II. CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG XUẤT NHẬP KHẨU CỦA NGÂN HÀNG
6. Chính sách đảm bảo tín dụng:
Đối với các ngân hàng việc giảm bớt các rủi ro về vốn bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu và chính sách đảm bảo tín dụng của Ngân hàng Ngoại thương VN cũng nhằm thực hiện tốt mục tiêu trên.
Đảm bảo tín dụng được thực hiện thông qua hình thức cơ bản là thế chấp, cầm cố tài sản và tín chấp. Thế chấp cầm cố tài sản bằng việc bên vay dùng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình làm vật bảo đảm để vay vốn ngân hàng. Đến hạn trả nợ, nếu bên vay trả xong nợ thì ngân hàng sẽ trả lại giấy tờ sở hữu tài sản đã nhận làm thế chấp, cầm cố cho bên vay. Ngược lại, nếu bên vay không trả được nợ hoặc trả không hết nợ thì ngân hàng có quyền bán tài sản thế chấp, cầm cố này để thu hồi khoản vốn mình đã bỏ ra.
Việc thế chấp, cầm cố tài sản ở Ngân hàng Ngoại thương VN được thực hiện theo qui chế thế chấp, cầm cố tài sản và bảo lãnh vay vốn ngân hàng ban hành kèm theo quyết định số 217/QĐ-NH ngày 17/08/1996 của Thống đốc NHNN Việt nam và văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Ngoại thương VN.
- Đối tượng phải thế chấp cầm cố tài sản:
Theo qui định hiện hành tất cả các đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh khi vay vốn Ngân hàng Ngoại thương VN bắt buộc phải có tài sản để đảm bảo tín dụng. Các đơn vị thuộc loại hình này bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty liên doanh Việt nam và nước ngoài, công ty 100% vốn nước ngoài, HTX, hộ sản xuất cá thể. Các đơn vị kinh tế quốc
doanh khi vay vốn ngân hàng không nhất thiết phải có tài sản làm đảm bảo tín dụng.
- Vật đảm bảo, thế chấp, cầm cố:
Tài sản được sử dụng là vật thế chấp, cầm cố mà Ngân hàng Ngoại thương VN chấp nhận là các tài sản đã có sẵn và các tài sản được xây cất, mua sắm từ vốn vay của ngân hàng. Tài sản thế chấp bao gồm bất động sản (quyền sử dụng đất đai, nhà cửa, công trình xây dựng,...) và các động sản (phương tiện vận tải, kho hàng...).
Tài sản thế chấp phải có các điều kiện sau:
+ Tất cả các tài sản này phải thuộc quyền sở hữu hợp lý, hợp pháp của bên vay hoặc tài sản của người khác tự nguyện cho bên vay sử dụng để làm thế chấp cho ngân hàng.
+ Tài sản đang được sử dụng có hiệu quả, chưa dùng thế chấp, cho thuê, cho mượn, gán nợ hoặc chuyển quyền sở hữu dưới bất kỳ hình thức nào.
+ Đối với tài sản phải mua bảo hiểm theo qui định bắt buộc của pháp luật thì chủ sở hữu tài sản phải mua bảo hiểm đầy đủ cho tài sản.
+ Tài sản thế chấp không nằm trong danh mục tài sản bị pháp luật cấm.
+ Tài sản thế chấp là kho hàng thì hàng hoá trong kho phải còn nguyên phẩm chất, có thể bảo quản dài hạn mà không ảnh hưởng đến phẩm chất, qui cách, không bị lạc hậu về kỹ thuật... Kho hàng phải có đầy đủ những điều kiện về chống cháy, mất cắp và mọi nguyên nhân khác có thể làm giảm phẩm chất hàng hoá.
+ Tài sản hình thành từ vốn vay của ngân hàng dùng để thế chấp khi vay, bên vay làm thủ tục thế chấp mà chưa có giấy tờ sở hữu hàng hoá thì trong quá trình thực hiện ngân hàng phải giám sát bổ sung đầy đủ giấy tờ sở hữu hàng hoá và hồ sơ tín dụng thế chấp theo đúng qui định của pháp luật.
Các tài sản bên vay đem cầm cố, Ngân hàng Ngoại thương VN chỉ nhận cầm cố bất động sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên vay, thông thường gồm: vàng bạc, đá quí, chứng chỉ có giá (do NHQD và Kho bạc Nhà nước phát hành) còn thời hạn thanh toán, các máy móc nhỏ có giá trị lớn.
Đảm bảo tín dụng bằng thế chấp, cầm cố tài sản là một hình thức mà ngân hàng sẽ chắc chắn thu hồi được nợ tuy nhiên mục tiêu của ngân hàng là tài trợ vốn cho các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh có lãi từ đó trả nợ được cho ngân hàng chứ không phải thu hồi nợ từ việc phát mại tài sản của
khách hàng. Do đó biện pháp đảm bảo tín dụng bằng thế chấp, cầm cố tài sản chỉ phát huy tác dụng khi ngân hàng đã sử dụng mọi nỗ lực và biện pháp thu hồi nợ khác nhau mà vẫn không thu được hiệu quả. Tại Ngân hàng Ngoại thương VN, bảo đảm tín dụng bằng tín chấp chiếm tới 60% dư nợ tín dụng, hình thức này giảm được thủ tục phiền hà giữa ngân hàng và khách hàng và cho thấy việc sử dụng đồng vốn của ngân hàng trong sản xuất kinh doanh rất có hiệu quả. Vì vậy Ngân hàng Ngoại thương VN trong việc triển khai công tác tín dụng thời gian qua đã chủ trương mở rộng qui mô tín dụng tài trợ xuất nhập khẩu thông qua việc tìm kiếm, khai thác nguồn hàng tin cậy không chỉ đối với đơn vị kinh tế quốc doanh mà cả với đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh bằng cách vận dụng linh hoạt, sáng tạo qui định đảm bảo tín dụng ngân hàng, đẩy mạnh việc nghiên cứu, đánh giá khách hàng để tăng tỉ trọng đảm bảo tín dụng bằng tín chấp.