C. VƯƠNG QUỐC MAROC 1 TỔNG QUAN VỀ MAROC
3. QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM-MAROC
3.1. THỰC TRẠNG QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM-MAROC
Việt Nam và Maroc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 27/3/1961. Hiện nay, Đại sứ quán Maroc tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Ai-cập kiêm nhiệm Maroc. Hai bên cũng đã trao đổi một số đoàn cấp cao. Gần đây nhất, tháng 11/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã sang thăm và làm việc tại Maroc. Cùng đi có đại diện các bộ, ngành và đông đảo các doanh nghiệp.
Tháng 6/2001, Việt Nam và Maroc đã ký Hiệp định thương mại, quy định dành cho nhau quy chế MFN trong buôn bán song phương. Đây là hiệp định đầu tiên được ký giữa hai nước. Tháng 6/2004, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép mở thương vụ tại Maroc. Theo kế hoạch, giữa năm 2005, Tham tán Thương mại Việt Nam sẽ lên đường nhận nhiệm vụ tại Marốc. Đây sẽ là một điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực ngoại thương, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Maroc còn ở mức thấp và tăng giảm thất thường. Thống kê trong giai đoạn 1991-2001 cho thấy trước năm 1995, buôn bán giữa hai nước chưa có gì. Năm 1995, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu sang Maroc và năm 1996 thì bắt đầu nhập khẩu từ Maroc. Từ đó đến nay buôn bán hai chiều dao động trong khoảng 1-3 triệu USD/năm. Riêng năm 2004, xuất khẩu của ta sang thị trường này đã đạt trên 8 triệu USD và theo số liệu của Tổng cục hải quan Việt Nam thì quý I/2005, Việt Nam đã xuất sang thị trường Maroc 3,6 triệu USD. Phần lớn thời gian qua Việt Nam xuất siêu, ngoại trừ năm 1999 Việt Nam nhập siêu 1,47 triệu USD (xin xem phụ lục 10).
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Maroc là cà phê, hạt tiêu, cao su và các sản phẩm cao su, giày dép, dệt may, sản phẩm giấy... Các mặt hàng nhập khẩu là đồng, gỗ, phân bón, bông... Tuy nhiên giá trị xuất nhập khẩu từng mặt hàng rất thấp và thay đổi thất thường. Đặc biệt, sản phẩm nhập khẩu từ Maroc thay đổi từng năm, giá trị nhập khẩu chỉ khoảng vài chục nghìn USD. Riêng năm 1999, nước ta nhập từ Maroc gần 2 triệu USD phân phốt-phát làm cho kim ngạch nhập khẩu tăng đột biến (xin xem phụ lục 11).
Giữa Việt Nam và Maroc chưa phát triển thương mại dịch vụ cũng như hoạt động đầu tư. Hai nước chưa có hợp tác song phương về sở hữu trí tuệ. Nước ta và Maroc đều là thành viên của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), cùng ký kết Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Thỏa ước Madrid về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa quốc tế và Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT).
3.2. NHẬN ĐỊNH VỀ SỰ PHÁT TRIỂN QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM-MAROC MAROC
Maroc có tình hình chính trị xã hội ổn định, có một nền kinh tế mở và đang lấy lại đà phát triển sau thời kỳ tăng trưởng chậm của những năm 90. Chính phủ Maroc áp dụng nhiều chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, thúc đẩy ngoại thương, mở cửa thị trường, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế… Quan hệ chính trị ngoại giao giữa Việt Nam và Maroc phát triển đáng kể trong thập niên 90, tạo nền tảng cho việc xây dựng và phát triển quan hệ kinh tế thương mại. Buôn bán hai chiều đã bắt đầu được triển khai và có mức tăng trưởng nhất định, hàng hóa của hai nước đã bước đầu xâm nhập thị trường của nhau. Chính phủ Việt Nam đã cho phép thành lập cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại tại Marốc. Theo kế hoạch, các cơ quan này sẽ được mở trong năm 2005. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại song phương được ký tháng 6/2001 với điều khoản MFN đã tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho trao đổi thương mại giữa hai nước.
Thị trường Maroc có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm bình dân, chất lượng vừa phải và giá không cao. Maroc lại có những thế mạnh riêng với một số sản phẩm, đặc biệt là phốt-phát. Vì vậy, Việt Nam và Maroc có nhiều cơ hội trao đổi các sản phẩm thế mạnh của nhau. Một số mặt hàng của nước ta như dệt may, giày dép, cà phê, cao su, giấy và sản phẩm giấy… đã xâm nhập thị trường Maroc một cách ổn định trong thời gian qua.
Với vị trí địa lý của mình, Maroc có thể là điểm trung chuyển để đưa hàng Việt Nam sang các nước Tây Bắc Phi cũng như EU. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi của Chính phủ Maroc cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư liên doanh với các đối tác Maroc, đặc biệt tại các khu công nghiệp hay khu thương mại tự do, từ đó xuất hàng vào nội địa và sang các nước lân cận.
• Khó khăn
Tuy Maroc đã thực hiện lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết với WTO nhưng nhìn chung thuế nhập khẩu còn cao, đặc biệt đối với hàng nông sản là những mặt hàng nước ta có thế mạnh và bước đầu đã xâm nhập được vào đây. Điều này làm giảm nhiều khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, nhất là đối với những nước mà Maroc đã có thỏa thuận quan hệ thương mại tự do.
Quan hệ thương mại truyền thống của Maroc là hướng đến EU, các nước Arập và một số nước lớn trên thế giới. Khi mở rộng giao lưu với Châu Á, Maroc
cũng thường chú ý đến các nước như Trung Quốc, Nhật Bản... Vì vậy, hàng hóa Việt Nam còn rất xa lạ đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng Maroc. Khối lượng các mặt hàng được xuất sang thị trường này hàng năm còn quá nhỏ, chưa gây được tác động tích cực đến thị hiếu của người tiêu dùng Maroc.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, Maroc tỏ ra là một thị trường xa lạ. Các doanh nghiệp hầu như chưa quan tâm đến thị trường này khi mở rộng hoạt động kinh doanh. Buôn bán với các doanh nghiệp Maroc mang tính thời vụ chứ không ổn định, từ đó chưa xây dựng được quan hệ đối tác tin cậy, lâu bền. Các hoạt động xúc tiến thương mại như quảng bá sản phẩm, tham dự hội chợ, triển lãm, trao đổi thông tin... hầu như chưa được tiến hành tại thị trường Maroc.