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đang ngày càng bị thu hẹp dần và dự kiến đến năm 2010 sẽ “biến mất” khỏi cơ cấu vốn vay, thì trái phiếu sẽ trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển.
"Hiếm thấy lần phát hành trái phiếu Chính phủ đầu tiên nào thu được thành công như của Việt Nam" là nhận định được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đưa ra. Bằng chứng là số lượng nhà đầu tư đặt mua trái phiếu lên tới trên 255 nhà đầu tư lớn (so với 150 nhà đầu tư mua trái phiếu của Chính phủ Indonesia đầu tháng 10/2005). Tính trung bình, mỗi nhà đầu tư chỉ mua được khoảng 20% lượng đặt mua, thậm chí có nhà đầu tư không mua được trái phiếu. Việc nhiều nhà đầu tư lớn tham gia mua trái phiếu Việt Nam sẽ là điều kiện tốt để tăng tính thanh khoản cho trái phiếu khi giao dịch trên thị trường thứ cấp, tạo thuận lợi cho những lần phát hành tiếp theo.
Ngay ngày đầu tiên tại Hồng Kông (19/10), số lượng các nhà đầu tư đặt mua đã đạt khoảng 1 tỷ USD, gấp 2 lần số lượng trái phiếu Chính phủ Việt Nam định phát hành. Đến ngày 26/10, sau khi Chính phủ quyết định tăng khối lượng phát hành thêm 250 triệu USD, số lượng các nhà đầu tư đặt mua đã tăng lên tới hơn gấp 3 lần từ mức trên 1 tỷ USD lên khoảng 3 tỷ USD. Ngày định giá trái phiếu, 29/10, số lượng các nhà đầu tư đặt mua đã lên tới con số kỷ lục 4,5 tỷ USD, tức là gấp 6 lần mức Chính phủ Việt Nam phát hành trong đợt này. Tất cả các nhà đầu tư quan trọng, có uy tín lớn trên thị trường tài chính thế giới từ Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ đều quan tâm tham gia đặt mua trái phiếu của Chính phủ VN với số lượng lớn. Đặc biệt lần này một số Ngân hàng trung
ương và các tổ chức đầu tư của Chính phủ các nước trong khu vực Châu Á đặt mua tới 50 - 100 triệu USD. Trong đó có Ngân hàng dự trữ quốc gia Malaysia tính đến nay chưa từng mua trái phiếu Chính phủ của quốc gia nào thì nay đã đặt mua trái phiếu của Chính phủ VN. Đặc biệt, còn dùng cả tiền dự trữ để tham gia mua 50 triệu USD. Điều này chứng tỏ, sức hút mạnh mẽ của trái phiếu Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế.
Kết quả, 750 triệu USD trái phiếu đã được bán hết với lãi suất danh nghĩa là 6,875%/năm; trong đó các nhà đầu tư châu Á nắm giữ 38%, châu Âu 32% và Mỹ là 30%. Trong số các nhà đầu tư này, các quỹ đầu tư tài chính là đối tượng quan tâm nhiều nhất đến trái phiếu của Việt Nam (chiếm tới 52%), còn lại là ngân hàng (25%), các công ty bảo hiểm (17%) và các tổ chức tài chính khác (7%).
Lãi suất coupon là 6,875%, giá bán là 99,223 USD. Điều này có nghĩa là lãi suất thực mà Việt Nam phải trả cho trái phiếu này là 7,13%/năm. Mức lãi suất này được coi là thấp so với các nước có mức tín nhiệm tương đương với Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, lãi suất trái phiếu chính phủ của Indonesia là 7,717%/năm, Philippines là 8,59%. Hầu hết các nước Nam Mỹ như Brasil, Argentina, Colombia đều phải chịu mức lãi suất cao hơn 7,5%. So với một số nền kinh tế mạnh như Hàn Quốc, Úc, Nga thì mức lãi suất mà Việt Nam phải chịu chỉ cao hơn từ 1,32-1,65%.
30 giây sau khi được định giá phát hành ở thị trường sơ cấp, trái phiếu Chính phủ Việt Nam đã được giao dịch trên thị trường thứ cấp và giá trái phiếu đã tăng khoảng 5 điểm, sau 15 phút tăng lên 10 điểm và đến ngày 1/11 vẫn giữ ở mức tăng 10 điểm so với lúc định giá phát hành....
Đây là đợt phát hành TPQTCP lần đầu tiên của VN ra thị trường vốn quốc tế và giao dịch này khẳng định cam kết của VN hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới. Đây là bước đi "khai phá" đầy thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận vào thị trường vốn quốc tế. Tín hiệu vui là thị trường quốc tế đã đón nhận mạnh mẽ và hi vọng giao dịch lần này sẽ khuyến khích hơn nữa sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với VN.
Trước mắt, trong đợt huy động 750 triệu USD trái phiếu lần này, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là doanh nghiệp đầu tiên đã được lựa chọn giải ngân. Tổng công ty Điện lực Việt Nam cũng muốn được vay vốn trái phiếu, nhưng do chưa có phương án, vay và trả nợ khả thi nên không được chấp thuận. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm, trong đoàn đi tiếp thị chào hàng trái phiếu lần này, ngoài Vinashin còn có Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển. Đây là những đơn
vị đang có kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trong tương lai không xa.
Việc phát hành trái phiếu quốc tế của Việt Nam thành công là một tín hiệu tích cực. Điều này thể hiện mức tín nhiệm của Việt Nam đã gia tăng làm cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Có thể sau sự kiện này, việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) cũng như gián tiếp (FPI) sẽ gia tăng, thúc
đẩy hơn nữa kinh tế Việt Nam tăng trưởng.
Việc trái phiếu bán chạy trên thị trường quốc tế cũng là điều kiện để Việt Nam có thể huy động thêm nguồn vốn, tăng cường đầu tư, thúc đẩy cỗ máy tăng trưởng, khi mà nguồn vốn trong nước đang đi dần đến điểm bão hòa, khó huy động hơn. Việc phát hành trái phiếu quốc tế của Việt Nam sẽ có những tác tích cực. Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp hợp lý, những bất lợi sẽ nổi lên, đôi khi triệt tiêu hẳn những tác động tích cực, thậm chí còn làm cho tình huống trở nên tồi tệ hơn. Huy động trái phiếu có nghĩa là chính phủ đi vay ở nước ngoài. Đã đi vay thì phải trả mà còn phải trả với lãi suất cao. Một khoản đi vay chỉ có thể trả được khi suất sinh lợi mà nó làm ra tối thiểu phải bằng lãi suất đi vay. Con số cụ thể ở đây là 7,125%. Vấn đề đặt ra đầu tiên đối với khoản vay này là phải sử dụng một cách hiệu quả. Có nghĩa là, việc sử dụng khoản vốn này không được rơi vào vết xe đổ của các khoản vốn vay ODA.
Nhìn vào Vinashin, đơn vị được ủy thác gánh vác trọng trách này, thấy rằng vào cuối năm 2004, tổng tài sản của họ hơn 750 triệu đô la Mỹ một chút, tương đương với số vốn vừa được giao, tổng doanh thu khoảng chừng 350 triệu đô la, và hệ số ROE (suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu thấp hơn con số 7,13% rất nhiều). Hoạt động của Vinashin mới có sự khởi sắc trong những năm gần đây. Trong kế hoạch được phê duyệt trong năm 2001, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 30% thì đến năm 2010, quy mô về doanh thu, tài sản của Vinashin sẽ gấp 4 lần hiện nay là một sự thành công vô cùng lớn lao, nhưng kế hoạch mới được duyệt sẽ là gấp 5 lần. Tốc độ phát triển này đòi hỏi phải có một cách tổ chức cực kỳ năng động và khả năng thích ứng vô cùng lớn. Nếu không, sẽ dẫn tới tình trạng “dục tốc bất đạt".
Để triển khai kế hoạch phát triển này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt lại Điều lệ tổ chức và hoạt động, đồng thời cho phép Vinashin thí điểm thuê tổng giám đốc nước ngoài. Đây là bước chuẩn bị tốt và hợp lý. Số tiền trên đã được Vinashin phân bổ đều cho các đơn vị trong tổng công ty. Cụ thể, các đơn vị đóng tàu được 60%, các dự án phát triển công nghiệp 30% và các dự án phát triển đội tàu là 10%. Do được đầu tư công nghệ mới, Vinashin đã đóng tàu đến 53 ngàn tấn vàđã ký nhận đóng các tàu tải trọng 100 – 150 ngàn tấn. Bên cạnh đó, Vinashin cũng đầu tư mạnh cho công nghiệp phụ trợ nhằm
nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tăng khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp này trong tương lai. Bằng nguồn tiền trái phiếu quốc tế, Vinashin cũng đã đầu tư phần mềm thiết kế để nâng cao năng lực tự thiết kế. Nếu như trước đây, Việt Nam chỉ có thể thiết kế tàu dưới 20 ngàn tấn thì trong năm qua đã tự thiết kế tàu 53 ngàn tấn và tới đây sẽ tự thiết kế tàu 105 ngàn tấn.
Về triển khai đầu tư, hiện nay Vinashin đang đầu tư hàng loạt công trình nhằm hình thành 3 cụm công nghiệp tàu thủy ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Cụ thể, Vinashin đang đầu tư vào khu công nghiệp An Hồng – Hải Phòng chuyên sản xuất động cơ, sản xuất nồi hơi, nội thất tàu thủy và các cơ sở về cơ khí khác. Khu công nghiệp Lai Vu – Hải Dương tập trung vào cơ khí và sản xuất container. Khu công nghiệp Cái Lân đang triển khai dự án cán nóng thép tấm 500 ngàn tấn phục vụ đóng tàu và sang năm sẽ có sản phẩm thay thế nhập khẩu. Khu công nghiệp Dung Quất đầu tư nhà máy đóng tàu có năng lực đóng tàu 100 – 150 ngàn tấn và nâng lên đến 300 ngàn tấn, có thể sản xuất các giàn khoan dầu khí…
Tuy nhiên, khó khăn nhất của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay là vấn đề quản trị công ty, xử lý mâu thuẫn giữa chủ sở hữu và người điều hành. Trong trường hợp thuê người nước ngoài, nếu không có cơ chế hợp lý thì có thể xảy ra tình trạng lợi dụng nguồn lực của chúng ta để tìm kiếm lợi ích cho bản thân họ. Còn nhiều vấn đề khác, song trên đây là hai vấn đề đáng lưu ý nhất trong việc triển khai chiến lược phát triển Vinashin nói riêng, ngành công nghiệp đóng tàu nói chung.
Đợt huy động vốn từ Quốc tế lần đầu tiên của Việt Nam đã mang lại những dấu hiệu tốt song bên cạnh đó cần phải xem xét để sử dụng nguồn vốn ấy thật hợp lí, để không trở nên lãng phí, thành gánh nặng cho thế hệ sau.