Động Thiên Long

Một phần của tài liệu 2019_1_2019m1_12h13m14_ly-lich-ngu-hanh-son-kem-thong-cao_(da_sua) (Trang 30 - 34)

Động Thiên Long nằm bên trong động Thiên Phước Địa, cạnh cổng trời - Hang Gió Đông, động nằm sát vách núi và ăn sâu xuống lòng đất tạo hang sâu thẳm và không có đường đi xuống. Lòng hang vừa sáng, vừa tối có nhiều tảng đá nhấp nhô lớn nhỏ như miệng rồng nên có tên gọi là Thiên Long. Tuy nhiên, đáy động ăn thông với Hang Gió của động Tàng Chơn nằm sau chùa Linh Ứng.

- Hang Âm Phủ

Nằm ở phía nam sườn núi Thủy Sơn và do kiến tạo độc đáo của thiên nhiên nên hang Âm Phủ đã trở thành một trong những hang động lớn và huyền bí nhất ở núi Ngũ Hành Sơn; cũng như các hang động khác ở núi Ngũ Hành Sơn, hang Âm Phủ cũng có ngách thông ra bên ngoài, nên quanh năm có gió lùa, vì vậy, lúc nào hang động cũng khô ráo, mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 18 đến 20oc.

Cửa hang trước kia hẹp, ngày nay đã mở rộng, nên đường vào hang dễ dàng hơn. Khi đi vào miệng hang, phải lên một số bậc cấp và qua những vòm đá cong vút, tối mờ như một đường hầm xuyên núi, gập ghềnh, từ đó đi dần vào bên trong hang động.

Tương truyền rằng vua Minh Mạng khi vi hành Ngũ Hành Sơn đã cho lính cầm đuốc xuống thám hiểm lòng hang nhưng lần lượt cả 12 bó đuốc đều tắt nên không thể xuống được. Về sau, nhà vua cho lấy một quả bưởi ghi chữ rồi thả vào hang, hôm sau quả bưởi được tìm thấy trên bờ biển Non Nước, điều này chứng tỏ hang được ăn thông ra biển.

Bên trong hang Âm Phủ đã được cải tạo mô phỏng thế giới “Âm phủ” – thế giới của người chết – theo quan niệm luân hồi của Phật giáo, và có 02 bia lưu niệm về các trận đánh ở hang Âm Phủ, ghi lại chiến công của du kích và bộ đội địa phương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

b) Núi Kim Sơn

Núi Kim Sơn có diện tích 23.406m2, dạng hình trụ tròn, giống chiếc chuông khổng lồ úp xuống mặt đất, sườn núi phía Tây dựng đứng, có nhiều thớt đá nhô lên thành từng sọc, từng tầng, trơ trụi chỉa thẳng lên trời trông giống như những chiếc chông nên còn được gọi là hòn Chông. Sườn núi phía Tây cây cối mọc chen chúc giữa các hốc đá, dưới chân núi có bóng cây mát mẻ. Trên ngọn núi có một hòn đá nhô lên cao, người dân thường gọi là hòn Phật, mũi đá nhọn gọi là Kim Vọng (đài quan sát của Kim Sơn).

Năm 1950, nhân dân địa phương chạy lánh giặc đã phát hiện ra một hang động vô cùng độc đáo ở núi Kim Sơn, đến năm 1956 nhà sư Thích Pháp Nhãn đã mở rộng lối vào động.

Đây là một trong những hang động rất khó phát hiện so với các hang động khác trong quần thể núi Ngũ Hành Sơn. Hang động này nằm xoáy sâu vào chân núi, miệng động quay về hướng Tây Nam và phía ngoài có một vách đá che kín. Đường vào cửa động, hai bên vách đá dựng đứng, miệng hang nhỏ có hướng đi xuống, âm so với mặt đất, càng vào sâu càng có cảm giác mát lạnh, mờ ảo. Vào phía bên trong, động lớn dần, chiều dài hang động khoảng 64m, rộng khoảng 5- 10m, cao 15-20m. Đây là động kín so với với đa số động mở trong quần thể Ngũ Hành Sơn. Động này có nhiều thạch nhũ với màu sắc, hình thể đa dạng, đường nét rõ ràng, sắc sảo, tưởng chừng như có bàn tay của nghệ nhân tạo tác.

Khi mới vào cửa động, điểm nhấn đầu tiên là lớp thạch nhũ bám vào vách đá tạo thành bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao bằng người thật, cân phân, thanh tú, với lớp áo kim tuyến lấp lánh, kết tinh từ các tinh thể calxit tuyệt đẹp của thiên nhiên. Dưới chân bức tượng thiên tạo có hình một con rồng uốn lượn giống như trong điển tích Quan Âm Nam Hải. Do hình tượng tự nhiên trên mà hòa thượng Thích Pháp Nhãn đã đặt tên động là Quán Thế Âm, đồng thời, ngài cho lập một ngôi chùa nhỏ ngay sát hang động. Đến năm 1960, ngôi chùa này được dời xuống khuôn viên đất rộng sát chân núi Kim Sơn, quy mô được mở rộng và xây dựng kiên cố bằng gạch ngói.

Trên các vách động, thạch nhũ tạo ra những hình tượng kì lạ, thú vị, như hình Tiên ông đánh cờ, những chú hươu,... Giữa trần động, cách mặt đất khoảng 0,3m một thạch nhũ dài thòng xuống, khi gõ vào âm thanh tạo ra như tiếng chuông thật (đây là một thạch nhũ đặc biệt quý hiếm tại hang động Ngũ Hành Sơn), kế bên còn có cả trống và mỏ đá tự nhiên.

Cuối động, không gian khép lại làm cho ta có cảm tưởng đây là đoạn kết của động. Nhưng thực tế, khi vượt qua khoảng 2m, không gian lại mở ra một lần nữa

với một hồ nước lớn, mát lạnh trong lành, dòng nước thẩm thấu từ mạch sông Cổ Cò, thanh lọc qua lớp đá cẩm thạch nên rất tinh khiết.

c) Núi Mộc Sơn

Theo đường Đà Nẵng đi Hội An thì núi Mộc Sơn nằm ở phía đông, tuy gọi là Mộc Sơn nhưng đây lại là một núi có ít cây cối nhất, sườn dốc dựng đứng, núi Mộc Sơn còn có tên gọi dân gian là núi Mồng Gà. Núi có diện tích: 14.060m2.

Núi Mộc Sơn có một hòn đá trông giống hình người, có người gọi là đá Cô Mụ, có người gọi là tượng Quan Âm. Núi chỉ có một cái hang nhỏ, tương truyền là nơi tu hành của một sư nữ có tên là bà Trung. Hiện ở phía nam dưới chân núi Mộc Sơn, có Tổ đình Thạch nghệ tổ sư.

d) Núi Hỏa Sơn

Núi Hỏa Sơn còn gọi là núi Ông Chài nằm về phía Tây - Nam núi Thủy Sơn, gồm có 2 ngọn núi là Âm Hỏa Sơn và Dương Hỏa Sơn, khoảng giữa hai ngọn Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn là một khoảng đất trống, có phế tích tháp Chăm, ngày nay còn rãi rác rất nhiều gạch xây tháp bị chôn vùi dưới đất.

Núi Dương Hỏa Sơn nằm ở phía Nam của Âm Hỏa Sơn, có diện tích 10.162m2, có hình dạng giống như ngọn lửa. Về phía Tây lưng chừng núi có một động nhỏ xuyên suốt từ sườn phía Bắc ra sườn phía Nam gọi là động Phổ Đà Sơn, trên cửa động có khắc 3 chữ Hán “Phổ Đà Sơn”. Phong cảnh ở đây rất u tịch, trong động có ngôi chùa nhỏ gọi là chùa Phổ Đà Sơn.

Còn Âm Hỏa Sơn là ngọn núi nhỏ nhất trong cụm núi Ngũ Hành Sơn, với diện tích 2.439m2. Phía nam của núi có một động nhỏ, cửa vào rộng rãi, trên cửa hang có khắc mấy chữ Hán “Chư Tiên Khách Hội Động”, trong động có nhiều ngách sâu, bị bỏ hoang lâu ngày nên cửa động bị cây cối phủ lấp.

e) Núi Thổ Sơn

Núi Thổ Sơn có diện tích 37.090m2, còn gọi là núi Đá Chồng nằm về phía tây Thủy Sơn, vách đá dựng đứng và ít cây cối. Điểm thấp nhất nằm ở sườn phía Tây, còn ở phía Đông có một hang sâu, khoảng 20m, lối vào rất hẹp, có một đường thông lên cao gọi là hang Bồ Đề, còn gọi là “Địa đạo núi Đá Chồng”. Đây là địa đạo tự nhiên, nơi ẩn nấp và hoạt động bí mật của các đồng chí du kích và bộ đội địa phương trong 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hiện nay, hang này đã bị vùi lấp.

Ngoài ra, ở khu vực cồn cát, phía nam chân núi Thổ Sơn, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết cư trú của người Chăm và đặt tên cho di chỉ khảo cổ học này là di chỉ Nam Thổ Sơn.

Một phần của tài liệu 2019_1_2019m1_12h13m14_ly-lich-ngu-hanh-son-kem-thong-cao_(da_sua) (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(53 trang)
w