III. NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHÍNH TẠO NÊN HẠN CHẾ.
2. Thiếu đảm bảo về đất đai.
Trong nông nghiệp, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt. Theo Tổng cục Địa chính, đến năm 1998, Việt Nam mới sử dụng khoảng 67.57% diện tích đất tự nhiên, bình quân đầu người là khoảng 2790 m2. Còn khoảng 10.6 triệu ha đất chưa được sử dụng (32.4%), nhưng phần lớn là đồi dốc, thiếu nước, lại bị sói mòn, thoái hoá, diện tích đất bằng có thể dùng cho trồng trọt hầu hết là đất mặn, phèn ngập úng, muốn khai thác phải có nhiều vốn. Với dân số và NNL ngày càng tăng ở nông thôn, làm cho quỹ đất của VN tính bình quân đầu người vốn đã vào loại thấp nhất thế giới lại càng ít hơn, khó khăn nhiều hơn cho việc tạo công ăn việc làm ở nông thôn. Trong thực tế, tổng diện tích đất nông nghiệp của nước ta lại dành tới 70 % để trồng lúa, nhưng hiện việc thâm canh cây lúa đã đến giới hạn trong việc thu hút thêm lao động so với các cây trổng khác, làm cho hiệu quả sử dụng không cao. Ngoài ra, hiện nay hệ số sử dụng đất bình quân cả nước là 1,4; Miền Bắc là 1,2. Hiện có 445 ngàn hộ nông dân không có đất.
Một ví dụ nhỏ dưới đây sẽ cho ta thấy tình hình thiếu đất trong nông nghiệp với nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Kuniaki Baba, Giám đốc Công ty TNHH trồng rừng Quy Nhơn, kể rằng, công ty ông cần mở rộng diện tích đất trồng rừng nguyên liệu để cung cấp cho nhà máy chế biến giấy tại Nhật. Song, đã nhiều ngày qua, dự án của công ty "án binh bất động" vì không thuê được đất. Không chỉ riêng ông Kuniaki Baba, nhiều vị lãnh đạo DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nông nghiệp cũng đang kêu cứu về tình trạng thiếu đất sản xuất, hoặc không thể có đất để tạo vùng nguyên liệu. Ở một Bộ chuyên về sản xuất nông nghiệp, việc thiếu đất nghe như chuyện đùa, nhưng lại hoàn toàn là sự thật.