NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ KHÓ KHĂN THÁCH THỨC ĐỐI VỚI NHCSXH

Một phần của tài liệu Phát triển hệ thống ngân hàng việt nam (Trang 79 - 83)

THÁCH THỨC ĐỐI VỚI NHCSXH

1. Những kết quả đạt được

Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ V (khoá VII), Đảng ta đã đề ra chủ trương về xoá đói giảm nghèo: “... phải hỗ trợ giúp người nghèo bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, tranh thủ các nguồn tài trợ nhân đạo trong và ngoài nước, phấn đấu tăng hộ giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo...”. Thực hiện chủ trương nêu trên của Đảng, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiều chính sách và phương thức quản lý khác nhau về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, như giao cho các Ngân hàng thương mại Nhà nước cho vay lãi suất ưu đãi đối với các tổ chức kinh tế và dân cư thuộc vùng núi cao, hải đảo, vùng đồng bào Khơme sống tập trung (1986 - 2002), thành lập Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo (năm 1993 - 1994), tổ chức Ngân hàng phục vụ người nghèo nằm trong Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1995 - 2002). Từ kinh nghiệm thực tế và trên cơ sở xem xét Đề án của Ngân hàng Nhà nước về hoàn thiện và tổ chức hoạt động của Ngân hàng Chính sách, tách tín dụng chính sách ra khỏi Ngân hàng thương mại, ngày 4-10-2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập NHCSXH.

Có thể nói, NHCSXH ra đời đã góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương và là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Mô hình NHCSXH với một bộ máy điều hành tác nghiệp tinh gọn (trên 7 nghìn người) và một bộ máy quản trị gồm 8 nghìn cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan chính quyền và đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, cùng với 4 tổ chức chính trị - xã hội làm uỷ thác từng phần, tổ chức thành công mạng lưới các Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đến từng thôn, bản, áp dụng phương thức tín dụng trực tiếp tổ chức giao dịch tại xã, phường. Nhờ có phương thức quản lý độc đáo này nên trong 5 năm qua, NHCSXH đã đưa gần 50 nghìn tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD) vốn vay của Nhà nước đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ theo phương châm “dân biết, dân

làm, dân kiểm tra”, tiết kiệm chi phí và tạo ra hiệu quả kinh tế,

chính trị, xã hội to lớn. Phương thức quản lý của NHCSXH không chỉ đạt mục tiêu quản lý tín dụng chính sách có hiệu quả mà còn tạo điều kiện tiên quyết về tổ chức thực hiện lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội với chương trình tín dụng, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, khuyến ngư; tạo điều kiện cho chính quyền, ngân hàng, các đoàn thể chính trị - xã hội nhất là cấp cơ sở thường xuyên tiếp cận với nhân dân và ngược lại đã khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia, đóng góp xây dựng chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, tham gia quản lý, xây dựng NHCSXH.

2. Khó khăn, bất cập

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình hoạt động của NHCSXH còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Nếu thành công lớn nhất của NHCSXH trong 5 năm qua là đã tổ chức có hiệu quả việc chuyển tải nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng, thì tồn tại lớn nhất là chưa xây dựng được chiến lược nguồn vốn ổn định, lâu dài. NHCSXH là tổ chức tài chính Nhà nước, là công cụ để triển khai các chính sách, chế độ an sinh xã hội nên vốn của ngân hàng là vốn Nhà nước. Tuy nhiên, việc bố trí vốn trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước còn bất cập, còn có khoảng cách rất xa giữa nhu cầu vốn của các chương trình an sinh xã hội do Nhà nước giao cho NHCSXH thực hiện với thực tế vốn được bố trí trong kế hoạch hàng năm (gồm vốn

cho chương trình, vốn điều lệ, vốn cấp bù chênh lệch lãi suất), dẫn tới bị động, chắp vá cho cả các cơ quan chức năng và NHCSXH. Trong khi đó, một số quy định về nguồn vốn trong Nghị định 78 chưa được triển khai đồng bộ; chưa mở được các dịch vụ tiền gửi tiết kiệm tự nguyện và bắt buộc, tiền gửi thanh toán; chưa tranh thủ được nguồn vốn nhân đạo trong và ngoài nước; chưa tiếp cận được với các nguồn vốn ODA, các nguồn vốn có lãi suất thấp và ổn định hơn.

Khách hàng của NHCSXH là những đối tượng chính sách xã hội được Nhà nước quy định theo tiêu chí phân loại do Nhà nước Trung ương hoặc địa phương quy định và do cấp xã điều tra, công nhận. Tuy nhiên, công tác này còn rất nhiều tồn tại. Danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn phục vụ cho nhiều chính sách khác nhau, nhưng do việc phân giao trách nhiệm quản lý, tổ chức điều tra, thống kê, cập nhật số liệu chưa thật khoa học, không sát thực tế, đã tạo ra những kẽ hở trong quản lý, hình thành nhiều danh sách khác nhau ở cơ sở, gây khó khăn cho NHCSXH trong việc thực hiện chính sách của Nhà nước và dẫn tới sự mất công bằng giữa các địa phương.

Ngoài ra, còn những bất cập khác như thiếu cơ chế gắn kết thống nhất và hiệu quả để lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên một địa bàn, thiếu sự gắn bó chặt chẽ và thường xuyên giữa các cơ quan chủ quản chương trình với NHCSXH trong quá trình xây dựng chính sách, thực hiện chương trình, đặc biệt trong công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả của chương trình. HĐQT ở Trung ương và các Ban đại diện HĐQT ở địa phương hoạt động chưa đồng đều, có nơi cả năm chỉ tổ chức họp được một vài kỳ. Công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế, có thành viên cả nhiệm kỳ không thực hiện được chương trình kiểm tra, giám sát đã đề ra. Cơ chế uỷ thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội cũng nảy sinh một số bất cập như chưa chú ý đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ TK&VV, việc sử dụng vốn vay của các tổ viên và việc đôn đốc thu nợ, chưa phân biệt rõ ràng chức năng của các tổ chức chính trị - xã hội trong quản lý Tổ TK&VV với chức năng tác nghiệp của Tổ TK&VV...

Và một thực tế đáng quan ngại, chế độ tài chính của NHCSXH tuy đã được bổ sung, điều chỉnh nhiều lần nhưng chưa có tính ổn định, chưa tạo thế chủ động cho NHCSXH và chưa thực sự kích thích đội ngũ cán bộ gắn bó với công việc.

3. Giải pháp và định hướng thời gian tới

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (2006 - 2010), NHCSXH tập trung huy động, khai thác các nguồn lực tài chính không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp, tranh thủ các nguồn tài trợ nhân đạo trong và ngoài nước để lập quỹ đầu tư cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi, phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, đặc biệt coi trọng thu hồi nợ đến hạn để tái đầu tư quay vòng vốn. Bảo đảm 100% vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến được với hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác; tất cả hộ nghèo có nhu cầu vay vốn đều được hỗ trợ và tư vấn cách thức sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất theo hướng chuyển mạnh sang đầu tư theo các chương trình dự án nhỏ, đơn giản, dễ tính toán, tạo điều kiện cho người nghèo tập dượt cách làm ăn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Phấn đấu đạt mức tăng trưởng dư nợ chung cho các chương trình (bao gồm cả chương trình cho vay học sinh, sinh viên) trong giai đoạn 2008 - 2010 khoảng 30 - 35%/năm. Tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh chính sách, cơ chế quản lý, đặc biệt là cơ chế huy động nguồn vốn, cơ chế tín dụng và cơ chế tài chính. Đến năm 2010, các chi phí quản lý ngành (trừ chi phí lãi suất huy động vốn), được thực hiện trên cơ sở nguồn thu lãi cho vay và nguồn thu các dịch vụ ngân hàng. Ngân hàng tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý đã xác định, củng cố và hoàn thiện phương thức uỷ thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ TK&VV, Tổ giao dịch lưu động và Điểm giao dịch tại xã. Đặc biệt, NHCSXH có kế hoạch trang bị đủ các phương tiện làm việc, nhất là hệ thống tin học, thay thế quy trình công nghệ thủ công, năng suất lao động thấp để giải quyết những khó khăn về tổ chức mạng lưới, về nhân lực và điều hành tác nghiệp của hệ thống. Tiếp tục đổi mới cơ chế điều hành gọn nhẹ, bỏ cầu cấp trung gian, khuyến khích tính năng động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm từ cơ sở; cải tiến thủ tục và quy trình nghiệp vụ đơn giản, dễ làm, tránh gây phiền hà cho khách hàng. Thực hành

tiết kiệm chống lãng phí, tham ô, giảm chi phí giao dịch tối thiểu cho khách hàng và ngân hàng.

Phấn đấu đến năm 2020, NHCSXH có nguồn lực tài chính đủ mạnh, đa dạng kênh tín dụng chính sách; có khả năng đáp ứng nhu cầu vốn chính sách, phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, góp phần phát triển thị trường tài chính ở nông thôn; cung cấp tín dụng chính sách có ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, vùng khó khăn, vùng dân tộc ít người chưa có điều kiện tiếp cận với tín dụng thương mại để giúp họ có điều kiện phấn đấu vươn lên làm chủ cuộc sống, góp phần giữ gìn sự ổn định chính trị, xã hội.

Một phần của tài liệu Phát triển hệ thống ngân hàng việt nam (Trang 79 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w