II. Việc thực thi các quy định của Pháp luật về Quản trị nội bộ tại Công ty cổ phần chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương
1 Đại hội đồng cổ đông:
1.1 Khái niệm
Theo quy định tại khoản 1 điều 96 của Luật Doanh nghiệp 2005 thì:
"Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần"
Thẩm quyền về quản trị nội bộ của ĐHĐCĐ phụ thuộc vào nhiệm vụ và quyền hạn của ĐHĐCĐ do Pháp luật và Điều lệ Công ty quy định.
1.2 Thẩm quyền của ĐHĐCĐ
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Công ty Châu Á Thái Bình Dương, thẩm quyền của ĐHĐCĐ được tựu trung lại như sau
Đại hội đồng cổ đông có các quyền và nhiệm vụ dưới đây: a) Thông qua định hướng phát triển của công ty;
b) Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hàng năm của từng loại cổ phần, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát;
d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty;
đ) Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, trừ trường hợp điều chỉnh vốn điều lệ do bán thêm cổ phần mới trong phạm vi số lượng cổ phần được quyền chào bán;
e) Thông qua báo cáo tài chính hàng năm;
g) Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại;
h) Xem xét và xử lý các vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty;
i) Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty;
Trong số những nhiệm vụ và quyền hạn kể trên của Đại hội đồng cổ đông, ta thấy rằng thẩm quyền quản trị công ty của ĐHĐCĐ là thẩm quyền vĩ mô. Quyết định của ĐHĐCĐ thông thường được cụ thể hóa và thực hiện thông qua Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc. Trên thực tế, tính vào thời điểm này, Công ty chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương chính thức hoạt động được 16 tháng nhưng ĐHĐCĐ mới tiến hành họp lần thứ nhất( khi thành lập công ty). Vậy nên căn cứ vào biên bản họp ĐHĐCĐ lần thứ nhất, hoạt động của ĐHĐCĐ mới chỉ dừng lại ở những công việc như sau:
- Thông qua định hướng phát triển Công ty
- Bầu thành viên HĐQT và thành viên Ban Kiểm soát
- Thông qua dự thảo báo cáo tài chính cho năm 2007.
Công ty chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương tăng vốn điều lệ và sửa đổi điều lệ 02 lần. Lần thứ nhất vào ngày 01 tháng 10 năm 2007 và lần thứ hai vào ngày 15 tháng 01 năm 2008. Trong hai lần tăng vốn này, ĐHĐCĐ không tiến hành họp mà việc biểu quyết tán thành thông qua hình thức gửi văn bản.
1.3 Họp ĐHĐCĐ
Tất cả hoạt động và quyết định của ĐHĐCĐ đều xuất phát từ kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên hoặc bất thường. Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp 2005 và Điều lệ Công ty chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương, Hội đồng quản trị phải triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường trong các trường hợp sau:
a. Hội đồng quản trị xét thấy cần thiết vì lợi ích của Công ty;
b. Bảng cân đối kế toán hàng năm, các báo cáo quý hoặc nửa năm hoặc báo cáo kiểm toán của năm tài chính phản ánh vốn điều lệ đã bị mất một nửa;
c. Khi số thành viên của Hội đồng quản trị ít hơn số thành viên mà luật pháp quy định hoặc ít hơn một nửa số thành viên quy định trong Điều lệ;
d. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ trên 5% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục từ sáu tháng trở lên yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bằng một văn bản kiến nghị. Văn bản kiến nghị triệu tập phải nêu rõ lý do và mục đích cuộc họp, có chữ ký của các cổ đông liên quan (văn bản kiến nghị có thể lập thành nhiều bản để có đủ chữ ký của tất cả các cổ đông có liên quan);
e. Ban kiểm soát yêu cầu triệu tập cuộc họp nếu Ban kiểm soát có lý do tin tưởng rằng các thành viên Hội đồng quản trị hoặc cán bộ quản lý cấp cao vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ của họ theo Điều 119 Luật Doanh nghiệp hoặc Hội đồng quản trị hành động hoặc có ý định hành động ngoài phạm vi quyền hạn của mình;
Tại Công ty chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương, số liệu thực tế ghi nhận là chưa có diễn biến nào thuộc một trong năm trường hợp kể trên dẫn đến việc tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường, do đó trong chuyên đề thực tập chuyên đề này không làm rõ vấn đề họp bất thường.
Căn cứ vào khoản 2 Điều 103 Luật Doanh nghiệp 2005 thì Chủ tịch Hội đồng quản trị làm chủ toạ các cuộc họp do Hội đồng quản trị triệu tập. Trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt hoặc tạm thời mất khả năng làm việc, các thành viên còn lại bầu một người trong số họ
làm chủ toạ cuộc họp. Trường hợp không có người có thể làm chủ toạ thì thành viên Hội đồng quản trị có chức vụ cao nhất điều khiển để Đại hội đồng cổ đông bầu chủ toạ cuộc họp trong số những người dự họp và người có số phiếu bầu cao nhất làm chủ toạ cuộc họp. Trong các trường hợp khác, người ký tên triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông điều khiển để Đại hội đồng cổ đông bầu chủ toạ cuộc họp và người có số phiếu bầu cao nhất làm chủ toạ cuộc họp.