a)Cơ chế và chủ thể cung ứng hàng hoá thay đổi.
Ở nước ta, trước đây khi còn cơ chế kinh tế tập trung bao cấp thì người nông dân thông qua các hợp tác xã nông nghiệp, các nông trường quốc doanh để cung cấp lương thực cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, dự trữ quốc gia ... Những năm gần đây, khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, trong sản xuất nông nghiệp đã thực hiện cơ chế khoán đến từng hộ nông dân. Các hộ nông dân được nhận ruộng (thuê đất của Nhà nước), rồi tự đầu tư sản xuất,
đến khi thu hoạch phải nộp một tỷ lệ nhất định theo quy định của Nhà nước, còn lại người nông dân được quyền sử dụng hoặc đem bán trên thị trường. Cơ chế này đã làm cho người nông dân có quyền tự chủ trong sản xuất và trở thành người cung cấp lương thực cho thị trường.
b)Tính chất nguồn hàng hoá thay đổi.
Việc chuyển đổi cơ chế sản xuất đã dẫn đến việc chuyển đổi chủ thể cung ứng lương thực là một bước chuyển đáng kể, nó đã làm thay đổi tính chất của nguồn lương thực cung ứng. Trước hết, trình độ sản xuất hàng hoá lương thực tăng lên, năng suất và chất lượng lương thực cũng tăng một cách rõ rệt. Thứ hai, lương thực được tự do buôn bán trên thị trường đã làm cho mỗi gia đình không còn là một kho dự trữ nhỏ lẻ, do đó chúng ta thấy được thực tế nhu cầu lương thực tối thiểu của người dân và phần lương thực trở thành hàng hoá. Thứ ba, việc tổ chức thu mua lương thực hàng hoá trong điều kiện mới cũng gặp một số khó khăn như: nguồn hàng phân tán, người mua phải trực tiếp trao đổi, lập giá với người bán để xác định mức giá thị trường hợp lý.
c)Tính chất mùa vụ của hàng hoá.
Lương thực là loại hàng hoá mang tính chất thời vụ rõ rệt, quy mô hàng hoá đạt tối đa sau vụ thu hoạch và giảm dần đến trước vụ thu hoạch tiếp theo. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa quy mô tối đa và tối thiểu về khối lượng hàng hoá còn phụ thuộc vào tình hình tài chính của từng nông hộ và khả năng kho chứa dự trữ. Do vậy, để có thể thu mua được tối đa số lương thực dư thừa trong dân, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực phải có kế hoạch và chủ động về vốn, kho chứa sao cho phù hợp với diễn biến mùa vụ và quy mô lương thực hàng hoá trên thị trường.
d)Tác động của quy luật thị trường đến hàng hoá.
Tất cả mọi người dân đều có một nhu cầu nhất định về lương thực, tổng thể nhu cầu lương thực đó tạo thành nhu cầu thực tế. Nhu cầu này khi có khả năng thanh toán sẽ trở thành nhu cầu thị trường về lương thực, còn khi không có khả năng thanh toán thì nó trở thành nhu cầu tiềm tàng. Nhu cầu thực tế và nhu cầu thị trường là những đại lượng không bao giờ ăn khớp với nhau, có thể nhu cầu thị trường nhỏ hơn nhu cầu thực tế do một bộ phận nhu cầu thực tế không có khả năng thanh toán, cũng có thể nhu cầu thị trường lớn hơn nhu cầu thực tế, đó là do thị trường bị lũng đoạn bởi yếu tố đầu cơ. Trường hợp nhu cầu thị trường bằng với nhu cầu thực tế là trường hợp lý tưởng, hiếm khi xảy ra.
Do tính chất thời vụ nên khi vụ thu hoạch tới, mức cung về lương thực tăng lên, giá cả giảm xuống, khi xa vụ thu hoạch, mức cung về lương thực giảm xuống, giá cả lại tăng lên. Đứng trên góc độ người kinh doanh lương thực thì việc bỏ vốn kinh doanh để thu mua lương thực trong thời gian vụ thu hoạch có lợi hơn so với các thời gian khác.