Về lâu dài, các Hiệp hội cần được phát triển theo hướng “chuyên nghiệp hoá” các hoạt động và dịch vụ. Hầu hết các Hiệp hội đa ngành và đơn ngành lớn đều có các bộ phận chức năng phụ trách việc phát triển hội viên, đào tạo và cung cấp thông tin. Một số Hiệp hội còn có các hoạt động tư vấn, xúc tiến thương mại và vận động chính sách. Tuy nhiên, nhiều hoạt động hiện được tiến hành tự phát, không có kế
hoạch. Ngoài các hoạt động như hiện nay, các Hiệp hội doanh nghiệp cần chuyển hướng phát triển những sản phẩm chính của mình trong các lĩnh vực này. Những sản phẩm này phải đáp ứng chính xác nhu cầu và mong muốn của hội viên, và hội viên sẽ phải trả phí dịch vụ được Hiệp hội cung cấp. Ví dụ, bộ phận đào tạo nên có một số khoá đào tạo căn bản quan trọng thực hiện thường kỳ và thêm vào đó là những bài giảng và hội nghị chuyên đề; bộ phận thông tin phải có bản tin gửi đều đặn cho hội viên; bộ phận xúc tiến thương mại cần chủ động trong hoạt động của mình chứ không chỉ chờ đợi khách hàng tìm đến; và bộ phận chính sách pháp luật phải thường xuyên tiến hành nghiên cứu phục vụ mục đích vận động chính sách của Hiệp hội. Đó là hướng phát triển truyền thống của các Hiệp hội lớn trên thế giới. Còn những câu lạc bộ nhỏ nên tiếp tục tập trung vào chức năng giao lưu, mở rộng quan hệ hợp tác và chia sẻ thông tin.
Tuy nhiên, để thực hiện được những yêu cầu trên, Chính phủ cần sớm tổ chức nghiên cứu để xây dựng luật về tổ chức và hoạt động của các Hiệp hội doanh nghiêp, nhằm thay thế các văn bản pháp luật trước đây đã lỗi thời và không còn phù hợp. Trong điều kiện chưa thể ban hành ngay luật thì phải có những pháp lệnh hoặc ít nhất là một nghị định của Chính phủ về các Hiệp hội doanh nghiệp. Chính phủ cần giao cho các Hiệp hội nghiên cứu và thực hiện một số chương trình đề án có tính chất dịch vụ công như thiết lập các công cụ hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, cấp chứng chỉ nghề nghiệp, xuất xứ hàng hoá, các chứng từ thương mại quốc tế, thực hiện việc đăng ký kinh doanh, đăng ký tên thương mại, tham gia vào các hội đồng xét thầu… Ngoài ra Chính phủ có thể chỉ định một số Hiệp hội tiến hành những dự án với mục đích phát triển công nghệ, sản phẩm và thị trường mới.
Trước mắt, các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam nên tìm sự hỗ trợ tài chính. Khi các Hiệp hội lớn mạnh thêm thì tài trợ giảm. Nên đặt ra kế hoạch thời gian cụ thể giảm dần sự hỗ trợ, để cho Hiệp hội tăng sự tự lực trong một thời gian tương đối ngắn.
Cải thiện môi trường pháp lý để cho phép các Hiệp hội doanh nghiệp được thành lập, phát triển và thực hiện những chức năng chính của mình. Tuy nhiên, khi tiến hành xây dựng những quy định mới về các Hiệp hội doanh nghiệp, sẽ rất có ích nếu Chính phủ tham khảo những chuẩn mực và thông lệ của quốc tế trong lĩnh vực này. Nhìn chung, kinh nghiệm của các nước khác cho thấy các luật, quy định và hệ thống quản lý đối với các Hiệp hội vừa phải hợp lý và tránh sự lạm dụng, vừa đảm bảo hạn chế gánh nặng kìm hãm sự ra đời của các Hiệp hội cũng như cản trở việc thực hiện các hoạt động hợp lý của họ.