Những thế mạnh và cơ hội của XKTS

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong thời gian qua (Trang 27 - 31)

II. THỰC TRẠNG XKTS VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN QUA

2. Những thế mạnh và cơ hội của XKTS

2.1. Những thế mạnh của xuất khẩu thuỷ sản

* Nguồn lợi thuỷ sản Việt Nam có sự đa dạng sinh học thuỷ sản cao, nhiều thuỷ đặc sản quý được thị trường thế giới ưa chuộng, tạo khả năng khai thác để cung ứng nguyên liệu dồi dào cho phát triển chế biến thuỷ sản xuất khẩu.

Biển Việt Nam có trên 2.000 loài cá, trong đó khoảng 130 loài cá có giá trị kinh tế. Theo những đánh giá mới nhất, trữ lượng cá biển trong toàn vùng biển là 4,2 triệu tấn, trong đó sản lượng cho phép khai thác là 1,7 triệu tấn/năm, bao gồm 850 nghìn cá đáy, 700 nghìn tấn cá nổi nhỏ, 120 nghìn tấn cá nổi đại dương.

Bên cạnh cá biển còn nhiều nguồn lợi tự nhiên như: trên 1.600 loài giáp xác, khoảng 2.500 loài động vật thân mềm, hằng năm có thể khai thác từ 45 - 50 nghìn tấn rong biển có giá trị kinh tế như rong câu, rong mơ v.v... Bên cạnh đó, còn rất nhiều loài đặc sản quí như bào ngư, đồi mồi, chim biển và có thể khai thác vây cá, bóng cá, ngọc trai, v.v...

Bị chi phối bởi đặc thù của vùng biển nhiệt đới, nguồn lợi thuỷ sản nước ta có thành phần loài đa dạng, kích thước cá thể nhỏ, tốc độ tái tạo nguồn lợi cao. Chế độ gió mùa tạo nên sự thay đổi căn bản điều kiện hải dương học, làm cho sự phân bố của cá cũng thay đổi rõ ràng, sống phân tán với quy mô đàn nhỏ.

* Việt Nam có tiềm năng về khai thác hải sản lớn

Việt Nam có 3260 km bờ biển, diện tích vùng nội thuỷ và lãnh hải của Việt Nam rộng 226.000 km2 , vùng biển đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2, rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, với trên 4000 hòn đảo lớn nhỏ.

Trong vùng biển có nhiều vịnh, vụng, đầm, phá, cửa sông, trên 400 nghìn hécta rừng ngập mặn, là những khu vực đầy tiềm năng, thuận lợi cho phát triển NTTS và tạo nơi trú đậu cho tàu thuyền đánh cá.

Theo số liệu thống kê, khả năng cho phép khai thác cá biển Việt Nam bao gồm cả cá nổi và cá đáy ở khu vực gần bờ có thể duy trì ở mức 600.000 tấn. Nếu kể cả các hải sản khác, sản lượng cho phép khai thác ổn định ở mức 700.000 tấn/năm, thấp hơn so với sản lượng đã khai thác ở khu vực này hằng năm trong một số năm qua. Trong khi đó, nguồn lợi vùng xa bờ còn lớn, chưa khai thác hết.

Theo vùng và theo độ sâu, nguồn lợi cá cũng khác nhau. Vùng biển Ðông Nam Bộ cho khả năng khai thác hải sản xa bờ lớn nhất, chiếm 49,7% khả năng khai thác cả nước, tiếp đó là Vịnh Bắc Bộ (16,0%), biển miền Trung (14,3%), Tây Nam Bộ (11,9%), các gò nổi (0,15%), cá nổi đại dương (7,1%).

Qua 10 năm đổi mới, năng lực tàu thuyền khai thác hải sản đã phát triển nhanh. Năm 1986, toàn ngành thuỷ sản có 31.680 tàu thuyền máy với tổng công suất 537.500 CV, 29.000 phương tiện thủ công bao gồm bè mảng và thuyền gỗ từ 1 - 3 tấn/chiếc. Ðến năm 2003 số tàu thuyền đã lên tới hơn 83.100 tàu thuyền (tổng công suất là 4.100.000CV), với 6.258 tàu khai thác xa bờ, trong đó có 161 tàu công suất trên 90CV.

Nghề nghiệp khai thác ở nước ta rất đa dạng phong phú về quy mô cũng như tên gọi. Theo thống kê chưa đầy đủ, có trên 20 loại nghề khác nhau, được xếp vào 6 họ nghề chủ yếu: lưới kéo, lưới vây, lưới rê, mành vó,câu, nghề khác..

Về lao động đánh bắt hải sản

Đến năm 1997, toàn ngành thuỷ sản có 423.583 lao động đánh bắt hải sản, trong đó hoạt động gần bờ 309.171 người, chiếm tỷ trọng 73%, hoạt động xa bờ 114.412 người, chiếm tỷ trọng 72%. Ngành thuỷ sản đang tích cực đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ lao động nghề cá để họ tiến kịp với sự phát triển về ứng dụng khoa học, công nghệ, trang bị của đội tàu xa bờ.

* Việt Nam có khả năng phát triển mạnh sản xuất giống và NTTS

Với 3260 km bờ biển, 12 đầm phá và các eo vịnh, 112 cửa sông, lạch, hàng ngàn đảo lớn nhỏ ven biển. Trong nội địa hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và các hồ thủy lợi, thủy điện, đã tạo cho nước ta có tiềm năng lớn về mặt nước với khoảng 1.700.000 ha trong đó: Ao hồ nhỏ, mương vườn 120.000 ha, hồ chứa mặt nước lớn 340.000 ha ruộng có khả năng nuôi thủy sản 580.000 ha,vùng triều 660.000 ha.

Chưa kể mặt nước các sông và khoảng 300.000 - 400.000 ha, eo, vịnh, đầm phá ven biển có thể sử dụng vào NTTS chưa được quy hoạch.

Nguồn lợi giống loài thuỷ sản khá phong phú và đa dạng: 544 loài cá nước ngọt; 186 loài cá nước lợ, mặn;16 loài tôm và nhiều loài nhuyễn thể, rong tảo có giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, ngành thuỷ sản Việt Nam chưa phát triển mạnh NTTS công nghiệp nên vẫn còn rất nhiều tiềm năng đất đai để phát triển. Chúng ta còn nhiều tiềm năng các vùng biển để nuôi mà không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. Việc đưa thành công kỹ thuật nuôi hải sản trên các vùng cát ven biển đã mở ra triển vọng mới cho việc phát triển vùng nuôi tôm và các hải sản khác theo phương thức nuôi công nghiệp, nhất là đối với vùng duyên hải dọc theo bờ biển miền Trung. Khả năng này vừa mang ý nghĩa đẩy nhanh tốc độ phát triển NTTS thâm canh, sử dụng những tài nguyên xưa nay bỏ phí, vừa có ý nghĩa thiết thực trong công cuộc xoá đói giảm nghèo đồng thời cũng là một giải pháp hữu hiệu nhằm cải tạo và bảo vệ môi trường vùng ven biển.

* Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động thuỷ sản

Việt Nam có nguồn lao động thuỷ sản tương đối dồi dào, giá lao động nghề cá của Việt Nam hiện ở mức thấp so với khu vực và thế giới. Đây là lợi thế tạm thời tạo nên giá thành sản phẩm thấp, tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng thuỷ sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Người lao động nước ta cần cù, thành thạo nghề cá, có truyền thống lâu đời và dày dạn kinh nghiệm trong khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, có khả năng tiếp thu nhanh khoa học, công nghệ tiên tiến. Đây là lợi thế khởi điểm mang tính tĩnh khi được sử dụng trong lĩnh vực phát triển nuôi trồng và chế biến thuỷ sản của đất nước.

2.2. Những cơ hội của XKTS

* Ngành thuỷ sản Việt Nam nhất là XKTS được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng và Nhà nước

Đảng và Nhà nước rất quan tâm và nhận thức rõ tầm quan trọng của bước đi đầu tiên là công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn, coi ngành thuỷ sản là mũi nhọn, khuyến khích chuyển một bộ phận diện tích đất đang canh tác nông nghiệp và làm muối kém hiệu quả hơn sang NTTS, và có những chương trình, chính sách hỗ trợ rất lớn cho công việc chuyển đổi và phát triển ngành thuỷ sản trên toàn quốc: Các hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, nghiên cứu, đào tạo, khuyến ngư, kiểm dịch, giám định, dịch vụ xúc tiến, tiếp thị nhằm phát triển thị trường.…Những chương trình chính sách hỗ trợ này góp phần làm tăng tiềm lực cho ngành thuỷ sản nói chung và các doanh nghiệp XKTS Việt nam nói chung đẩy mạnh XKTS vào các thị trường tự do.

Trong những năm qua, Bộ Thuỷ sản đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút được các nguồn vốn đầu tư phát triển ngành (ODA, FDI…) củng cố và mở rộng thị trường XKTS. Hội nhập với khu vực và thế giới đã và đang mở ra nhiều khả năng lớn cho Việt Nam học tập kinh nghiệm của các nước có ngành thuỷ sản phát triển: Thái Lan, Trung Quốc, Indônêxia…, hạn chế được những tranh chấp có thể xảy ra và tận dụng tốt hơn nguồn tài nguyên biển, đảm bảo thị trường tiêu thụ rộng lớn và vững chắc hơn. Thông qua hợp tác quốc tế nhiều cán bộ của ngành đã được cử đi học tập, tập huấn ở nước ngoài nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

* Việt Nam có thể phát triển thuỷ sản khắp nơi trên toàn đất nước vì ở mỗi vùng, mỗi miền đều có những tiềm năng đặc thù và sản vật đặc sắc riêng

Ngành thuỷ sản Việt Nam được chia thành 7 vùng kinh tế sinh thái. Trong 7 vùng đó, 5 vùng có tiềm năng, nguồn lợi và hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh. Với sự quan tâm của Nhà nước, của Bộ thuỷ sản và sự phối hợp phát triển của địa phương, ngành thuỷ sản Việt Nam đang hứa hẹn một tương lai tốt đẹp.

* Trong những năm qua thông qua việc nghiên cứu nhu cầu thị trường, tìm kiếm khách hàng, các doanh nghiệp XKTS Việt Nam đã tích luỹ đáng kể kinh nghiệm tiếp thị, thực hiện các hợp đồng XKTS, nắm bắt khá kỹ về yêu cầu vệ sinh an toàn đối với thực phẩm thuỷ sản của thị trường thế giới nói chung và các thị trường cao cấp nói riêng (Mỹ, EU, Nhật Bản…). Từ đó bằng các hình thức liên doanh và tự đầu tư, nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đã nâng cấp, đầu tư đổi mới công nghệ chế biến thuỷ sản đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu khó tính ở trên.

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong thời gian qua (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(62 trang)
w