II. THỰC TIỄN KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG TẠI CHI NHÁNH LÁNG HẠ
2. Ví dụ về hợp đồng tín dụng
Giả sử Bên cho vay (bên A) là Ngân hàng No& PTNT Láng Hạ và bên đi vay (bên B) cùng nhau giao kết một hợp đồng tín dụng và hai bên thống nhất việc bên A cho bên B vay tiền theo nội dung thoả thuận dưới đây:
Điều 1. Phương thức cho vay, số tiền cho vay, mục đích sử dụng tiền vay.
1.1. Phương thức cho vay: từng lần.
1.2. Số tiền vay tối đa: 1.950.000.000đ (Một tỷ chín trăm lăm mươi triệu đồng chẵn). 1.3. Mục đích sử dụng tiền vay: vay vốn để thanh toán cho:
- Hợp đồng kinh tế số: HL/TG/01/2006 được ký giữa bên B và công ty C ngày 04/01/2006, trị giá hợp đồng là 97,169.6 EUR.
- Hợp đồng số: dunlop/ HaoLong/E06035, thanh toán L/C , trị giá hợp đồng là: 39,600 EUR.
- Hợp đồng số: Maagd/HL-461200, thanh toán L/C, trị giá hợp đồng là: 4,155.6 EUR
Điều 2. Lãi suất cho vay
- Lãi suất tiền vay là: 1,03%/tháng tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng. - Lãi tiền vay bên B phải trả cho bên A tính từ ngày vay đến ngày trả nợ.
- Phương pháp trả lãi tiền vay: trả lãi theo định kỳ 01 lần/ tháng vào ngày 20 hàng tháng.
- Trả nợ gốc: 01 lần vào cuối kỳ.
- Lãi suất nợ quá hạn: khi đến kỳ trả nợ hoặc kết thúc thời hạn cho vay, nếu bên B không có khả năng trả nợ đúng hạn gốc, lãi và không được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và lãi, hoặc không được gia hạn nợ gốc, lãi thì NHNo sẽ chuyển toàn bộ số dư nợ thực tế của hợp đồng tín dụng này sang nợ quá hạn và bên B phải chịu lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn.
Điều 3. Thời hạn cho vay, phương thức và kỳ hạn trả nợ
- Thời hạn cho vay: 03 tháng, kể từ ngày giải ngân. Trong thời hạn vay, khi thu được tiền hàng từ khách hàng, bên B phải trả nợ gốc cho bên A.
- Trường hợp bên B trả nợ bằng đồng tiền khác với đồng tiền cho vay thì phải được bên A chấp thuận.
- Trường hợp bên B rút tiền vay nhiều lần thì mỗi lần nhận tiền vay bên B lập ba giấy nhận nợ gửi bên A.
Điều 4. Hình thức bảo đảm tiền vay
Cho vay có bảo đảm bằng bảo lãnh của bên thứ ba.
Bảo lãnh bằng giá trị quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở của ông X- người đại diện của bên B và vợ là bà Y số 10109172988 do UBND quận Đống Đa cấp ngày 10/12/2004.
Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của bên A
5.1. Bên A có quyền:
b. Chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện bên B cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng tín dụng.
c. Có quyền sử lý tài sản thế chấp bảo đảm vốn vay trong những trường hợp sau: - Bên B không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
- Không có chủ thể kế thừa nghĩa vụ của bên B.
- Xảy ra bất kỳ sự kiện pháp lý nào giải phóng cho bên B khỏi nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng này.
d. Gia hạn nợ gốc, lãi; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc, lãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
5.2. Bên A có nghĩa vụ:
a. Thực hiện đúng thoả thuận trong hợp đồng tín dụng.
b. Lưu giữ hồ sơ tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của bên B 6.1. Bên B có quyền:
a. Từ chối yêu cầu của bên A không đúng với các thoả thuận trong hợp đồng này. b. Khiếu nại, khởi kiện vi phạm hợp đồng này theo quy định của pháp luật. 6.2. Bên B có nghĩa vụ:
a. Cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu đã cung cấp.
b. Sử dụng tiền vay đúng mục đích và thực hiện đúng các nội dụng khác đã thoả thuận trong hợp đồng này.
c. Trả nợ gốc và lãi tiền vay theo thoả thuận trong hợp đồng này.
d. Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thực hiện những thỏa thuận về việc trả nợ vay.
Điều 7. Một số cam kết khác
Ngân hàng chỉ tiến hành giải ngân sau khi đã tiến hành đầy đủ các thủ tục đăng ký thế chấp tài sản đảm bảo cho khoản nợ của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 8. Sửa đổi, bổ sung, chuyển nhượng hợp đồng
Khi một trong hai bên muốn có sự thay đổi nội dung điều khoản nào của hợp đồng này thì gửi đề xuất tới bên kia bằng văn bản. Nếu bên kia chấp thuận, hai bên sẽ ký bổ sung điều khoản thay đổi đó trong một thoả thuận bằng văn bản đi liền với hợp đồng này.
Trường hợp chuyển nhượng hợp đồng tín dụng này phải được hai bên cùng thoả thuận theo quy định về mua bán nợ của NHNN. Các điều khoản khác của hợp đồng này không thay đổi.
Điều 9. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Đến thời hạn trả nợ nếu vì lý do khách quan bên vay không có khả năng trả nợ và có đơn xin gia hạn trả nợ trước 10 ngày, ngân hàng sẽ xem xét khả năng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho bên vay.
Khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, toàn bộ số dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng này sẽ được chuyển nợ quá hạn kể từ thời điểm cơ cấu lại thời hạn nợ.
Văn bản của ngân hàng đồng ý cơ cấu lại thời hạn trả nợ là một bộ phận không tách rời của giấy nhận nợ cụ thể và không có giá trị pháp lý thay thế lịch trả nợ đã được quy định trong giấy nhận nợ cụ thể đó.
Lãi suất cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng No& PTNT Việt Nam và được ghi trong thông báo cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Điều 10. Cam kết chung
Hai bên cam kết thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng. Nếu có tranh chấp hai bên sẽ giải quyết bằng thương lượng, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Trường hợp hai bên không thể giải quyết bằng thương lượng, hai bên sẽ đưa tranh chấp ra giải quyết tại toà án kinh tế nơi có trụ sở chính của bên A.
Hợp đồng này được lập thành 2 bản, các bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ 01 bản. Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày ký và được thanh lý khi bên B hoàn trả xong cả gốc và lãi.
Như vậy, hợp đồng tín dụng mà hai bên đã giao kết là phù hợp với các nội dung mà pháp luật quy định và đúng các yêu cầu mà chi nhánh đã đưa ra. Đây là cơ sở pháp lý để cả hai bên A và B buộc phải thực hiện theo đúng những nội dung đã thoả thuận, nó xác định quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai bên, là căn cứ để xác định xem bên nào có vi phạm; và cũng là cơ sở để đảm bảo quyền và lợi ích của cả hai bên. Vì đối với cả hai bên nếu không đảm bảo an toàn thì dễ dẫn đến những thiệt hại không đáng có do vi phạm hợp đồng gây lên, nếu không thoả thuận với nhau thì hai bên dễ hiểu sai và thực hiện không đúng những gì bên kia mong muốn, yêu cầu và nhất là không thoả thuận với nhau bằng văn bản sẽ không có căn cứ để giải quyết tranh chấp xảy ra. Mặc dù hai bên đã thoả thuận như trên bằng văn bản nhưng nếu một trong hai bên lại vi phạm hợp đồng (như: bên vay không trả được bất kỳ khoản nợ gốc hay lãi nào khi đến hạn, không thực hiện được một hay nhiều nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng tín dụng, bên vay vi phạm các hợp đồng tín dụng khác và bị chủ nợ khác thu hồi nợ trước hạn,…bên cho vay không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng tín dụng do trình độ chuyên môn của một số cán bộ tín dụng còn yếu kém, công nghệ còn lạc hậu,…) thì hợp đồng tín dụng sẽ bị chấm dứt. Việc vi phạm hơp đồng sẽ gây ra những hậu quả không đáng có cho cả hai bên như: bên cho vay sẽ mất thời gian, tốn công sức, gây ra những thiệt hại về tiền, có thể sẽ mất đi những khách hàng quen thuộc, mất uy tín không chỉ với khách hàng của mình mà còn với những khách hàng khác,…còn với bên vay thì tốn thời gian cũng như tiền của mà đối với doanh nghiệp thời gian là rất quan trọng, sẽ làm giảm tiến độ kinh doanh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh khác nhất là đối với các nhà đầu tư;..Xuất phát từ những hậu quả không đáng có đó mà chi nhánh đã không ngừng cố gắng để không xảy ra những vi phạm như khi khách hàng đến vay các cán bộ tín dụng đã hướng dẫn rất tận tình cho khách hàng (đưa ra các vi phạm dẫn đến chấm dứt hợp đồng, các quyền và nghĩa vụ mà khách hàng cần thực hiện đúng,…) và giải thích những khúc mắc mà khách hàng đưa ra, tạo sự thoải mái cho khách hàng khi đến vay…. Nếu khách hàng gặp phải các trường hợp bất khả kháng (là trường hợp mà việc không tuân thủ một hay nhiều điều khoản của hợp đồng tín dụng của một trong các bên
không dẫn đến việc các bên còn lại có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn) như: thiên tai, địch hoạ, các hoạt động bạo động, sử dụng vũ trang, đảo chính… thì hợp đồng không bị coi là vô hiệu. Mặc dù các cán bộ tín dụng và các khách hàng đã cố gắng thực hiện tốt các điều khoản đã thoả thuận nhưng vẫn không thể tránh khỏi những rủi ro đáng có như các khách hàng không thể trả đúng hạn như thoả thuận trong hợp đồng tín dụng do khách hàng không có đủ khả năng trả nợ…cho nên Tổng nợ xấu các năm vẫn còn cao như năm 2004 nợ xấu là 2,789 tỷ đồng năm 2005 nợ xấu là 6,750 tỷ đồng; năm 2006 nợ xấu là 9,785 tỷ đồng. Như vậy, tổng dư nợ xấu qua các năm ngày càng tăng do nền kinh tế thị trường có nhiều thay đổi nhất là khi đó Việt Nam đang gia nhập quốc tế như giá cả thay đổi (xăng dầu thay đổi, giá vàng thay đổi dẫn đến một số mặt hàng khác cũng thay đổi theo như gạo, đồ điện tử …) làm ảnh hưởng không chỉ đến hoạt động kinh doanh của chi nhánh mà cả với khách hàng nên rủi ro trong kinh doanh của các khách hàng cao dẫn đến việc trả nợ là rất khó. Do đó, chi nhánh vẫn tạo điều kiện để khách hàng có thể chi trả bằng cách chuyển nợ đó thành nợ quá hạn, để hợp đồng không bị chấm dứt, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cả hai bên.