Những thành công đạt được:

Một phần của tài liệu Hoàn thiện mô hình chấm điểm tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp tại Sở giao dịch I - Ngân hàng công thương Việt Nam (Trang 54 - 57)

Sau khi áp dụng hệ thống chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng, ngoài việc nâng cao chất lượng tín dụng và hiệu quả của các khoản cho vay, hệ thống này còn tạo ra một số ưu điểm sau:

Thứ nhất, chấm điểm tín dụng giúp lượng hoá được rủi ro của khách hàng vay vốn. Trước đây, trong thẩm định các khoản vay, CBTD cũng sử dụng các chỉ tiêu tương tự như trong quy trình chấm điểm tín dụng để đánh giá khách hàng. Thực tế, tuy các thông tin cần thiết cho quá trình phân tích khách hàng đều được cung cấp đầy đủ nhưng kết luận cuối cùng lại không giống nhau và có khi là sự khác biệt rất lớn giữa các CBTD. Lý do quan trọng nhất là không có một tiêu chuẩn nào để so sánh nên việc phân tích khách hàng hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và kinh nghiệm, cũng như hiểu biết của CBTD về ngành nghề kinh doanh của khách hàng vay vốn. Thẩm định khách hàng còn rất chung chung, chưa có phương pháp cụ thể và chủ yếu

dựa vào ý kiến chủ quan của mỗi CBTD. Kết quả phân tích thường chính xác hơn với các cán bộ có nhiều kĩ năng và kinh nghiệm, tình trạng ngược lại xảy ra với CBTD còn non trẻ, mới vào nghề. Việc tiếp thu kiến thức về thẩm định tín dụng chỉ mới dừng lại ở dạng truyền đạt kinh nghiệm, không có phương pháp khoa học, chưa có sự đồng đều. Hệ thống chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng được áp dụng đã lượng hóa được các chỉ tiêu xem xét, tạo ra một khung chuẩn chung tính điểm khách hàng đã giúp cho CBTD có cơ sở để kiểm tra đánh giá của mình , từ đó nâng cao tính chính xác cho các quyết định tín dụng.

Thứ hai, tăng tính khách quan cho quá trình ra quyết định. Nếu không có sự hỗ trợ của điểm số tín dụng thì tính chủ quan trong việc chấp nhận hay từ chối khách hàng vay vốn là rất lớn, sẽ dễ dẫn đến các sai sót trong hoạt động cho vay. Tính chủ quan thể hiện qua nhiều trường hợp, có thể do lợi ích cá nhân mà CBTD cố tình che giấu rủi ro tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn, hoặc do có cái nhìn không tốt, ấn tượng xấu về một doanh nghiệp lại tìm lý do để từ chối cho vay. Các quyết định tín dụng thiếu chính xác như vậy còn có thể bị ảnh hưởng bởi quan niệm và cách nghĩ của mỗi CBTD, những lỗi cá nhân mà con người không thể tránh khỏi trong quá trình làm việc. Thí dụ như có người xem xét rất kỹ các chỉ tiêu tài chính, có người lại coi trọng lịch sử quan hệ với Ngân hàng, hay năng lực của Ban giám đốc doanh nghiệp từ đó các kết luận cuối cùng không phản ánh được khái quát toàn diện về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Áp dụng mô hình chấm điểm tín dụng không những đã làm giảm thiểu tối đa tính chủ quan trong việc thẩm định khách hàng mà còn giúp xếp hạng khách hàng theo từng mức độ rủi ro khác nhau, các quyết định tín dụng cũng phong phú hơn, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng hơn.

Thứ ba, với điểm số tín dụng, vấn đề tài sản đảm bảo đối với khách hàng có độ rủi ro thấp không còn là một yếu tố hàng đầu trong xem xét cho vay như trước đây. Theo hệ thống chấm điểm tín dụng, tài sản đảm bảo chỉ là một chỉ tiêu trong số các chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá. Những doanh nghiệp được xếp hạng tín dụng tốt thì sẽ được cấp tín dụng mà không cần tài sản đảm bảo. Hiện tại, các khách hàng có hạng tín dụng từ BB+ trở lên sẽ được cho vay mà không cần tài sản đảm bảo cùng

với những ưu tiên về phí, lãi suất, …Điều này đem lại thuận lợi cho khách hàng và cũng tạo cho Ngân hàng một sự tin tưởng về khả năng thu hồi khoản vốn đã cấp.

Thứ tư, giúp giảm bớt hình thức cho vay dựa trên quan hệ. Trước đây, do không có một chuẩn mực để đánh giá khách hàng và lượng hóa được rủi ro, Ngân hàng thường chỉ chấp nhận cho vay đối với những khách hàng truyền thống mà cả Ngân hàng và khách hàng đều rất hiểu rõ về nhau, rủi ro sẽ thấp hơn. Những khách hàng lần đầu tiên đến đặt quan hệ tín dụng sẽ chiếm được rất ít sự tin tưởng và tín nhiệm của Ngân hàng. Vì vậy, khách hàng sẽ rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặc dù đây là khách hàng tiềm năng mà các NHTM Việt Nam đang khai thác. Với sự hỗ trợ của hệ thống chấm điểm tín dụng, Ngân hàng có thể tiến hành chấm điểm khách hàng ngay từ lúc tiếp nhận hồ sơ để đánh giá rủi ro và quyết định có cho vay hay không.

Thông thường, các mô hình được xây dựng trên cơ sở các dữ liệu thực nghiệm được tích lũy trong quá khứ. Các mô hình này là công cụ khách quan để đánh giá rủi ro, khác với các phương pháp chủ quan (định tính hay chuyên gia) mà cơ sở của nó là ý kiến của các chuyên gia – cán bộ phòng tín dụng của ngân hàng. Về bản chất, chấm điểm tín dụng là một trong những công cụ quản lý rủi ro. Việc ứng dụng hệ thống chấm điểm giúp ngân hàng xây dựng một cơ sở hợp lý và có luận cứ xác đáng để ra quyết định, cung cấp cho cán bộ tín dụng một thước đo rủi ro dễ hiểu bằng cảm tính và rõ ràng hơn.

Mặt khác, cần hiểu rằng chấm điểm tín dụng không trả lời liệu mỗi khoản vay riêng lẻ sẽ được hoàn trả hay không, mô hình chỉ xác định xác suất của một kết quả “xấu” – không hoàn trả khoản vay. Thông thường, một kết quả “xấu” này có thể là số ngày bình quân hay tổng số ngày nợ quá hạn, trong đó, chi phí dịch vụ tăng cao, làm cho việc cung cấp khoản vay trở thành không hiệu quả. Hệ thống chấm điểm, tự thân không thể đưa ra quyết định chấp nhận hay từ chối cung cấp một khoản vay, chức năng này thuộc về các cá nhân có trách nhiệm, xem xét những đánh giá, nhận định để trả lời cho câu hỏi về tính hợp lý của việc cung cấp một khoản vay cho khách hàng.

Ngoài ra, việc sử dụng chấm điểm tín dụng không nhất thiết sẽ tăng tỉ lệ các đơn xin vay thỏa mãn các yêu cầu, mà việc ứng dụng nó nhằm tạo tính thống nhất hợp lý cho các quyết định và giảm tỉ lệ nợ quá hạn. Điều này cho phép tập trung sự quan tâm của cán bộ tín dụng đến các đơn xin vay, mà việc ra quyết định từ chối hay chấp nhận là không rõ ràng.

Chấm điểm tín dụng là một phương pháp đánh giá rủi ro tín dụng gắn với các đơn xin vay mới một cách khoa học, đang còn rất mới ở Việt Nam nói chung và Sở giao dịch I - Ngân hàng công thương Việt Nam nói riêng. Qua hơn bốn năm áp dụng, hệ thống chấm điểm tín dụng đã đóng góp rất nhiều vào sự thành công trong hoạt động tín dụng của Sở giao dịch I, nhưng mô hình cũng còn chứa đựng nhiều bất cập.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện mô hình chấm điểm tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp tại Sở giao dịch I - Ngân hàng công thương Việt Nam (Trang 54 - 57)