3.3.1.1. Hoàn thiện công tác tạo nguồn hàng xuất khẩu
Nông sản là sản phẩm của nông nghiệp, vì vậy đây là mặt hàng chịu tác động trực tiếp của yếu tố tự nhiên và mang tính chất mùa vụ. Vì vậy, để bảo đảm cho hoạt động xuất khẩu được tiến hành một cách liên tục và thường xuyên vào tất cả các thời điểm trong năm thì nguồn hàng xuất khẩu phải luôn được duy trì ổn định, nhất là trong khoảng thời gian trái vụ. Do vậy, công tác tạo nguồn
hàng xuất khẩu là khẩu quan trọng mà bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nào trong đó có công ty Cổ Phần Tập Đoàn Thái Sơn cũng phải coi trọng đầu tiên nếu muốn đạt được hiệu quả trong kinh doanh.
Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Thái Sơn tuy đã có trên 10 năm kinh nghiệm
kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu hàng nông sản nhưng hoạt động tạo nguồn hàng của công ty hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế dù ban lãnh đạo công ty đã ý thức được tầm quan trọng của hoạt động này và đã có những sự chú trọng đáng kể. Hoạt động thu mua của công ty phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ chuyên đi thu mua trực tiếp hoặc thông qua trung gian trong khi đó đội ngũ kiểm tra chất lượng hàng nông sản thu mua còn chưa đảm bảo kiểm tra chất lượng hàng theo đúng tiếu chuẩn. Do vậy, hàng nông sản thu mua được tuy có lớn về số lượng nhưng chất lượng lại chưa cao. Bên cạnh đó, hiện nay công ty cũng chưa thiết lập được kênh thu mua tại các địa phương do đó nguồn hàng của công ty còn chưa ổn định và nhiều khi rơi vào tình trạng khan hiếm khi trái vụ, công ty dễ bị ép giá và phải mua với giá trị cao hơn để đảm bảo được hợp đồng đã ký.
Để giải quyết tình trạng này, công ty cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, lâu dài và ổn định với các chủ vườn, các địa phương. Điều mà doanhg nghiệp cần là một nguồn hàng có chất lượng cao và ổn định, điều mà người nông dân cần là nguồn thu ổn định. Khi trái vụ hàng hóa có chất lượng không cao thì sản phẩm của nông dân vẫn đảm bảo được tiêu thụ, khi được mùa thì sản phẩm của họ không bị ép giá còn đối với doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng luôn bảo đảm được nguồn hàng ổn định và không bị ép giá khi hàng hóa khan hiếm. Vì vậy, mối quan hệ này phải được xây dựng dựa trên sự có lợi cho cả 2 bên: doanh nghiệp và địa phương. Một doanh nghiệp muốn đạt được hiệu quả trong kinh doanh thì cần phải làm tốt được điều này.
Muốn vậy, điều đầu tiên doanh nghiệp cần nghiên cứu tình hình thực tế tại các địa phương cung ứng nguồn hàng, lựa chọn và ký kết những hợp đồng thu
mua nông sản đối với các chủ vườn, trong đó ghi rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bên tham gia, các điều khoản xử lý rõ ràng khi có những trường hợp phát sinh do biến động của thị trường cũng như mùa vụ bởi đây là đặc điểm của mặt hàng nông sản.
Bên cạnh đó, khi đã xác định những địa phương để ký kết hợp đồng thu mua, để đảm bảo cho công tác thu mua được tiến hành một cách thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho cả doanh nghiệp và người nông dân, doanh nghiệp có thể thuê có một số đại lý thu mua ngay tại địa phương đó, đầu tư cơ sở vật chất, khuyến khích họ gom hàng, thu mua hàng cho công ty, biến họ thành một kênh trung gian cung cấp hàng cho công ty.
Ngoài ra, doanh nghiệp và người nông dân còn có thể hợp tác cùng sản xuất thông qua hoạt động như doanh nghiệp hỗ trợ vốn cho người nông dân để người nông dân mua giống tốt, phân bón…tiến hành gieo trồng, sau khi họ thu hoạch, doanh nghiệp lại tiến hành thu mua lại, tạo ra đầu ra ổn định cho sản phẩm mà người nông dân tạo ra.
3.3.1.2. Nâng cao chất lượng của khâu bảo quản, dự trữ hàng nông sản
Chất lượng của hàng nông sản chịu ảnh hưởng rất lớn của điều kiện thời tiết, chỉ cần một thay đổi nhỏ của thời tiết cũng làm cho chất lượng của hàng nông sản bị giảm sút đáng kể do sự tấn công của nấm mốc, sâu bệnh. Vì vậy, hoạt động bảo quản, dự trữ là hoạt động quan trọng quyết định đến chất lượng của hàng nông sản. Để làm tốt được công tác này, công ty phải chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng, kho bãi theo đúng tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo cho công tác bảo quản được tiến hành một cách thuận lợi. Dự trữ, bảo quản tốt có nghĩa là nguồn hàng xuất khẩu của công ty được đảm bảo với chất lượng ổn định. Điều này mang lại hiệu quả cao trong kinh doanh xuất khẩu cho công ty khi mà công ty đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của các thị trường trên thế giới trong đó có thị trường EU và thị trường Mỹ vốn là 2 thị
trường xuất khẩu hàng nông sản chủ lực của công ty.
3.3.1.3. Nhanh chóng đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản ( HACCP)
Mặt hàng nông sản muốn có được đầu ra ổn định, giá cao trên thị trường trong nước cũng như quốc tế đòi hỏi phải đạt được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng, mẫu mã. Các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm (HACCP) đã trở thành chìa khoá cho các doanh nghiệp xuất khẩu thâm nhập vào các thị trường nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới WTO. Nắm bắt được xu thế này, công ty Cổ Phần Tập Đoàn Thái Sơn đã ý thức được rõ ràng vấn đề nâng cao chất lượng của các mặt hàng nông sản nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các thị trường mà công ty tiến hành kinh doanh.
Hiện nay, mỗi quốc gia trên thế giới tồn tại một tiêu chuẩn riêng về vệ sinh an toàn thực phẩm, các mặt hàng nông sản muốn phải đáp ứng được các tiêu chuẩn này mới có thể được tiêu thụ trên các thị trường này. Tuy nhiên, khi quá trình hội nhập kinh tế đã trở nên sâu rộng thì phần lớn các nước trên thế giới hiện nay đều công nhận tiêu chuẩn cao nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP. Vì vậy, công ty Cổ Phần Tập Đoàn Thái Sơn phải nâng cao ý thức và chủ động trong việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh tiên tiến nhất bằng cách:
- Xây dựng và đào tạo một đội ngũ cán bộ chuyên môn hiểu rõ về các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm để kiểm tra và giám sát đối với các mặt hàng nông sản mà công ty đang kinh doanh.
- Chủ động đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến áp dụng quy trình chế biến hàng nông sản theo tiêu chuẩn HACCP.
- Đối với mỗi mặt hàng, xây dựng một chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt từ A – Z của dây chuyền sản xuất, bắt đầu từ khâu trồng trọt, canh tác, thu hoạch, thu mua, dự trữ và chế biến.
3.3.1.4. Xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng như của công ty
Trong những năm qua, hàng nông sản của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô là chủ yếu, nếu có thì cũng chỉ qua sơ chế cơ bản, hàm lượng chế biến còn thấp. Bên cạnh đó, chất lượng của hàng nông sản Việt Nam thiếu sự ổn định theo thời gian, khi thì cao, khi thì lại rất thấp nên giá cả của hàng nông sản Việt Nam thường thấp, bị ép giá do kém chất lượng và không đáp ứng được với lượng cầu tăng thường xuyên và liên tục tại các thị trường nhập khẩu. Hơn nữa, hàng nông sản của Việt Nam khi tham gia vào thị trường nước ngoài thường đã được các công ty nhập khẩu chế biến và đổi tên thành thương hiệu của công ty đó. Do vậy, hàng nông sản của Việt Nam gần như không có thương hiệu và không được người tiêu dùng trên thế giới biết đến.
Hiện nay, nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của công ty Cổ Phần Tập Đoàn Thái Sơn nói riêng và Việt nam nói chung. Hoạt động xuất khẩu nông sản đem lại nguồn thu lớn ngoại tệ cho các doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thị trường nông sản thế giới đã diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nông sản. Thái Lan là đối thủ của Việt Nam về xuất khẩu gạo, Brazil là đối thủ về xuất khẩu cà phê, Ấn Độ là đối thủ về điều nhân còn trong xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam không có đối thủ. Việc thiếu vắng một thương hiệu cho đã làm cho hàng nông sản của Việt Nam mất đi lợi thế so với đối thủ cạnh tranh trong việc quyết định sự lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng cũng như giá cả của lô hàng xuất khẩu do chịu sự chi phối của giá cả trên thị trường thế giới. Vì vậy, xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản của Việt
Nam là một bước đi quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn đạt được hiệu quả kinh doanh tương xứng với tiềm năng của doanh nghiệp.
Việc xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam là một hoạt động mang tính quốc qua. Nó đòi hỏi một chiến lược cụ thể với các hoạt động đầu tư, quảng bá thương hiệu, giới thiệu và tuyên truyền thông qua các hội chợ hay các hoạt động thương mại giữa các quốc gia để thương hiệu hàng nông sản của Việt Nam đến được với người tiêu dùng, được người tiêu dùng quyết định lựa chọn trong vô vàn những thương hiệu hàng nông sản đến từ các quốc gia khác. Để thực hiện được chiến lược này, điều đầu tiên mà hàng nông sản Việt Nam cần đạt được là sự ổn định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…Do vậy, để xây dựng được thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam, các doanh nghiệp cần nắm vững được điều cơ bản trên và có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhà nước để tạo ra một thương hiệu hàng nông sản Việt Nam uy tín, chất lượng được nhiều người biết đến.
3.3.1.5. Đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, từng bước chuyển từ xuất khẩu sản phẩm thô sang sản phẩm đã qua chế biến
Trong những năm qua, Thái Sơn là một trong những công ty xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực cà phê và hạt tiêu. Những mặt hàng này được công ty xuất khẩu chủ yêu dưới dạng thô, chưa qua chế biến, do vậy giá trị xuất khẩu thường thấp. Hơn nữa trong thời gian gần đây, đã và đang có rất nhiều công ty trong nước và quốc tế tham gia vào lĩnh vực này tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, trước tình hình đó, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, từng bước chuyển sản phẩm thô sang sản phẩm đã qua chế biến được coi là bước đi quan trọng của công ty.
Trong giai đoạn đầu, công ty sẽ tiến hành đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng máy móc, nhà xưởng chế biến…để tiến hành từng bước chuyển các sản phẩm thô sang sản phẩm đã qua chế biến có chất lượng cao. Đối với mặt
hàng cà phê, công ty có thể nghiên cứu dựa trên nguồn vốn hiện có để xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan, vốn được coi là sản phẩm được ưa chuộng nhất tại các thị trường trên thế giới hiện nay do nó đáp ứng được với yêu cầu tiện lợi và nhanh chóng của nhịp sống công nghiệp.
Ngoài ra, công ty còn tiến hành nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu mới khác bên cạnh các mặt hàng truyền thống, từng bước cho xây dựng và nhanh chóng đi vào hoạt động các nhà máy chế biến những sản phẩm này để tạo ra được danh mục hàng nông sản xuất khẩu phong phú, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường quốc tế. Tuy trong giai đoạn đầu, Thái Sơn sẽ gặp phải những khó khăn rất lớn nhưng công ty có thể xin sự hỗ trợ về vốn, các ưu đãi về tín dụng từ phía Nhà nước để giảm bớt những khó khăn về vốn, có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Khi công tác chế biến được coi trọng và các sản phẩm xuất khẩu chế biến có chất lượng cao chiếm một tỉ trọng lớn thì trong tương lai, xây dựng khu chế biến là một trong những biện pháp mà công ty nên và cần hướng tới. Vì vậy, thực hiện được giải pháp này đồng nghĩa với các mặt hàng xuất khẩu của công ty đã được nâng lên một tầm cao mới về chất lượng, giá trị xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu của công ty sẽ đạt được hiệu quả tương xứng với tiềm năng thực sự của công ty.