Những vấn đề đặt ra cho việc phát huy vai trò của nông dân trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn tại Nghệ An

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của giai cấp nông dân Nghệ An trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn hiện nay (Trang 73 - 80)

trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn tại Nghệ An

Để phát huy vai trò của người nông dân trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn cũng như trong mọi chương trình hành động chung của cả quốc gia dân tộc phù thuộc vào nhiều yếu tố. Người nông dân Việt Nam nói chung và nông dân tỉnh Nghệ An nói riêng đều mang những phẩm chất đáng quí là anh dũng kiên cường trong chiến đấu chống lại kẻ thù và cần cù, chịu thương chịu khó không cam chịu đói nghèo.

Quá trình CNH, HĐH đất nước được khởi xướng và chuyển trọng tâm về nông thôn. Những thành tựu mà cuộc cách mạng này mang lại là không nhỏ. Tổng sản phẩm quốc nội không ngừng tăng lên, thu nhập bình quân theo đầu người tăng ổn định, đời sống của nông dân không ngừng tăng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Nông thôn được khoác lên một lớp áo mới mẻ và đáng tự hào. Thôn xóm đầm ấm yên vui và khang trang sạch đẹp.

Thế nhưng, bên cạnh những thành tựu đạt được là không ít những hệ lụy kéo theo và đến nay trở thành vấn đề cấp bách. Những hệ quả này phát sinh và

bành trướng trong chính nội bộ nông thôn, nạn nhân là người nông dân và lan sang cả mọi tầng lớp nhân dân của cả nước. Những điểm tiêu cực này không phải ngày một ngày hai sẽ được giải quyết mà cần cả một thời gian dài, cả một quá trình dài và đòi hỏi sự cố gắng của mọi người dân trong tỉnh. Kể cả người nông dân và các tầng lớp khác.

Thứ nhất, CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn kéo theo hệ quả là người

nông dân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do người nông dân được kêu gọi chuyển đổi, bán ruộng đất của mình để xây dựng những nhà máy, xí nghiệp. Nhiều khi những dự án chưa kịp thực hiện hoặc một số nơi thực tế chúng ta có thể thấy là những dự án bỏ ngỏ năm này qua năm khác không thực thi, trong khi ruộng đất của người nông dân thì đã thu mua, khiến cho người nông dân không biết làm gì. Mảnh đất mà họ hàng năm đời này qua đời khác cày cấy nay biến thành đất hoang. Ngay trên huyện Nghĩa Đàn, khi xây dựng nhà máy sữa TH truemilk với qui mô trên 1000ha (hiện tại đã đưa vào sử dụng 700-800ha); chắc chắn cần đến sự hỗ trợ của những người nông dân. Chắc chắn sau khi vận động vào qui hoạch thì những người nông dân huyện Nghĩa Đàn sẽ không hoặc còn ít ruộng để canh tác. Tình trạng này nếu không có biện pháp để khắc phục thì sự mất hoặc ít ruộng của nông dân huyện Nghĩa Đàn trở thành mặt trái bị kéo theo của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn. Giải pháp trước mắt là làm thế nào người nông dân vẫn có việc làm, vẫn có thu nhập? Chắc chắn những nhà đầu tư của nhà máy sữa sẽ phải tuyển dụng họ vào đảm nhiệm các công việc khác nhau trong nhà máy. Nhưng họ lại vốn chỉ quen thuộc với đường cày nước cấy nên nhà máy sữa TH lại phải tổ chức đào tạo họ làm quen với công việc mới. Điều này đòi hỏi tốn thời gian, kinh phí, và không thể hiệu quả bằng những công nhân có tay nghề cao, những người thợ lành nghề.... Tóm lại đây chính là khó khăn trở ngại cho chính người nông dân và cho cả những nhà đầu tư trong sự nghiệp CNH, HĐH

nông nghiệp và nông thôn. Điều thấy rõ nhất là tình trạng người nông dân mất đất hoặc ít đất để canh tác và sản xuất.

Phần đông số hộ không có đất hoặc ít đất sản xuất tập trung vào các đôi vợ chồng trẻ mới tách ra ở riêng. Trong khi đó bố mẹ của họ vốn đã không có đất hoặc ít đất sản xuất. Cho nên cũng không thể chia sẻ đất đai cho con cái của họ khi ra riêng. Đặc biệt có một nguyên nhân làm gia tăng các hộ không có đất và thiếu đất sản xuất là do cầm cố, sang nhượng. Điều này cho thấy, đối với các hộ nông dân này trước đây là có đất nhưng do cầm cố, sang nhượng mà thành ra mất đất. Ngoài ra, có trường hợp là do các hộ chủ động không muốn gắn bó với đất đai, với sản xuất nông nghiệp mà muốn chuyển sang nghề khác xét thấy có lợi hơn. Nhưng do thiếu kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh dẫn đến thất bại trở thành trắng tay, phải đi làm thuê cho người khác. Bên cạnh đó có những trường hợp nông dân buộc phải cầm cố hoặc sang nhượng đất đai của mình để trang trải do ốm đau, tai nạn, do không có vốn sản xuất, để trả nợ cho các khoản vay mượn trước đó...và có cả trường hợp vì lười biếng lao động lại ham mê cờ bạc, rượu chè nên bán đất để có tiền chi tiêu một cách phung phí.

Một khi không có hoặc thiếu đất sản xuất, để tồn tại được các hộ nông dân này chủ yếu phải đi làm thuê, cũng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cho các hộ có nhiều đất khác bằng lao động thủ công, sức cơ bắp là chính. Đã đi làm thuê thì dĩ nhiên đồng vốn và tư liệu sản xuất của các hộ này nhìn chung là không đáng kể.

Nhìn chung thu nhập của các hộ nông dân không có đất và thiếu đất rất thấp, đời sống vô cùng khó khăn nhất là những lúc nông nhàn. Bởi lẽ do hoạt động kinh tế của các hộ nông dân này chủ yếu đi làm thuê mà lao động làm thuê trong nông nghiệp lại thiếu tính ổn định, phải làm theo mùa vụ, khi có khi không, trong khi đó giá nhân công lại rẻ. Thu nhập thấp tất yếu dẫn đến

việc chi tiêu cho đời sống hàng ngày gặp nhiều gian nan, thiếu thốn, đồng thời việc hưởng thụ các giá trị đời sống văn hoá tinh thần lại càng có nhiều hạn chế.

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá luôn gắn với kinh tế thị trường, mà mặt trái của nó là làm cho việc phân hoá giàu nghèo ngày càng trở nên sâu sắc. Bản thân CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn cũng luôn chứa đựng trong lòng nó những nghịch lý, mâu thuẫn vốn có; nhưng đó là những nghịch lý, mâu thuẫn của sự phát triển. Ở Nghệ An, một bộ phận nông dân do chịu khó, chí thú làm ăn, có kinh nghiệm trong sản xuất, nhạy bén sáng tạo nên khi có điều kiện về kinh tế họ tiến hành tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh sản xuất theo hướng chuyên canh trên quy mô lớn theo mô hình kinh tế trang trại. Đây là việc làm chính đáng biểu hiện cho khuynh hướng phát triển trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Bởi lẽ, phát triển kinh tế trang trại là cách tiếp cận với nền sản xuất hàng hoá lớn, hướng ra xuất khẩu, không chỉ làm giàu cho người chủ trang trại mà chính thông qua kinh tế trang trại sẽ góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Cho nên việc chia đất theo kiểu bình quân mỗi người một ít, làm cho đất sản xuất bị manh mún, phân tán, quy mô sản xuất nhỏ lẻ như những năm trước đây đã tỏ ra không còn phù hợp.

Thứ hai, sự phân hoá giàu nghèo, việc chia rẽ mất đoàn kết trong nội bộ

dân cư nông thôn đang gây nên những ảnh hưởng xấu đến việc phát huy sức mạnh của nông dân trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tất yếu diễn ra trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn. Sự cạnh tranh diễn ra mạnh mẽ hơn. Sự phân hóa giàu nghèo sẽ có ranh giới rõ ràng hơn. Những tranh chấp trong phân chia chuyển đổi ruộng đất, những vấn đề nảy sinh trong quá trình bàn bạc và tiến hành những chủ trương xây dựng nông thôn mới do bản tính cố hữu của người nông dân đã ăn sâu bám rễ từ bao đời (lạc hậu, an phận, cố chấp). Làm cản trở quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn.

Thứ ba, vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái, các tệ nạn xã hội đang có

chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên và xã hội trên địa bàn nông thôn. Vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái là vấn nạn chung không chỉ ở tỉnh Nghệ An mà cả ở trong nước và là vấn đề bức bách của cả thế giới. Phát triển nông nghiệp, đưa khoa học và công nghệ vào quá trình sản xuất chắc chắc sẽ kéo theo những hệ quả này. Những nhà máy chế biến tinh bột sắn (cụ thể như nhà máy chế biến tinh bột sắn ở huyện Thanh Chương) hàng năm thải ra hàng tấn chất thải độc hại có mùi hôi thối ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trong huyện. Cũng do quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn kéo theo những tệ nạn như hối lộ, tham nhũng, lạm quyền, sách nhiễu. Nhiều tệ nạn xã hội có môi trường thuận lợi để gia tăng gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát huy vai trò của người nông dân trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn. Thế nhưng quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn cũng tất yếu dẫn đến những mặt tiêu cực gây nên những tác hại xấu trên địa bàn nông thôn mà bản thân nông dân là người trực tiếp chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề nhất. Những mặt tiêu cực này vốn trước đây chỉ thường tồn tại ở các trung tâm đô thị lớn, nhưng ngày nay nó đang từng ngày, từng giờ không chỉ len lỏi xâm nhập mà thật sự trở thành một làn sóng mạnh mẽ tràn vào các làng quê nông thôn.

Những năm trước đây, nếu môi trường tự nhiên ở nông thôn Nghệ An trong lành, thoáng đãng bao nhiêu, thì ngày nay việc nông dân lạm dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu bệnh một cách thái quá đang là tác nhân tàn phá thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường sinh thái nghiêm trọng. Việc nông dân sử dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu bệnh có cái lợi là nâng cao được năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, cũng như góp phần hạn chế thiệt hại do sâu bệnh, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng lợi bất cập hại vô hình chung đã làm cho môi trường đất, nước bị ô nhiễm nặng nề. Nguy hại hơn, việc sử dụng bừa bãi

lượng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh còn gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của bản thân người nông dân và kể cả người tiêu dùng.

Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường, CNH, HĐH đất nước, nhất là CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đã làm cho diện mạo của nông thôn tỉnh Nghệ An có nhiều khởi sắc, nhịp sống trở nên sôi động và hối hả hơn. Nhưng đồng thời từ đây cũng bắt đầu làm cho các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý có dịp tràn vào nông thôn, đến từng ngóc ngách kể cả vùng sâu vùng xa. Điều này cũng đã và đang làm đảo lộn, phá vỡ cuộc sống rất ổn định, phẳng lặng của người dân nơi đây, làm nguy hại đến các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của một miền quê sông nước. Một số nơi trở thành “điểm nóng” của tệ nạn ma túy như Tương Dương, Con Cuông...

Tình hình an ninh nông thôn có nhiều diễn biến phức tạp nhất là tình trạng thanh thiếu niên kéo bè cánh, thành lập băng nhóm quậy phá, gây rối trật tự thậm chí tiến hành cướp giật và đến với ma tuý đang diễn ra trên địa bàn nông thôn ở Nghệ An hiện nay là rất đáng lo ngại. Điều này đang dần đánh mất đi hình ảnh những điền lang hiền lành, tốt bụng, chân chất mà thay vào đó là hình ảnh của những thanh niên bặm trợn với lối hành xử lưu manh, côn đồ theo kiểu xã hội đen nhưng vẫn chưa lột bỏ được hết cái chất quê mùa của nông dân. Ở đây số thanh niên hư hỏng này tập trung vào con em của các gia đình nông dân khá giả và kể cả con em của những gia đình nông dân nghèo khó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên nông thôn chậm tiến bộ, trở nên hư hỏng. Đối với những thanh niên là con em của các gia đình nông dân nghèo khó chính vì đời sống quá khó khăn, không có công ăn việc làm, không chịu lao động lại thích chơi bời lêu lổng mà sinh ra hư đốn “nhàn cư vi bất thiện”. Ngược lại đối với con em các gia đình nông dân khá giả thì chính sự nuông chiều thái quá và thiếu sự kiềm cặp giáo dục thường xuyên của gia đình nên hư hỏng. Tuy con đường đến

với sự lêu lổng, tự đánh mất mình có khác nhau nhưng tựu trung lại số thanh niên này đang chịu sự tác động quá lớn từ những luồng "văn hoá" độc hại, lối sống thực dụng từ thành thị tràn vào vùng nông thôn hình thành nên tâm lý lười lao động, thích hưởng thụ. Bên cạnh đó sự lơ là, thiếu quan tâm giáo dục định hướng của các bậc cha mẹ trong các gia đình nông dân đối với con em của họ cũng là một trong những nguyên nhân căn bản làm cho con em của mình trở nên sa ngã.

Đó chính là những vấn đề đang đặt ra do quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn mang lại. Những vấn đề này sẽ là trở ngại cho việc phát huy vai trò của người nông dân trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn. Nguyên nhân của những tồn tại đó xuất phát từ nhiều phía, bao gồm cả những yếu tố khách quan và cả trong nội tại những người nông dân.

Về khách quan, những tồn tại đó là do:

- Việc quán triệt, cụ thể hoá các nghị quyết của Đảng bằng các cơ chế, chính sách của Nhà nước còn hạn chế và thiếu đồng bộ. Nhận thức và tư duy về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn hạn chế. Tư tưởng bảo thủ, trì trệ, chủ quan, nóng vội, không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, đang là lực cản lớn đối với quá trình phát triển của tỉnh.

- Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền trên một số lĩnh vực chưa tập trung, thiếu kiên quyết. Trách nhiệm người đứng đầu một số nơi chưa cao, tư tưởng tự thoả mãn, cầm chừng. Kỷ cương, kỷ luật có nơi, có lúc chưa nghiêm; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa đồng bộ, chưa chủ động; đoàn kết, cộng sự của không ít cấp uỷ đảng còn hạn chế.

- Công tác tổ chức, cán bộ một số nơi còn bất cập; công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, cán bộ quản lý còn hạn chế; chậm tăng cường, củng cố các đơn vị có phong trào yếu kém. Công tác quản lý, kiểm tra

giám sát đội ngũ cán bộ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu.

- Môi trường xã hội chưa thực sự đồng thuận, một số chỉ tiêu xác định cao, trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế.

Về chủ quan, những tồn tại đó là do:

- Xuất phát điểm thấp; địa bàn rộng lớn, nhiều vùng, miền, trong đó chủ yếu là miền núi, đời sống còn nhiều khó khăn.

- Diễn biến bất thường của nền kinh tế thế giới và trong nước (lạm phát, suy giảm kinh tế...).

- Thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề về tài sản, tính mạng của nhân dân.

Vậy làm thế nào để khắc phục tốt những vấn đề gây khó khăn đó? Đòi hỏi các ngành, các cấp và chính người nông dân phải đưa ra và thực hiện những giải pháp đúng đắn nhằm hạn chế tối đa những mặt tiêu cực đó. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân phát huy hết khả năng của mình, có như vậy mới CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn trong thời gian sớm và đạt thành tựu cao.

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của giai cấp nông dân Nghệ An trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn hiện nay (Trang 73 - 80)