3.3.1 Khái niệm quan hệ xã hội:
Xã hội là một hệ thống các quan hệ lẫn nhau giữa người với người. Các quan hệ đó rất phong phú như: quan hệ về chính trị, kinh tế, văn hoá...quan hệ giữa các cá nhân với nhau, quan hệ giữa nhóm người này với nhóm người khác. Các quan hệ này được gọi là quan hệ xã hội.
Quan hệ xã hội là các mối quan hệ được xác lập giữa các cộng đồng xã hội, các nhóm, các cá nhân với nhau, với tư cách là chủ thể của hoạt động xã hội, khác biệt nhau bởi vị trí xã hội và chức năng trong đời sống xã hội.
Quan hệ xã hội là các quan hệ bền vững, ổn định, lặp lại, có mục đích, có hoạch định, có sự phối hợp hành động của các chủ thể hoạt động xã hội, được hình thành trên cơ sở những tương tác xã hội.
3.3.2 Chủ thể quan hệ xã hội:
Chủ thể quan hệ xã hội được xét ở hai cấp độ:
1.Cấp độ vĩ mô: Chủ thể quan hệ xã hội là các nhóm, các tập đoàn hay toàn thể xã hội thể hiện trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
2.Cấp độ vi mô: Chủ thể quan hệ xã hội là các cá nhân.
Các quan hệ xã hội có thể thể hiện tính hợp tác hoặc sự xung đột. Nó xuất phát từ sự hài lòng hay không hài lòng. Nếu hài lòng về lợi ích thì sẽ dẫn đến quan hệ hợp tác, nếu không thì sẽ là quan hệ xung đột.
Quan hệ xã hội còn thể hiện sự khác biệt về địa vị xã hội của các cá nhân và các cộng đồng trong xã hội. Sự khác biệt này bao gồm yếu tố tự nhiên (nằm ngoài sự chủ quan của mình, không thể quyết định mình sinh ra giàu hay nghèo) và yếu tố xã hội (do cá nhân phấn đấu, vươn lên, có thể quyết định được).
3.3.3 Phân loại quan hệ xã hội:
- Theo vị thế: quan hệ xã hội theo chiều ngang và quan hệ xã hội theo chiều dọc (bình đẳng và bất bình đẳng).
- Theo chủ thể: quan hệ xã hội giữa các tập đoàn lớn, giữa các nhóm xã hội nhỏ, giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữa các cá nhân.
- Theo nội dung: quan hệ tình cảm thuần tuý (quan hệ sơ cấp) và quan hệ xã hội (quan hệ thứ cấp).
Quan hệ tình cảm dựa trên những đặc điểm sinh học hoặc tâm lý có sẵn ở các cá nhân như giới tính, vẻ bề ngoài, quan hệ huyết thống, sở thích...
Quan hệ xã hội dựa trên những đặc điểm xã hội đạt được của cá nhân như nghề nghiệp, học vấn, địa vị, quyền lực...
Nhưng không có nghĩa là quan hệ tình cảm không phải là quan hệ xã hội, mà chủ yếu nó mang ít tính xã hội hơn. Đôi khi, quan hệ tình cảm lại trở thành quan hệ xã hội như trong kinh doanh và ngược lại, chính quan hệ xã hội có thể tạo ra quan hệ tình cảm. CÂU HỎI ÔN TẬP:
1. Trình bày định nghĩa hành động xã hội? Phân biệt hành động xã hội và hành vi? 2. Hành động xã hội bao gồm những thành phần cơ bản nào? Các thành phần của hành động xã hội có mối quan hệ với nhau không?
3. Tại sao hành động xã hội luôn có những động cơ thúc đẩy và ý thức về kết quả có thể xảy ra (có chủ định) nhưng đôi khi, chúng vẫn đem lại những kết quả hành động không chủ định? Hãy lấy ví dụ chứng minh?
4. Hãy trình bày khái niệm và các đặc điểm của tương tác xã hội? 5. Trình bày các lý thuyết giải thích về tương tác xã hội?
6. Hãy trình bày khái niệm quan hệ xã hội? Chủ thể quan hệ xã hội thường được xem xét ra sao?
7. Trình bày nội dung phân loại quan hệ xã hội? Lấy ví dụ minh họa cho các loại quan hệ xã hội tương ứng.
Chương 4: TỔ CHỨC XÃ HỘI VÀ THIẾT CHẾ XÃ HỘI
Những vấn đề được trình bày trong chương 4 sẽ giúp cho sinh viên có sự hiểu biết hơn về sự tồn tại của các nhóm xã hội, cộng đồng xã hội, tổ chức xã hội, thiết chế xã hội và sự ảnh hưởng của chúng đối với các cá nhân cũng như toàn thể xã hội. Đồng thời, với những kiến thức được cung cấp, sinh viên sẽ phân biệt biệt sự khác nhau giữa các phạm trù.