Cơ sở thực tiễn của đề tà

Một phần của tài liệu Đa dạng côn trùng gây hại và thiên địch của chúng trên cây rau ở thành phố vinh và phụ cận (Trang 26 - 27)

Trong những năm gần đây nền nông nghiệp nước ta đang có những khởi sắc, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 4,3%, trong đó sản lượng lương thực tăng 5,8 lần, rau xanh tăng 3,8 lần,… Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thường xuyên phải nhập khẩu, đến năm 2000 nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới, sản xuất rau quả cũng từng bước khẳng định vị trí quan trọng trong ngành. Tuy nhiên, với tình trạng sử dụng thuốc BVTV không kiểm soát được, hàng năm trong nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn rau [14]. Theo thống kê của bộ y tế (2006), từ năm 1999 đến năm 2004 trên toàn quốc có 1.428 vụ ngộ độc với hơn 23.000 bệnh nhân. Trong đó có 361 trường hợp tử vong tăng 61 trường hợp so với 5 năm trước (1994 – 1998) [20].

Ở nước ta hiện nay, tình hình sử dụng thuốc BVTV đã đến mức đáng lo ngại. Lượng thuốc sử dụng ngày càng nhiều, đặc biệt là các loài thuốc cấm, thuốc không có trong danh mục, không rõ nguồn gốc và các loại thuốc kích thích sinh trưởng. Ở Từ Liêm, Hà Nội mỗi vụ rau phun thuốc từ 28 – 30 lần (Phạm Bình Quyền và ctv, 1995) (dẫn theo Trần Văn Quyền, 2008) [24].

Ở Nghệ An tình hình sử dụng thuốc BVTV cũng có nhiều bất cập, thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc không có nguồn gốc xuất xứ đang có mặt phổ biến trên thị trường. Người dân sử dụng thuốc không theo một chỉ dẫn nào cả, liều lượng dùng vượt so với quy định từ 1 – 2,5 lần và số lần phun thực tế gấp 1 – 4 lần so với hướng dẫn ghi trên bao bì. Ví dụ như cải xanh số lần phun là 14 – 16 lần, hành ta là 4 – 5 lần/vụ. khoảng cách giữa hai lần phun từ 6 – 7 ngày, thời gian cách ly là một tuần [7].

Nghệ An đã có một số nghiên cứu về thành phần loài thiên địch (BMAT, KS) trên nhiều đối tượng cây trồng như: Trần Ngọc Lân (2000, 2005,…) nghiên cứu về kí sinh, BMAT của sâu hại lúa, sâu hại lạc, sâu hại vừng ở Nghệ An.

Nguyễn Thị Thanh (2002) nghiên cứu về BMAT sâu hại lạc ở Nghệ An. Nguyễn Thị Hiếu (2004) nghiên cứu về kí sinh sâu hại lạc ở Nghệ An,… Kết quả nghiên cứu đã khẳng định các loài thiên địch hoàn toàn có khả năng điều hòa số lượng sâu hại cây trồng nông nghiệp.

Từ những thực tiễn trong sản xuất, nghiên cứu trên rau đó thì cần phải có những biện pháp để hạn chế và dần thay đổi phương thức canh tác, đặc biệt là vấn nạn sử dụng thuốc hóa học như hiện nay. Một trong những biện pháp đó là tìm ra một phương thức sản xuất mới với những chiến lược BVTV hiệu quả hơn nhưng không hoặc ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường. Việc tiến hành điều tra, đánh giá mức độ đa dạng côn trùng gây hại và thiên địch của chúng trên cây rau ở các sinh quần trồng rau là rất cần thiết. Đó là những bước đi đầu tiên làm cơ sở cho các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại ít sử dụng đến thuốc hóa học BVTV.

Một phần của tài liệu Đa dạng côn trùng gây hại và thiên địch của chúng trên cây rau ở thành phố vinh và phụ cận (Trang 26 - 27)