Năm 2007, mặc dù các sở, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai công tác đầu tư xây dựng cơ bản nhưng vẫn còn rất nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội . Đặc biệt việc chậm trong tiến độ thực hiện khối lượng xây dựng và tốc độ giải ngân nguồn vốn ngân sach vẫn chưa được cải thiện là mấy.
Theo đó, có 3 nguyên nhân cơ bản: Thứ nhất, do sự chỉ đạo điều hành và
quản lý thực hiện dự án của các sở, ngành, địa phương, nơi làm tốt nơi làm chưa tốt. Hầu hết các chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng cơ bản, còn phó mặc cho Ban quản lý dự án. Không tổ chức giao ban đôn đốc để giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong khi triển khai thực hiện của nhà thầu, đơn vị thi công. Vì vậy xảy ra tình trạng cùng một khung pháp lý như nhau nhưng có đơn vị thì thực hiện giải ngân nhanh, vượt kế hoạch nhưng ở đơn vị khác giải ngân đạt thấp hoặc không giải ngân được. Công tác xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án, tổng dự toán và thiết kế kỹ thuật chậm, chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng. Công tác khảo sát ban đầu thiếu chính xác, không xác định đầy đủ các yếu tố liên quan. Do vậy, các dự án được duyệt tính khả thi chưa cao, nhiều dự án phải điều chỉnh thiết kế, tổng dự toán, kéo dài thời gian thi công. Thậm chí một số dự án được bố trí vốn đầu tư nhưng lại chưa có tổng dự toán được duyệt vì vậy đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và tốc độ giải ngân nguồn vốn công trình. Nhiều trường hợp dự án đã có khối lượng thực hiện nhưng
thủ tục đầu tư lại chưa hoàn chỉnh nên không đủ cơ sở để giải ngân. Trong khi chủ đầu tư và nhà thầu chậm chạp thì các cấp có thẩm quyền cũng lại chậm xử lý trong việc hướng dẫn điều chỉnh chi phí, định mức đầu tư, có điều chỉnh thì lại không đồng bộ với biến động thị trường do trượt giá vật tư, thay đổi chế độ tiền lương. Theo phản ánh của các chủ đầu tư, nhà thầu thì thủ tục phê duyệt tổng dự toán, kế hoạch đấu thầu, tiêu chuẩn đánh giá thầu, kết quả trúng thầu hiện quá rườm rà, phức tạp, cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án khởi công
mới. Thứ hai, do năng lực đơn vị tư vấn và năng lực nhà thầu thi công yếu. Mặc
dù năng lực các nhà thầu, đơn vị tư vấn thời gian qua đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc nên mới xảy ra tình trạng dự án phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần, nhà thầu thì không có đủ năng lực tài chính, kỹ
thuật để triển khai thực hiện dự án theo đúng nội dung đã cam kết. Thứ ba, do
quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện còn nhiều bất cập. Mặc dù luật, nghị định về đầu tư xây dựng, đấu thầu thanh toán vốn có nhưng văn bản hướng dẫn lại chưa thống nhất và thiếu cụ thể, gây khó khăn cho việc thực hiện ở cơ sở, nhất là văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành các Luật Đầu tư, Xây dựng, Đấu thầu, Đất đai...
Nhằm nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư và hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý dự án, vừa qua các địa phương đã tiến hành chuyển đổi các Ban thành tổ chức tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp nhưng do chưa có sự chuẩn bị kịp cả về tổ chức, cán bộ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc nên hầu hết các Ban quản lý dự án sau khi chuyển đổi đều lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện nguồn vốn ngân sách. Điều các chủ đầu tư băn khoăn hiện nay đó là quyết định khung giá để lập dự toán thường bị chậm do việc thông báo giá của các địa phương không đầy đủ và
không cập nhật thường xuyên; việc tính trượt giá chưa thống nhất nên gây chậm trễ, lãng phí trong đấu thầu, thời gian lập, thẩm định và phê duyệt dự án. Còn một nguyên nhân quan trọng khiến rất nhiều dự án công trình trọng điểm bị chậm tiến độ đó là, công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương hiện quá chậm.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, tránh tình trạng dồn ép khối lượng thi công và giải ngân vào tháng cuối năm, giảm áp lực đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, cần thực hiện một số giải pháp: Trước mắt các sở, ngành, địa phương cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng để phát hiện những điều bất cập không phù hợp với thực tế có đề xuất biện pháp giải quyết. Tăng cường tổ chức thực hiện công tác giám sát đầu tư, thanh tra, đánh giá đầu tư để kịp thời chấn chỉnh các việc làm vi phạm về quy định đầu tư. Rà soát lại các công trình, dự án đã được phê duyệt, xác định mức độ cần thiết trước khi bố trí vốn nhằm đảm bảo hiệu quả sau đầu tư; đồng thời tổ chức nghiên cứu phân định trách nhiệm đầu tư dự án, công trình của từng cấp ngân sách. Để chủ động trong cân đối ngân sách và huy động các nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực không có khả năng thu hồi vốn, bố trí vốn tập trung, khắc phục tình trạng lãng phí nguồn vốn cần có, ban hành danh mục các công trình dự án đầu tư hạ tầng kinh tế- xã hội giai đoạn 2008 - 2010, nhất là công trình có quy mô lớn nhằm tạo nền tảng phát triển cho các giai đoạn sắp tới. Việc phân bổ ngân sách hàng năm cho đầu tư phát triển phải căn cứ vào danh mục dự án này.
Như vậy các địa phương, sở, ngành cần có sự tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Các chủ đầu tư xây dựng công trình cần thường xuyên rà soát và chủ động đề xuất việc điều chuyển vốn của các công trình
không có khả năng thực hiện và thanh toán, tránh tình trạng không giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư đã được giao. Những công trình đã có khối lượng hoàn thành chủ đầu tư cùng nhà thầu khẩn trương nghiệm thu lập hồ sơ gửi Kho bạc Nhà nước để thanh toán theo quy định, không để khối lượng đọng chưa được thanh toán dồn ép vào những tháng cuối năm và xin điều chuyển sang năm sau.
Các dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thường được triển khai rất chậm, thậm chí một số dự án gần như không thể triển khai được. Để giải quyết vấn đề này, cần có nhiều giải pháp đồng bộ liên quan
tới các chính sách về đất đai, giá cả đền bù, tái định cư... cần tập trung vào tổ
chức thực hiện cho được Quyết định 1165 của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung cơ bản của Quyết định là dự án sau khi được quyết định đầu tư, được chia thành hai tiểu dự án: tiểu dự án xây dựng do chủ đầu tư trực tiếp thực hiện và tiểu dự án giải phóng mặt bằng đã được giao cho các địa phương toàn quyền chủ động thực hiện từ nguồn vốn kế hoạch. các địa phương cần xây dựng khu tái định cư trước khi giải phóng mặt bằng. Các địa phương thường làm rất chậm việc này. Muốn làm nhanh, họ phải có chính sách ưu tiên về đất đai, đồng thời ban hành nhanh những quy định về quản lý đầu tư xây dựng đối với công trình tái định cư, trong đó có cả đất đai, điện, nước, hạ tầng xây dựng... Thứ hai là, các địa phương phải xây dựng được chính sách hợp lý về giá đền bù, theo thoả thuận giữa chủ đầu tư và người dân có đất bị giải tỏa, phù hợp với mức giá tại thời điểm đó. Cái khó của vấn đề này là cơ quan nhà nước phải làm rõ giá thị trường và mức thoả thuận, để giải quyết nhanh khâu xác định giá. Thứ ba là việc tổ chức thực hiện. Chủ đầu tư giải phóng mặt bằng phải có ban quản lý (BQL) chuyên nghiệp để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thay vì cách kiêm nhiệm như hiện nay. Do kiêm nhiệm, có thể nay người này mai người khác kiêm nhiệm, nên áp dụng
chính sách ở những thời điểm khác nhau, không nhất quán, gây ra những bất hợp lý và sự không đồng tình của nhân dân.
Hiện nay, ngay trong Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã phân cấp rõ ràng, Bộ sẽ thực hiện chức năng làm chủ đầu tư một số dự án lớn, còn lại phân cấp cho các cục, các tổng công ty. Các BQL dự án chưa có đủ điều kiện để bổ sung chức năng tư vấn sẽ được chuyển về cho các cục và các tổng công ty quản lý, để phục vụ ngay cho các đơn vị này. Ngoài ra, cũng cần củng cố ngay nội thân của các BQL dự án, đặc biệt là vấn đề tổ chức và quản lý tài chính.
Cần nghiên cứu để đưa ra một hệ số trượt giá như các nước đã làm. Bộ Giao thông đã xây dựng hệ số này và thống nhất ban đầu với Bộ Xây dựng. Sắp tới, nếu được thông qua thì các dự án sẽ áp dụng hệ số trượt giá này, để đẩy nhanh thời gian điều chỉnh tổng dự toán, cũng như tổng mức đầu tư cho dự án. Bên cạnh đó, phải phối hợp để giải quyết những việc sau khi điều chỉnh đơn giá. Nếu giá tăng thì tổng mức đầu tư, tổng dự toán công trình cũng phải tăng, đó là chưa kể tới chính sách cũng thay đổi như tăng lương chẳng hạn. Tuy nhiên, bất cập trong thời gian qua là, quy trình điều chỉnh lại tổng dự toán, tổng mức đầu tư lâu nay được làm rất khó khăn và rất chậm, nhất là đối với những dự án gần như phải làm lại toàn bộ.
Thêm vào đó, nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ bản trong ngân sách nhà nước năm 2008 thấp hơn năm 2007 cũng sẽ là một khó khăn lớn. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần dành số vốn này để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn, chuyển các dự án có khả năng thu hồi vốn sang thực hiện bằng nguồn vốn tín dụng. Như vậy, các cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội bằng các hình thức thích hợp, cần phải được nhanh chóng
hoàn thiện. Được biết, Chính phủ đang chuẩn bị 30 dự án giao thông có tính chiến lược đến năm 2020 và đang xây dựng danh mục dự án đầu tư quan trọng của các ngành khác để kêu gọi đầu tư. Vấn đề cấp bách đặt ra là cùng với việc giao kế hoạch sớm, cần khẩn trương thực hiện đồng bộ giải pháp về quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính trong xây dựng..., để khắc phục tình trạng giải ngân chậm, tồn đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã kéo dài trong suốt năm 2007. Rõ ràng để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, đòi hỏi phải tiếp tục có sự nỗ lực lớn từ Trung ương đến địa phương
Kết luận
Hoàn thiện, đổi mới công tác quản lý tài chính nói chung, quản lý vốn ngân sách Nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản nói riêng là một quá trình liên tục, đồng thời là một yêu cầu khách quan của tiến trình phát triển kinh tế xã hội.
Đất nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, , XDCB góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình này, do đó, chú trọng
nhiều tới đầu tư XDCB cũng chính là đảm bảo cho đất nước một cơ sở hạ tầng vững chắc cho xã hội, cho phát triển kinh tế trong tương lai.
Với mục tiêu góp phần hoàn thiện công tác quản lý vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản, đề tài nghiên cứu và hệ thống lại những đặc điểm của vốn đầu tư XDCB nói chung, vốn đầu tư XDCB của ngân sách Nhà nước nói riêng; vai trò của đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong nền kinh tế quốc dân, và sự cần thiết phải quản lý vốn đầu tư XDCB ngân sách Nhà nước, sự cần thiết khách quan phải hoàn thiện công tác quản lý vốn đầu tư XDCB của ngân sách Nhà nước. Phân tích, đánh giá biến động của nguồn vốn đầu tư XDCB được thực hiện nhìn từ góc độ chi phí trong XDCB, từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm làm tăng giá trị thực hiện nguồn vốn đầu tư XDCB.
MỤC LỤC