Bài học kinh nghiệm từ EBay.com

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số mô hình thương mại điện tử thành công trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 98 - 100)

EBay.com là website đấu giá lớn nhất và là một sàn giao dịch C2C thành công nhất trên thế giới, eBay là một “tấm gương lớn” mà các doanh nghiệp trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng cần nhìn vào và học tập. Cũng giống như Amazon, có 4 bài học kinh nghiệm mà doanh nghiệp Việt Nam có thể học tập từ mô hình C2C nổi tiếng này.

Thứ nhất, kiểm tra kĩ lưỡng hàng hóa trước khi đem ra đấu giá. Trong lịch sử hoạt động của mình, eBay đã từng gặp phải rắc rối vì bị cáo buộc buôn bán vũ khí. Nguyên nhân của rắc rối này là do sự thiếu cẩn thận trong việc kiểm tra hàng hóa trước khi đấu giá. Các sàn giao dịch C2C ở Việt Nam cũng phải rút kinh nghiệm từ sự cố đó của eBay. Mặc dù là sàn giao dịch của cá nhân với cá nhân nhưng những người quản lí cũng phải xem xét và quản lý kĩ các danh mục, xuất xứ của hàng hóa

đang được rao bán trên trang web của mình. Việc này sẽ giúp họ dễ dàng phát hiện các hàng hóa cấm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng theo quy định của Nhà nước vv… trên trang web của mình và từ đó tránh được những rắc rối về mặt pháp lý sau này. Việc thường xuyên kiểm tra hoạt động giao dịch trên sàn cũng có một “nhiệm vụ” khác là có thể nhanh chóng giúp đỡ những cá nhân giao bán hàng chưa có kinh nghiệm hoặc đang gặp khó khăn nào đó. Ví dụ như, gợi ý cho các cá nhân những cách trình bày các sản phẩm để thu hút khách hàng.

Thứ hai, yêu cầu miêu tả chính xác hàng hóa được giao bán. Do có nhiều mặt hàng tương tự nhau được giao bán trên website nên trong trường hợp không có sự mô tả chính xác và đầy đủ thông tin về sản phẩm, có thể sẽ gây ra sự hiểu lầm cho khách hàng. Khi khách hàng mua hàng và sau đó phát hiện ra nó không như những gì họ mong muốn, khách hàng sẽ cảm thấy bị mắc lừa và không bao giờ quay trở lại trang web. Vì vậy, những người quản lí sàn giao dịch cần phải yêu cầu những người tham gia bán hàng trên sàn mô tả đầy đủ thông tin về sàn phẩm như hình dáng, khối lượng, mẫu mã, xuất xứ, chức năng, vv… Một mặt, điều này sẽ giúp cho khách hàng không bị nhầm lẫn. Mặt khác, nó là một cách quảng cáo sản phẩm hữu dụng nhất. Người truy cập sẽ cảm thấy thích thú với những mặt hàng có đầy đủ thông tin. Công việc tìm kiếm và so sánh sản phẩm của họ sẽ được “đơn giản hóa” và đây là điểm quan trọng để khách hàng “trung thành” với trang web sau này.

Thứ ba, quản lí các thông tin phản hồi. Trong tất cả các “khu vực bán hàng” của mỗi cá nhân trên trang web đều có phần phản hồi dành cho người mua. Không chỉ những cá nhân bán hàng mới quan tâm đến ý kiến ở đó mà người quản lí cũng phải quan tâm. Tất cả ý kiến về chất lượng sản phẩm, về khả năng giao hàng, về việc thanh toán vv… của khách hàng đều giúp cho người quản lí đánh giá và phân loại các cá nhân bán hàng trên website của mình. Với những cá nhân có chất lượng phục vụ không tốt, người quản lí sẽ nhắc nhở, đưa ra những gợi ý khắc phục khó khăn, thậm chí có thể chấm dứt hoạt động của họ trên trang web nếu không còn cách nào để sửa chữa. Việc này sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ của những người tham gia bán hàng nói riêng và cả hệ thống trang web nói chung.

Thứ tư, nghiên cứu kĩ thói quen của người tiêu dùng. Đây là một bài học không chỉ dành riêng cho việc xây dựng mô hình C2C mà cho tất cả các mô hình thương mại điện tử khác. Một trong những lí do mà eBay đã thất bại khi đầu tư vào thị trường Trung Quốc là không nắm rõ thói quen của người dân địa phương. Từ thất bại đó của eBay, các doanh nghiệp Việc Nam cần nghiên cứu kĩ người tiêu dùng Việt để xây dựng trang web và đưa ra các phương thức phục vụ phù hợp. Điều này có vẻ dễ dàng cho các doanh nghiệp trong nước nhưng không có nghĩa là họ có thể chủ quan, vì hành vi mua bán trực tuyến của người Việt Nam có những nét khác biệt so với hành vi mua bán truyền thống.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số mô hình thương mại điện tử thành công trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 98 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)