KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI DỰ ÁN PHONG ĐIỆN 1 BÌNH THUẬN

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình Phong điện 1-Bình Thuận theo Cơ chế phát triển sạch (Trang 98 - 99)

Trong quá trình thực hiện đề tài, tôi có một số kiến nghị sau đối với chủ đầu tư dự án Phong điện 1 – Bình Thuận:

1.1 Hỗ trợ đời sống cộng đồng dân cư địa phương

Do dự án sử dụng một diện tích lớn đất nông nghiệp của dân địa phương nên đời sống của một số hộ dân sống xung quanh bị ảnh hưởng. Hiện tại, khoản chi phí đền bù giải phóng mặt bằng đã được tính toán rõ ràng trong báo cáo dự án nhưng các vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến giải phóng mặt bằng chưa được đề cập tới. Sau khi nhận tiền đền bù, người dân sẽ gặp khó khăn trong việc đầu tư sử dụng khoản tiền đền bù đó sao cho hợp lý và có một sinh kế ổn định. Do đó, trách nhiệm xã hội của chủ dự án là cần hỗ trợ, kết hợp với chính quyền địa phương giải quyết công ăn việc làm cho người dân thỏa đáng. Điều này đem lại lợi ích chung cho cả hai bên. Cộng đồng dân cư được hỗ trợ đào tạo, vào làm việc cho dự án vừa đảm bảo thu nhập vừa có ý thức ủng hộ, tạo điều kiện cho dự án tiến hành thuận lợi tại địa phương.

1.2 Gia tăng hiệu quả kinh tế trong việc khai thác sử dụng đất của dự án

Dự án có thể tiết kiệm đất và tăng hiệu quả kinh tế của dự án bằng cách để người dân canh tác, trồng trọt và chăn thả gia súc dưới những tua bin gió. Theo phân tích của đề tài, các tua bin gió hầu như không có ảnh hưởng tác động môi trường đáng kể và việc khai thác 1500 ha của dự án (tính trong 2 giai đoạn) cho phát triển nông nghiệp là hoàn toàn phù hợp. Điều này khiến người dân vẫn tiếp tục trồng trọt như trước đây hoặc có thể chuyến sang các giống cây trồng mới, hình thức canh tác mới và không để lãng phí một diện tích đất quá lớn. Đồng thời, chủ dự án cũng thu lại một khoản giá trị gia tăng đáng kể và những vườn hoa màu hay các bầy gia súc cũng làm đẹp thêm cảnh quan cho các tua bin gió, tăng hình ảnh của doanh nghiệp. Sự phối hợp này đã phổ biến tại các nước phát triển về năng lượng gió như Hà Lan, Đức, Mỹ với những cánh đồng lúa mì, ngô, trồng bông, chăn thả bò. Tuy nhiên, việc trồng trọt hay chăn thả này phải tính tới các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng cũng như phải đảm bảo chắn chắc rằng không gây ảnh hưởng tới vận tốc gió hay hoạt động của các tua bin gió.

1.3 Nghiên cứu và tính toán về công nghệ của dự án

Hiện tại, dự án lựa chọn công ty của Đức Fuhrlaender AG làm đối tác cung cấp thiết bị và chuyển giao công nghệ cho dự án. Đây là một công ty có kinh nghiệm nổi tiếng về chế tạo tua bin gió trên thế giới và nước Đức cũng là nước đứng đầu về sản lượng phong điện của thế giới. Đồng thời, dự án có sự phối hợp với Viện năng lượng trong việc thực hiện kỹ thuật cho dự án. Tuy nhiên, chủ dự án vẫn cần tính tới những yếu tố rủi ro và có sự thỏa thuận rõ ràng với công ty Fuhrlaender AG về thời gian bảo hành của dự án, chuyển giao đầy đủ toàn bộ công nghệ cũng như tự xây dựng một đội ngũ kĩ sư thành thạo và nắm chắc công nghệ được chuyển giao. Như thế, chủ đầu tư dự án có thể độc lập và giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận hành dự án về lâu dài và ứng phó với các sự cố kỹ thuật, kể cả có rủi ro nếu có thiên tai như bão lũ xảy ra.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình Phong điện 1-Bình Thuận theo Cơ chế phát triển sạch (Trang 98 - 99)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(119 trang)
w