Một cậu bé đón cha mình đi làm về và hỏi: “Bố ơi! bố đi làm được bao nhiêu tiền một giờ?”. Ông bố rất ngạc nhiên và bảo: “Này con, ngay cả mẹ của con cũng chẳng biết, đừng quấy rầy bố vì bố đang mệt.” Cậu bé lại hỏi: “Bố cứ cho con biết, lương của bố mỗi giờ được bao nhiêu tiền?” Cuối cùng thì ông bố bảo rằng: “Mỗi giờ bố được hai mươi đồng”. Cậu bé liền hỏi: “Vậy bố cho con mượn mười đồng”. Ông bố tỏ vẻ giận và mắng con: “Thì ra đấy là lý do con muốn biết tiền lương của bố? Bây giờ đi ngủ đi và đừng quấy rầy bố nữa”.
Đêm hôm ấy, ông bố nghĩ lại những điều đã nói với con mình và cảm thấy hối hận. Ông cho rằng có thể con mình đang cần tiền để mua món gì mà nó đang cần. Ông sang phòng của con mình và hỏi: “Con đã ngủ chưa?” Con ông đáp: “Con chưa ngủ”. Ông bố đưa tiền và bảo: “Đây là tiền con hỏi xin lúc nãy” Nó vui vẻ cám ơn bố, rồi lấy thêm tiền trong gối ra và nói: “ Con đã có đủ rồi! hai mươi đồng. Bây giờ bố bán cho con một giờ của bố.”
Bài phúc âm hôm nay nhắn nhủ ông bố kể trên và tất cả chúng ta là hãy dành cho gia đình mình nhiều thì giờ hơn nữa.
Thánh Luca đã cho chúng ta thấy Đức Giêsu ở tuổi mười hai, lứa tuổi được xem là trưởng thành và mọi thiếu niên Do Thái ở tuổi ấy phải tuân giữ luật Do Thái. Đây cũng là lúc thiếu niên Do Thái được chúc mừng để trở thành người lớn. Kể từ đấy, họ phải tuân giữ luật lệ và phải tham dự hành hương hằng năm tại đền thánh Giêrusalem. Thời ấy, có những thanh niên thì đánh dấu ngày này bằng cách đi chơi hoặc làm những điều không đúng với điều mà luật Do Thái đòi hỏi. Chúng ta thường cảm thấy con của mình đã lớn, khi chúng đi chơi với bạn bè mà không xin phép. Như chúng ta
đã biết, Đức Giêsu cũng vậy. Để đánh dấu ngày đến tuổi trưởng thành theo luật Do Thái, Ngài đã tham dự lớp học kinh thánh tại đền thờ mà không báo cho cha mẹ mình biết. Khi cha mẹ tìm được Người sau hai ngày tìm kiếm khắp nơi, Người chỉ trả lời rằng “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Luca 2:49). Ngay cả thánh gia đôi khi cũng có những lúc căng thẳng và những hiểu lầm.
Điều làm cho chúng ta thắc mắc là trong đoạn cuối cuả phúc âm hôm nay “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazaret và hằng vâng phục các ngài.” (Luca 2:51). Thiếu niên Giêsu mười hai tuổi, đã biết rằng sứ mạng của mình là ở trong nhà của Cha mình và thực thi những sứ mạng ấy. Trong thời gian ngắn ngủi tại Giêrusalem, Người đã chứng tỏ khả năng và sự hiểu biết của Người, vì “Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu” (Luca 2:47). 1 Điều làm cho chúng ta phải suy nghĩ là: Nếu Đức Giêsu đã được mười hai tuổi, đã sẵn sàng và bằng chứng là có khả năng để bắt đầu sứ vụ giảng dạy công khai. Vậy tại sao Người lại đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazaret và sống ẩn dật mười tám năm trong căn nhà nghèo nàn của người thợ mộc, và chỉ bắt đầu sứ vụ giảng dạy công khai ở tuổi ba mươi? Vậy mười tám năm ấy là vô vị và không có ích lợi gì chăng? Chắc chắn làcó lợi ích! Điều chúng ta nên tìm hiểu là cuộc sống ẩn dật cuả Đức Giêsu tại Nazaret là một phần trong sứ vụ của cuộc sống công khai của Người. Phúc âm nhắc chúng ta rằng: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Luca 2:52). Khi chúng ta suy niệm về điểm này, thì cứ một năm Người giảng đạo thì mười năm Người ở với gia đình. Từ đấy chúng ta sẽ hiểu tầm quan
trọng và sự ưu tiên Người đã dành cho đời sống gia đình như thế nào.
Đời sống của chúng ta được chia thành hai phần: gia đình và công việc. Hai phần này thông thường thì phải hài hòa nhưng đôi khi lại đối chọi nhau và gây ra căng thẳng. Đức Giêsu đã hóa giải sự căng thẳng ấy bằng cách dành sự ưu tiên cho đời sống gia đình. Còn chúng ta thì thường hay cố gắng giải quyết mối căng thẳng ấy bằng cách dành sự ưu tiên cho công việc của mình, và để cho đời sống gia đình chịu tổn thương. Bà Rose Sands viết về người đàn ông bất hạnh, người mà chỉ nghĩ rằng mình có thể chứng minh tình thương của mình đối gia đình là phải làm việc hết sức mình “Để chứng tỏ tình yêu đối với vợ mình, ông ta bơi qua khúc sông sâu nhất, vượt vùng sa-mạc rộng nhất và leo ngọn núi cao nhất. Vợ của ông đã lìa bỏ ông, vì ông ta chẳng bao giờ có mặt ở nhà”.
Hôm nay, nhân dịp chúng ta mừng kính lễ Thánh Gia của thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu, chúng ta hãy ôn lại và nhắc nhở chính chúng ta rằng: hãy đặt giá trị của đời sống gia đình lên trên công việc của mình, kể cả những việc quan trọng như việc bảo tồn thế giới này.