Quy định của Hoa Kỳ liên quan đến bình đẳng thương mạ

Một phần của tài liệu Rào cản trong cạnh tranh của ngành thủy sản VN trên thị trường Mỹ (Trang 38 - 44)

a. Chống bán phá giá: Quy định những biện pháp trừng phạt đối với một quốc gia, hay một doanh nghiệp đã bán sản phẩm của mình với giá thấp hơn giá thành của sản phẩm đó. Luật chống phá giá còn cho phép các ngành của Hoa Kỳ được đệ trình khiếu nại về hoạt động bán phá giá ở nước thứ ba.

Luật thuế chống phá giá được sử dụng rộng rãi hơn luật thuế chống trợ giá. Thuế chống phá giá được áp dụng đối với hàng nhập khẩu khi nó được xác định là hàng nước ngoài được bán “phá giá” vào Hoa Kỳ, hoặc sẽ bán phá giá ở Hoa Kỳ với giá “thấp hơn giá trị thông thường”. Thấp hơn giá trị thông thường

có nghĩa là giá xuất khẩu vào Hoa Kỳ thấp hơn giá bán của hàng hóa đó ở nước xuất xứ hoặc ở nước thứ 3 thay thế thích hợp.

Thuế chống phá giá được áp dụng khi có đủ hai điều kiện (1) DOC (Bộ thương mại) phải xác định hàng nước ngoài đang được bán phá giá hoặc có thể sẽ được bán phá giá ở thị trường Hoa Kỳ, và (2) USITC (Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ) phải xác định hàng nhập khẩu được bán phá giá đang gây thiệt hại vật chất hoặc đe dọa gây thiệt hại vật chất hoặc ngăn cản hình thành ngành công nghiệp tương tự tại Hoa Kỳ.

Cũng giống như trường hợp luật thuế chống trợ giá, các thủ tục điều tra về bán phá giá được tiến hành khi có đơn khiếu kiện của một ngành công nghiệp, các doanh nghiệp hoặc do DOC tự khởi xướng.

Thuế chống bán phá giá sẽ được ấn định bằng mức chênh lệch giữa “giá trị thông thường” và mức giá xuất khẩu vào Hoa Kỳ. DOC sẽ xác định giá trị thông thường của hàng nhập khẩu bằng một trong ba cách. Theo thứ tự ưu tiên là:

(1) Giá bán của hàng hóa tại thị trường nội địa, (2) Giá bán hàng hóa sang thị trường thứ ba,

(3) “Giá trị tính toán” của hàng hóa bằng tổng chi phí sản xuất cộng với các khoản lợi nhuận, tiền hoa hồng bán hàng, và các chi phí hành chính khác như đóng gói.

“Giá trị tính toán” được coi là giá trị thông thường để tính biên phá giá khi giá bán ở thị trường nội địa hoặc giá bán sang nước thứ ba thấp hơn chi phí sản xuất hoặc hàng hóa đang bị điều tra không bán ở thị trường nội địa hoặc không được bán sang nước thứ ba.

Nếu từ hai nước trở lên bị kiện bán phá giá hoặc trợ giá, luật yêu cầu USITC đánh giá lũy tích số lượng và ảnh hưởng của các hàng nhập khẩu tương tự từ các nước bị kiện nếu chúng cạnh tranh với nhau và với sản phẩm tương tự của Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Nếu hàng nhập khẩu từ một nước đang bị điều tra được coi là không đáng kể (thường được xác định là nhỏ hơn 3% tổng giá trị nhập khẩu của sản phẩm bị điều tra), việc điều tra nước đó sẽ được dừng lại. Cũng có những quy định miễn trừ áp dụng những quy tắc lũy tích ví dụ như việc áp dụng đối với các nước được hưởng ưu đãi của Sáng kiến Lòng chảo Caribê (CBI) và đối với Ixraen.

Luật chống phá giá còn cho phép các ngành công nghiệp Hoa Kỳ được khiếu nại về bán phá giá ở nước thứ ba. Ngành công nghiệp của Hoa Kỳ có thể đệ trình đơn khiếu nại lên Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), trong đó phải giải thích tại sao việc bán phá giá ở nước thứ 3 lại gây thiệt hại cho các công ty của Hoa Kỳ và yêu cầu cơ quan này bảo vệ những quyền lợi của Hoa Kỳ theo quy định của WTO. Nếu USTR thấy khiếu nại có lý, họ sẽ đệ trình yêu cầu lên các cơ quan có thẩm quyền ở nước thứ ba đòi nước này phải thay mặt Hoa Kỳ tiến hành các biện pháp chống bán phá giá. DOC và USITC có trách nhiệm hỗ trợ USTR chuẩn bị nội dung yêu cầu.

Trong thời gian qua thuỷ sản Việt Nam đã gặp phải những cạnh tranh không bình đẳng từ phía Hoa Kỳ. Đó là vụ kiện về bán phá giá cá tra, cá basa trong năm 2002- 2003, vụ kiện bán phá giá tôm trong năm 2004.

Dưới đây là quy trình xử lý một vụ kiện bán phá giá

.1. Diễn biến của vụ kiện cá tra, cá ba sa:

Ngày 09/07/2001, 8 Thượng nghị sỹ và 4 Hạ nghị sỹ đại diện cho các bang nuôi nhiều cá nheo (Mississippi, Alabama, Arkansas, Louisiana) đã cùng ký tên gửi

thư cho Trưởng đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho rằng cá tra, basa Việt Nam nhập khẩu gây thiệt hại cho nghề nuôi cá nheo Hoa Kỳ và yêu cầu Chính phủ có biện pháp xử lý.

Ngày 28/06/2002, Hiệp hội các chủ trại nuôi cá nheo Hoa Kỳ (CFA) thông qua Công ty tư vấn Akin Gump đã nộp đơn lên Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) kiện các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá cá tra, cá ba sa vào Hoa Kỳ, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Những nội dung CFA cáo buộc các doanh nghiệp Việt Nam trong đơn kiện gửi lên USITC là: Đối tượng bị kiện là sản phẩm filê đông lạnh của cá tra, cá ba sa Việt Nam (thuộc họ Pangasidae loài Pangasius bocourti và Pangasius hypopthalmus) bị cáo buộc là bán phá giá gây thiệt hại cho sản xuất sản phẩm cá nheo của Hoa Kỳ thuộc họ Ictacluridae loài Ictalurus punctatus. Trong đơn kiện, CFA thừa nhận chúng là các loài khác nhau, nhưng giống nhau về quy cách sản phẩm filê.

Ngày 18/06/2003, DOC tuyên bố Việt Nam bán phá giá cá tra và cá ba sa và dự định áp dụng một mức thuế suất cao hơn với cá tra, ba sa của Việt Nam trong khoảng 36,84% - 63,88% thay vì 31,45% - 63,88% như trước đây, cụ thể: Agifish: 31,45%, Cataco: 41,06%, Vĩnh Hoàn:37,94%, Navifishco: 38,09%, những doanh nghiệp chỉ trả lời câu hỏi điều tra chống bán phá giá sẽ chịu mức thuế 36,76%, những doanh nghiệp khác cũng tham gia xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhưng không theo kiện sẽ chịu mức thuế 63,88%.

Ngày 24/07/2003, Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đã đưa ra phán quyết cuối cùng. Cơ quan này khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam bán philê cá ba sa và cá tra vào thị trường Hoa Kỳ thấp hơn giá thành, gây tổn hại cho ngành sản xuất cá nheo của Hoa Kỳ và ấn định mức thuế suất chống bán phá giá rất cao từ 36,84% đến 63,88%.

Ngày 06/08/2003, sau khi USITC ra văn bản chính thức gửi Bộ thương mại Hoa Kỳ (DOC), mức thuế chống bán phá giá mới bắt đầu có hiệu lực.

2. Diễn biến của vụ kiện tôm:

Ngày 6/8/2003 Hiệp hội Tôm Louisiana đã biểu quyết sẽ nộp đơn khởi kiện tôm nhập khẩu. Ngày 8/8/2003 Liên minh Tôm miền nam Hoa Kỳ (SSA) cũng biểu quyết thông qua nghị quyết khởi kiện bán phá giá tôm nhập khẩu. Họ tập trung vào kiện Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Inđônêxia, Braxin, Mêhicô và Êcuađo. Tuy nhiên, cả Liên minh và Hiệp hội ai cũng hăng hái muốn làm bên nguyên để có thể nhận được nhiều nhất số tiền thu được từ việc đánh thuế chống phá giá, theo tinh thần tu chính án Byrd vô lý mà WTO đang đòi Hoa Kỳ phải huỷ bỏ.

Ngày 31/12/2003 Liên minh Tôm miền Nam Hoa Kỳ đã nộp đơn kiện 6 quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất đã bán phá giá và gây thiệt hại cho nền công nghiệp đánh bắt tôm của Hoa Kỳ. Bị đơn là các công ty xuất khẩu tôm của Ấn Độ, Braxin, Êcuađo, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Ngày 20/1/2004 DOC ra quyết định bắt đầu điều tra vụ kiện. Hầu như toàn bộ các dạng tôm xuất khẩu từ Việt Nam đều nằm trong phạm vi điều tra, ngoại trừ tôm khô, tôm bột.

Ngày 21/1/2004, ITC tổ chức điều trần công khai tại Washington D.C

Ngày 17/2/2004 ITC ra quyết định sơ bộ xác định tôm nhập khẩu đe doạ gây thiệt hại cho ngành tôm của Hoa Kỳ. Vụ kiện bắt đầu vào giai đoạn điều tra.

Ngày 23/2/2004, DOC chọn một số công ty để bắt đầu tiến hành điều tra.

Ngày 2/7/2004, DOC ra quyết định sơ bộ, ấn định các mức thuế từ 12,11 - 93,13% cho các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ công nhận 21/38 công ty tham kiện được hưởng thuế suất riêng biệt.

Từ 27/8 đến 10/9/2004, DOC đã tiến hành kiểm tra tại chỗ các công ty.

Ngày 29/11/2004, DOC ra quyết định cuối cùng thay đổi đáng kể mức thuế cũng như số lượng các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức thuế riêng biệt.

Ngày 26/1/2005, DOC ra thông báo sửa đổi quyết định cuối cùng, thừa nhận có sai sót trong quá trình tính toán biên phá giá. Biên phá giá xác định trong kết luận cuối cùng của DOC đối với tôm Việt Nam hầu hết dưới 5% (Theo bảng dưới đây) (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Tên công ty Mức thuế

Công ty Seaprodex Minh Hải 4,30 %

Công ty Minh Phú 4,38 %

Công ty Camimex 5,24 %

Công ty Kim Anh 25,76 %

Mức thuế riêng biệt cho các bị đơn tự nguyện 4,57 % Mức thuế chung cho các công ty Việt Nam khác 25,76 %

Tuy nhiên, mức thuế thực tế phải nộp cho các lô hàng nhập khẩu lại là mức thuế do DOC xác định khi xem xét lại hàng năm. Thông thường là 12 tháng một lần kể từ ngày phát lệnh chống bán phá giá, DOC sẽ xem xét lại biên phá giá thực tế để làm cơ sở tính mức thuế thực tế cho những lô hàng thuộc diện chịu thuế đã nhập vào Hoa Kỳ trong 12 tháng trước đó.

Ngày 28/2/2006, nguyên đơn trong vụ kiện chống bán phá giá tôm là Liên minh Tôm miền nam Hoa Kỳ (SSA) đã nộp đơn yêu cầu DOC tiến

hành xem xét hành chính để tính lại mức thuế chống bán phá giá đối với toàn bộ các công ty Việt Nam có hoạt động sản xuất và xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ trong thời gian từ ngày 16/7/2004 đến 31/1/2006. DOC sẽ lựa chọn ngẫu nhiên trong danh sách các đơn vị yêu cầu Review để lấy ra 3 doanh nghiệp và tiến hành xem xét lại mức thuế chống bán phá giá và dùng kết quả đó để tính cho các đơn vị khác. Mức thuế mới này được áp dụng theo cách hồi tố. Thời gian xem xét lại thường kéo dài một năm mới kết thúc.

b. Chống cạnh tranh không bình đẳng: Quy định về những “biện pháp cấp bách” mà một quốc gia nhập khẩu được phép áp dụng để chống lại nước xuất khẩu, khi họ đã có những hành động hỗ trợ các nhà sản xuất của mình về tiền vốn, thiết bị, hoặc trợ giá bán cho nhà sản xuất để sản phẩm đó được xuất khẩu với giá thấp hơn giá thành thực tế của nó.

c. Chống vi phạm sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thương hiệu của hàng hoá: Bao gồm các quy định thủ tục tiếp nhận đăng ký độc quyền về những phát minh, sáng kiến, kiểu dáng công nghiệp, độc quyền về thương hiệu, nhẫn hiệu hàng hoá của quốc gia hay của hãng sản xuất kèm theo những biện pháp trừng phạt đối với các trường hợp vi phạm.

Một phần của tài liệu Rào cản trong cạnh tranh của ngành thủy sản VN trên thị trường Mỹ (Trang 38 - 44)