I. SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO HỘ THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM
2. Năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất nội địa còn yếu kém
2.2 Phân tích năng lực cạnh tranh của một số ngành
Như đã phân tích ở phần trên về tình hình nhập khẩu của Việt Nam những năm qua có thể thấy rằng một số ngành công nghiệp như công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sản xuất thép, xăng dầu, phân bón… đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam thì trên thực tế, đây lại là những mặt hàng được nhập khẩu với số lượng rất lớn. Vậy thì khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong nhóm ngành này so với các nước trong khu vực và thế giới ra sao? Ngưòi viết xin được phân tích rõ hơn:
* Công nghiệp phụ trợ
Vai trò của ngành công nghiệp phụ trợ trong phát triển ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhìn chung tình trạng ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cho đến nay vẫn còn yếu.
Cái yếu cơ bản trước hết đó là do các ngành phụ trợ này (chủ yếu do doanh nghiệp nhà nước sản xuất) cung cấp những sản phẩm có chất lượng kém và giá thành cao (vì công nghệ lạc hậu, vì quản lý kém…) nên chỉ tiêu thụ được trong nội bộ các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng cũng vì dùng những sản phẩm phụ trợ này mà các sản phẩm lắp ráp, các loại máy móc hoàn thành tại các công ty nhà nước cũng không có sức cạnh tranh. Đây là một sự liên kết kém hiệu suất và bó chân lẫn nhau trong nội bộ các doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, do tình hình hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp nội địa hiện tại, các doanh nghiệp FDI tuy rất muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá để giảm giá thành sản xuất nhưng ít tìm được nguồn cung cấp công nghiệp phụ trợ đáng tin cậy làm giảm tính hấp dẫn các công ty đa quốc gia đầu tư trực tiếp sản xuất tại Việt Nam
Thứ ba đó chính là áp lực cạnh tranh ngày càng cao từ các nước trong khu vực và thế giới khi mà ngày nay công nghệ cao rất dễ lan nhanh từ quốc
gia này sang quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia có lao động dồi dào và tiền lương rẻ. Trong khi đó, Việt Nam với công nghệ còn lạc hậu, chậm đổi mới, lại thiếu vốn đầu tư nên góp phần hạn chế khả năng phát triển và ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của ngành này.
Đi sâu vào một số mặt hàng công nghiệp phụ trợ có tỉ lệ nhập siêu cao, ta thấy đối với công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện phụ tùng, Việt Nam cũng đã có một số công ty và doanh nghiệp có công nghệ và đang sản xuất phụ tùng lắp ráp. Tuy nhiên rất ít doanh nghiệp trong nước có khả năng đáp ứng được yêu cầu (đặc biệt là cho các nhà lắp ráp nước ngoài) do chất lượng kém, độ chính xác thấp, không đảm bảo tiêu đối tác đưa ra. Trong khi đó, dệt may là một ngành có thị trường lớn, nhưng do chưa có chính sách khuyến khích phù hợp nên lĩnh vực công nghiệp phụ trợ vẫn chậm phát triển. Hàng năm, ngành dệt may sử dụng không dưới 500 triệu mét vải để làm hàng xuất khẩu, nhưng đến 80% vải cung cấp cho ngành may xuất khẩu lại đến từ nước ngoài. Hơn nữa, nguyên phụ liệu may nhập khẩu để làm hàng xuất khẩu lại được miễn thuế hoàn toàn, trong khi Chính phủ lại chưa có chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích các công ty may sử dụng nguyên phụ liệu trong nước, ngoại trừ một số ưu tiên về phân bổ hạn ngạch xuât khẩu.
*Công nghiệp sản xuất thép
Có thể nói, hiện nay, năng lực cạnh tranh của công nghiệp thép vẫn còn thấp, sản xuất còn nhỏ lẻ và manh mún. Hầu hết các nhà máy thép của Việt Nam mới chỉ sản xuất được thép thanh, thép cuộn, thép hình cỡ nhỏ và vừa mà chưa sản xuất được các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các ngành cơ khí trong nước như sản xuất linh kiện ôtô,xe máy…Trong khi đó, hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng phôi thép rất lớn để đảm bảo cho nhu cầu sản xuất trong nước khiến cho giá thành của thành phẩm phải phụ thuộc vào giá của nguyên liệu. Điều này đã góp phần làm giảm tính cạnh
tranh của thép Việt Nam. Bên cạnh đó. sản phẩm luyện cán thép Việt Nam là sản phẩm carbon thông thường, là sản phẩm không có những yêu cầu kỹ thuật đặc biệt. Vì vậy tham gia vào cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác, không thể dùng rào cản kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước. Quy mô của các nhà máy thép ở Việt Nam còn nhỏ bé, chỉ có 3 cơ sở là gang thép Thái Nguyên, thép miền Nam, Pomina có quy mô trên 0,5 triệu tấn/năm còn hầu hết là ở mức 200-250 tấn/năm. Thêm vào đó, tình hình suy thoái kinh tế hiện nay đã khiến cho ngành thép phải lao đao, nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng.
Với những khó khăn và thách thức nêu trên, ngành thép Việt Nam muốn tồn tại và phát triển trong bước đường hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới, chắc chắn sẽ phải có những nỗ lực vượt bậc trong sản xuất kinh doanh của các công ty thép, đồng thời cũng phải có sự định hướng phát triển chính xác và sự chỉ đạo chặt chẽ và hỗ trợ của các cơ quan quản lý của Nhà nước thông qua việc áp dụng các biện pháp bảo hộ kịp thời và hợp lý, hạn chế sự cạnh tranh khốc liệt của hàng nhập khẩu đặc biệt là trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp này có thời gian để cải thiện tình hình.