Các bước thẩm định và cơ quan đơn vị thực hiện thẩm định dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác thẩm định dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Trang 35 - 40)

dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài .

1.2.3.1. Các bước thẩm định :

Trong quá trình hình thành và phê duyệt dự án thường có 2 bước thẩm định : - Thẩm định kết quả nghiên cứu tiền khả thi

- Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.

Thẩm định kết quả nghiên cứu tiền khả thi

Nghiên cứu tiền khả thi (dự án sơ bộ) là bước sơ khởi để tiến tới lập luận chứng kinh tế- kỹ thuật. Đối với các dự án quy mô lớn, vốn đầu tư lớn, giải pháp đầu tư phức tạp, thời gian đầu tư dài, không thể một lúc mà có thể đạt được tính khả thi mà cần phải trải qua một bước nghiên cứu sơ bộ, đánh giá bước đầu để tiến tới nghiên cứu khả thi, đó chính là nghiên cứu tiền khả thi. Vì vậy, nghiên cứu tiền khả thi còn gọi là dự án sơ bộ.

Thứ nhất: các dự án lớn thường liên quan đến nhiều ngành kinh tế và chịu sự quản lý chuyên ngành. Nên để tranh thủ ý kiến bước đầu của các ngành, nhất là ngành chủ quản cần phải có nghiên cứu tiền khả thi. Nghiên cứu tiền khả thi là căn cứ để xin chủ trương có nên tiếp tục đầu tư hay không.

Thứ hai: nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận, chuẩn bị đầu tư vào một nước nào đó, nếu có nghiên cứu tiền khả thi thì họ sẽ không bỡ ngỡ, mất nhiều thời gian tìm hiểu vấn đề mà chỉ cần căn cứ vào nghiên cứu tiền khả thi để nhanh chóng quyết định có nên đi sâu thêm, tiến tới tham gia đầu tư hay không. Vì vậy, nghiên cứu tiền khả thi là một căn cứ quan trọng, hiệu quả để các đối tác đàm phán với nhau. Chỉ khi nào thoả thuận được, các bên mới tìm được nguồn kinh phí để lập nghiên cứu khả thi chính thức.

Đối với các dự án đầu tư quy mô nhỏ, vốn không nhiều, giải pháp đầu tư đơn giản, người ta có thể bỏ qua việc lập nghiên cứu tiền khả thi mà lập ngay nghiên cứu khả thi (luận chứng kinh tế- kỹ thuật).

Thẩm định nghiên cứu tiền khả thi là bước thẩm định để phê duyệt nghiên cứu tiền khả thi và quyết định triển khai nghiên cứu khả thi. Tuỳ theo từng dự án cụ thể mà có thể tổ chức công tác thẩm định thích hợp. Đối với các dự án lớn, phức tạp cần phải thẩm định toàn diện, kỹ lưỡng trước khi quyết định triển khai tiếp bước nghiên cứu khả thi.

Đối với các dự án thông thường, bước này thường được xem xét trên một số mặt cơ bản về chủ trương và các thông số chính của dự án. Nếu theo các vấn đề này cho thấy các dấu hiệu khả quan thì có thể thông qua để triển khai bước tiếp theo.

Trong quá trình thẩm định nghiên cứu tiền khả thi, các tính toán được thực hiện trên cơ sở trị số trung bình của các biến số mà chúng chỉ được biết với mức độ không chắc chắn lắm. Vì vậy, trong phân tích tiền khả thi, để tránh việc chấp thuận những dự án dựa trên những ước tính quá lạc quan về chi phí và lợi ích, nên sử dụng những ước tính thiên lệch về hướng làm giảm bớt lợi ích của dự án trong khi làm tăng cao mức ước tính về chi phí. Nếu dự án vẫn hấp dẫn sau khi đã tiến hành thẩm định như vậy, có rất nhiều khả năng dự án sẽ đứng vững khi được nghiên cứu và thẩm định kỹ hơn.

Khi tiến hành nghiên cứu tiền khả thi, có thể phải sử dụng nghiên cứu chuyên đề nếu cần thiết. Nghiên cứu chuyên đề bao gồm việc phân tích các tài liệu nghiên cứu đã có trước đây về các vấn đề đang nghiên cứu, thu thập thêm các thông tin có liên quan tới công việc thẩm định dự án.

Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi:

Báo cáo nghiên cứu khả thi hay còn gọi là dự án khả thi hay luận chứng kinh tế-kỹ thuật xét về mặt hình thức là một tập hồ sơ trình bày một cách chi tiết và có hệ thống vững chắc, hiện thực của một hoạt động sản xuất

kinh doanh, phát triển kinh tế- xã hội theo các khía cạnh thị trường, kỹ thuật, tài chính, tổ chức quản lý và kinh tế xã hội.

Báo cáo nghiên cứu khả thi được soạn thảo dựa vào kết quả của các cuộc nghiên cứu cơ hội đầu tư và nghiên cứu tiền khả thi đã được cấp có thẩm quyền chấp nhận. Trong giai đoạn nghiên cứu khả thi, dự án được soạn thảo kỹ lưỡng hơn, đảm bảo cho mọi dự đoán, mọi tính toán đạt được ở mức độ chính xác cao trước khi được đưa ra để các cơ quan kế hoạch, tài chính, ngân hàng, các tổ chức tài chính quốc tế thẩm định.

Nghiên cứu khả thi có ý nghĩa to lớn và quyết định trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Tác dụng chủ yếu của nghiên cứu khả thi bao gồm:

Thứ nhất: Đối với nhà nước, nghiên cứu khả thi là căn cứ quan trọng, là cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước thẩm tra, giám định, đánh giá, phê duyệt và cấp giấy phép đầu tư. Trong thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, người ta chú ý nhiều đến tác động về mặt kinh tế-xã hội của dự án đối với toàn bộ nền kinh tế. Chỉ khi nào dự án được phê duyệt và cấp giấy phép đầu tư thì mới được triển khai dự án ở các bước tiếp theo. Nếu là nhà nước đầu tư, chỉ sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi thì mới được đưa vào kế hoạch chính thức để dự trù vốn và tiến hành các bước tiếp theo.

Thứ hai: Đối với ngân hàng, các tổ chức tài chính, các tổ chức tín dụng, nghiên cứu khả thi là cơ sở quan trọng để quyết định có tài trợ cho dự án hay không. Các ngân hàng, các tổ chức tài chính chỉ tài trợ cho những dự án có tính khả thi. Đặc biệt đối với Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu á (ADB), không có nghiên cứu khả thi được duyệt thì không bao giờ họ tài trợ vốn.

Thứ ba: Đối với nhà đầu tư, nghiên cứu khả thi là căn cứ, là cơ sở khoa học để quyết định có đầu tư hay không, đầu tư vào lĩnh vực gì và đầu tư như thế nào. Đồng thời, nghiên cứu khả thi còn là căn cứ để nhà đầu tư xin cấp giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, giấy phép xuất nhập khẩu, xin hưởng các điều khoản ưu đãi, xin ra nhập các khu công nghiệp, khu chế xuất, vay vốn, kêu gọi cổ phần…

Như vậy nghiên cứu khả thi là công việc bắt buộc đối với mọi dự án để phê duyệt và ra quyết định đầu tư. Việc thẩm định nghiên cứu khả thi tuân theo những nội dung đã nêu trong phần 1.2.2. Giai đoạn nghiên cứu khả thi của dự án nhằm tăng cường mức độ chính xác của việc tính toán các yếu tố chủ yếu. Nếu dự án cho thấy có triển vọng thành công, cần phân tích độ nhạy của dự án đối với các biến số chủ yếu, có vai trò quyết định kết quả dự án để xác định mức độ an toàn của dự án. Thẩm định cần phải chỉ ra rằng đó là một dự án tốt hay tồi, khả năng thành công như thế nào để người có thẩm quyền lựa chọn và quyết định.

Trên cơ sở kết quả thẩm định nghiên cứu khả thi, người có thẩm quyền sẽ phê duyệt và ra quyết định đầu tư.

1.2.3.2. Cơ quan, đơn vị thực hiện thẩm định:

Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam được chấp thuận dưới hình thức giấy phép đầu tư. Giấy phép đầu tư được ban hành theo mẫu thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc cấp giấy phép đầu tư thực hiện theo một trong hai quy trình: Đăng ký cấp giấy phép đầu tư hoặc Thẩm định cấp giấy phép đầu tư . Đây chỉ đề cập đến những dự án thuộc diện thẩm định cấp giấy phép đầu tư .

Quy trình thẩm định dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài phụ thuộc vào thẩm quyền xét duyệt dự án do Chính phủ quy định. Khác với các dự án đầu tư trong nước, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ chia làm 2 nhóm: A và B

Dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ quyết định bao gồm:

- Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, dự án BOT,BTO,BT.

- Dự án có vốn đầu tư từ 40 triệu USD trở lên thuộc các ngành điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, xi măng, hoá chất, cảng biển, sân bay, khu văn hoá, du lịch, kinh doanh bất động sản.

- Dự án vận tải biển, hàng không. - Dự án bưu chính, viễn thông.

- Dự án văn hoá, xuất bản, báo chí, truyền thanh, truyền hình, đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Dự án bảo hiểm, tài chính, kiểm toán, giám định. - Dự án khai thác tài nguyên quý hiếm.

- Dự án thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng. - Dự án sử dụng đất đô thị từ 5 ha trở lên.

Các dự án còn lại thuộc nhóm B sẽ do 3 cơ quan quyết định là: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý khu công nghiệp (nếu được uỷ quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Uỷ ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc trung ương được Chính phủ phân cấp.

Quy trình thực hiện thẩm định dự án được Chính phủ quy định như sau: - Đối với dự án nhóm A:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của các Bộ, ngành và UBND tỉnh có liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Trường hợp có ý kiến khác nhau về những vấn đề quan trọng của dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng tư vấn gồm đại diện có thẩm quyền của các cơ quan có liên quan và các chuyên gia để xem xét có ý kiến trước khi trình Thủ tướng.

Tuỳ theo tính chất quan trọng của dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội đồng thẩm định nhà nước về các dự án đầu tư nghiên cứu và tư vấn để Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Đối với dự án nhóm B:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh có liên quan trước khi xem xét quyết định.

- Đối với dự án do UBND cấp tỉnh được phân cấp cấp giấy phép: UBND cấp tỉnh tiến hành thẩm định dự án theo các nội dung đã được quy định. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lấy ý kiến của các Bộ, ngành về các vấn đề thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành mà chưa có quy định cụ thể.

- Đối với dự án do Ban quản lý khu công nghiệp quyết định theo uỷ quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Ban quản lý khu công nghiệp tổ chức thẩm định và tự quyết định việc cấp giấy phép đầu tư đối với các loại dự án sau đây:

 Các doanh nghiệp chế xuất có quy mô vốn đầu tư đến 40 triệu

USD.

 Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và doanh nghiệp dịch vụ

công nghiệp có quy mô vốn đầu tư đến 5 triệu USD.

Đối với dự án đầu tư khác, trước khi ra quyết định, Ban quản lý khu công nghiệp có trách nhiệm gửi bảng tóm tắt dự án theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lấy ý kiến của các Bộ, ngành về những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình mà chưa có quy định cụ thể.

Thời gian thẩm định dự án:

- Đối với dự án nhóm A:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nội dung dự án thuộc phạm vi quản lý của mình. Quá thời hạn trên mà không có ý kiến bằng văn bản thì coi như chấp thuận nội dung dự án.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, phải trình ý kiến thẩm định lên Thủ tướng Chính phủ.

- Đối với dự án nhóm B:

 Dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định:

Các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh cũng phải có ý kiến tương tự như dự án nhóm A.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thẩm định và cấp giấy phép trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầy đủ và hợp lệ.Thời hạn quy định trên đây không kể thời gian nhà đầu tư sửa đổi, bổ sung hồ sơ dự án là 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

 Dự án do UBND cấp tỉnh được Chính phủ phân cấp:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, UBND tỉnh hoàn thành việc thẩm định cấp giấy phép. Thời hạn này không tính 15 ngày là thời hạn chủ đầu tư dự án sửa đổi, bổ sung dự án theo yêu cầu của UBND cấp tỉnh. Các Bộ, ngành được lấy ý kiến kể cả trường hợp bổ sung sủa đổi có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Quá thời hạn đó mà Bộ, ngành không có ý kiến thì coi như chấp thuận dự án.

 Dự án do Ban quản lý khu công nghiệp quyết định:

Thời hạn thẩm định, cấp giấy phép là 15 ngày, không tính thời gian chủ đầu tư sửa đổi, bổ sung dự án là 7 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Ban quản lý khu công nghiệp.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác thẩm định dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Trang 35 - 40)