Một điểm bất lợi cho việc sản xuất hàng may mặc Việt Nam là không có sẵn nguồn nguyên phụ liệu. Theo thống kê, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu 70% nguyên phụ liệu may mặc để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Chính vì phải nhập khẩu quá lớn nên giá thành sản phẩm sẽ bị đẩy lên cao, so với Trung Quốc giá thành các sản phẩm may mặc Việt Nam cao hơn khoảng 20-30% so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Thêm nữa là nhập khẩu số lượng lớn nguyên phụ liệu sẽ làm cho ngành dệt may Việt nam phải chịu
sức ép của các nhà cung cấp nước ngoài và gặp khó khăn khi thực hiện những đơn hàng lớn.
Tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu này một phần là do sự phát triển mất cân đối giữa ngành dệt và ngành may. Hiện nay, chỉ có 30% sản phẩm ngành dệt đáp ứng được nhu cầu cho hàng may xuất khẩu. So với các nước trong khu vực, năng suất lao động của ngành dệt của nước ta chỉ bằng 30-50%.
Với thực trạng trên, nhà nước có chiến lược quy hoạch nhằm phát triển vùng nguyên phụ liệu trong nước. Ngành dệt may cần kết hợp với ngành nông nghiệp để phát triển các vùng trồng bông, tăng diện tích trồng bông ở Tây Nguyên và mở rộng ra các vùng khác.
Cần mời các chuyên gia kỹ thuật giỏi ở các nước nổi tiếng về trồng bông trên thế giới như Hoa Kỳ, úc tư vấn, giám sát về kỹ thuật trồng bông để tạo ra bông có chất lượng cao đáp ứng được tiêu chuẩn để sản xuất hàng may xuất khẩu.
Phát triển ngành dệt để đuổi kịp ngành may. Cần tạo ra được các sản phẩm sợi, vải đủ tiêu chuẩn cho mặt hàng may xuất khẩu hay đảm bảo cho mặt hàng dệt. Muốn vậy nhà nước cần có quy hoạch cụ thể về việc phát triển nguyên liệu các loại tơ cho ngành dệt, có những chính sách ưu đãi và hỗ trợ kỹ thuật cho vùng này.
Và để đảm bảo đầu ra cho nguyên phụ liệu sản xuất trong nước, nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu nâng tỷ lệ nội địa hoá thông qua các chính sách ưa đãi về thuế quan.