Nếu chúng ta trồng cây nơi đất trống, thì cây đó sẽ rất dễ bị lay động, vì đành phải phó mặc cho cơn gió thổi. Nếu còn sống sót, nó sẽ bị cong queo, trơ trụi, có thể trở thành một mẫu vật nghèo nàn. Nếu muốn trồng một cây để nó được phát triển với đầy đủ tiềm năng của nó, thì bạn phải trồng nó ở một nơi mà nó có thể được che chở nhiều hơn. Bạn đừng trồng cây đó ở riêng một chỗ, mà phải trồng nó cùng với một số cây khác.
Điều quan trọng sống còn là cần phải có một khoảng cách thích hợp giữa các cây. Chúng phải gần nhau đủ, để có khả năng cung cấp chỗ trú ẩn và bảo vệ cho nhau. Tuy nhiên, chúng không được quá gần gũi nhau, đến nỗi có thể hiếp đáp nhau. Chúng phải được trồng xa nhau vừa đủ, đảm bảo sao cho mỗi cây đều có một khoảng cách thích hợp, để phát triển với đầy đủ tiềm năng của nó.
Trồng cây một mình một chỗ là không tốt. Cũng vậy, nếu chúng ta ở một mình thì cũng không tốt. Vì tính cách toàn diện, và vì sức khỏe tinh thần của mình, chúng ta cần ràng buộc tình yêu và tình bạn với người khác. Thiên Chúa không dựng nên chúng ta để ở một mình, nhưng là để sống cộng đồng. Bản thân con người chúng ta không đủ để đáp ứng cho chính mình. Chúng ta cần có người khác nữa, để trở nên những gì Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta.
Đây cũng là trường hợp được ứng dụng cho các gia đình. Cây cối được trồng trong cái hố nhỏ là hình ảnh tốt về gia đình. Trong một gia đình lý tưởng, phải có sự gần gũi, đồng thời cũng phải có một khoảng cách nhất định. Cần có sự gần gũi để các phần tử có thể giúp đỡ nhau. Cần có khoảng cách để đảm bảo rằng họ không xâm phạm vào sự riêng tư của mỗi người. Mỗi phần tử cần có một giới hạn, một sự thân mật và ấm cúng mà mỗi người cần có. Tuy nhiên, cũng cần phải
có một khoảng không gian, để mỗi người phát triển đúng tiềm năng của mình. Đây là một thách đố lớn: Đó là phải làm thế nào để đạt được sự gần gũi, mà không xâm phạm hoặc thống trị nhau.
Trong gia đình, chúng ta học hỏi để hình thành những mối tương quan với những người khác, một điều gì đó là quan trọng sống động đối với chúng ta. Khi không có khả năng quan hệ, đó là sự cản trở và buồn phiền lớn. Nếu không có quan hệ gần gũi, chúng ta đành phải phó mặc cho cơn gió lạnh của nỗi buồn phiền và cô đơn.
Trong cộng đồng nhỏ bé của gia đình, chúng ta học hỏi để liên đới với người khác. Ở đây, chúng ta tạo ra một căn phòng cho người khác trong đời sống của chúng ta. Ở đây, chúng ta học hỏi cách thức chia sẻ và sống có trách nhiệm với người khác.
Trong xã hội, gia đình bị đặt dưới nhiều sức ép. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không coi trọng giá trị của gia đình. Đó là vì chúng ta không được chuẩn bị các nguyên tắc để giữ được bầu khí êm thấm trong gia đình. Gia đình được xây dựng dựa trên những cam kết của lời hứa, sự trung thành và tự hiến. Bằng cách sống trong cộng đồng nhỏ bé của tình yêu với Đức Mẹ, thánh Giuse ở Nagiarét, Đức Giêsu có thể lớn lên trong sự khôn ngoan và nhân đức, trong lòng yêu mến của Thiên Chúa và loài người.
Trong cộng đồng nhỏ bé của gia đình, chúng ta có một nơi chốn, chúng ta có những ràng buộc, chúng ta có một căn tính, chúng ta có gốc rễ. Mặc dù gia đình nào cũng đều có khó khăn, nhưng đây không hẳn là điều xấu. Khó khăn có thể là một ân huệ. Những cây nào bị trồng trong đất xấu, thì cần phải có một bộ rễ vững chắc. Vì vậy, cần phải co sự đoàn kết với nhau hơn, để chống trả lại với những bão táp không thể tránh khỏi của cuộc đời.