Các nguyên nhân dẫn đến thực trạng tiêu thụ sản phẩm giảm

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu Tương Bần tại huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên (Trang 37 - 39)

2. Thực trạng xây dựng và phát triển thương hiệu Tương Bần tại huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên

2.6Các nguyên nhân dẫn đến thực trạng tiêu thụ sản phẩm giảm

* Thực trạng sản xuất và tiêu thụ bất cập:

Đối với một làng nghề, sản phẩm làm ra luôn phải đảm bảo sự thống nhất về quy trình sản xuất, tương đối đồng đều về chất lượng, giá cả thống nhất, đặc biệt đây lại là một đặc sản của địa phương.

Việc phân biệt một cách rõ ràng chất lượng giữa các sản phẩm bán trên thị trường với các sản phẩm được đặt theo yêu cầu là sự hạn chế rất lớn. Trong khi các sản phẩm bán trên thị trường có ưu thế tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, lại là các sản phẩm kém chất lượng không đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của thương hiệu Tương Bần. Còn các sản phẩm được đặt theo yêu cầu tuy có chất lượng tốt, giá bán của các sản phẩm loại này thường đắt gấp 2 đến 3 lần so với các sản phẩm trên thị trường nhưng chủ yếu lại được tiêu thụ tại chỗ chưa tiếp cận được với người tiêu dùng.

Các loại đặc sản của địa phương luôn là những sản phẩm gây được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng, họ mua không chỉ vì đây là một sản phẩm đặc sản mà còn do tâm lý hiếu kỳ. Nhu cầu được thưởng thức của khách hàng là rất lớn nhưng thực tế là các sản phẩm bán trên thị trường không làm người tiêu dùng hài lòng, còn các sản phẩm có chất lượng thì người tiêu dùng rất khó tiếp cận, thiếu thông tin như nơi xuất xứ, giá cả, ai sản xuất. Điều này gây khó khăn, cản trở cho việc bán hàng, làm mất niềm tin của khách hàng. chính vì vậy việc tiêu thụ sản phẩm trở nên khó khăn hơn.

* Thiếu thông tin thị trường, hệ thông phân phối

Khả năng tiếp cận thông tin thị trường của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh còn hạn chế, dẫn đến thiếu sự nhạy bén trong kinh doanh. Các doanh nghiệp chưa chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng mà vẫn chờ khách đến mua một cách bị động.

Hệ thống phân phối đa phần là các loại kênh cấp 1 người sản xuất bán trực tiếp cho người tiêu dùng, không thông qua các đại lý bán buôn, bán lẻ, siêu thị… hạn chế mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Chính sự bất cập của hệ thống phân phối dẫn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm Tương Bần chỉ giới hạn tại địa phương và vùng lân cận làm cho sản phẩm sức tiêu thụ giảm

* Thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt của các sản phẩm cùng loại và các sản phẩm thay thế.

Tương là một loại thực phẩm bình dân dễ dàng sản xuất, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại như: tương Cự Đà, Nam Đàn, và các loại tương được sản xuất ngay tại nơi tiêu thụ mà người tiêu dùng cỏ thể tiếp cận dễ dàng. Điều này tác động rất lớn đến sự lựa chọn của người tiêu dùng và sức tiêu thụ của Tương Bần, khiến sản phẩm tương khó bán hơn và mức tiêu thụ giảm.

Mặt khác, tương là sản phẩm có thể thay thế bằng các loại sản phẩm khác có tính năng tương tự trong các bữa ăn như: nước mắm, mari, nước sốt….

* Chi phí sản xuất cao, dẫn đến giá thành sản phẩm cao

Do chu kỳ sản xuất kéo dài, yêu cầu đòi hỏi sử dụng nhiều lao động trong quá trình chế biến, do đó chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao, trong khi tương lại là một sản phẩm có thể thay thế. Vì vậy sức cạnh tranh giảm làm cho mức tiêu thụ giảm.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu Tương Bần tại huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên (Trang 37 - 39)