II. Các giải pháp nhằm hoàn thiện quá trình thực hiện hợp đồng nhập khẩu uỷ thác tại Tổng công ty Giấy Việt Nam
2. Về phiá Nhà nước và các đơn vị có liên quan
2.1. Về phía Nhà nước
Để có thể khuyến khích thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu , Nhà nước cần phải có những chính sách hợp lý và kịp thời. Nền kinh tế nước ta vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Chính vì vậy mọi hoạt động kinh tế để có sự kiểm soát của nhà nước. Hoạt động nhập khẩu và nhập khẩu uỷ thác
nói riêng vì thế cũng không nằm ngoài sự quản lý đó. để thực hiện hợp đồng uỷ thác đạt hiệu quả cao thì không những đòi hỏi có sự nỗ lực của doanh nghiệp mà còn đòi hỏi nhà nước ban hành chính sách chế độ trong điều hành nhập khẩu một cách hợp lý
2.1.1 Vấn đề thủ tục hành chính
- Để tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng công ty trong quá trình nhập khẩu , Nhà nước nên giảm một số thủ tục giấy tờ đồng thời trong quá trình xét duyệt giấy phép các cấp ngành phụ trách vấn đề này cần phải có thái độ làm việc đúng đắn nhằm giảm bớt phiền hà, thời gian chờ đợi và tốn kém chi phí cho các công ty.
- Chính phủ cần ban hành những quy định cụ thể về cách thức phối hợp quản lý hoạt động xuất nhập khẩu của các bộ, cơ quan nhà nước nhằm tránh tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả thậm chí gây khó khăn cản trở hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng công ty.
2.1.2 Thuế nhập khẩu
Thuế là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách Nhà nước, là nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp . Chính sách thuế là nhất quán với mọi tổ chức kinh doanh, tuy nhiên cần phải xem xét lại vấn đề này với ngành giấy nói chung và Tổng công ty Giấy Việt Nam nói riêng:
- Vốn đầu tư ban đầu khá lớn, khấu hao lâu, lợi nhuận thấp , hoàn trả vốn so với một số ngành khác là chậm hơn vì vậy ít đối tác liên doanh hoặc đầu tư. Trước tình trạng đó để khuyến khích đầu tư phát triển ngành , Nhà nước nên có biểu thuế ưu đãi đối với ngành.
- Một số nhà máy giấy là do chính phủ các nước viện trợ nên khi nhập thiết bị phụ tùng thay thế, nhà nước cần có chính sách miễn hoặc đánh thuế thấp.
Ngoài ra Nhà nước cũng cần có các chính sách bảo hộ trước mắt để chuẩn bị cho quá trình hội nhập AFTA:
- Trước mắt Nhà nước cần tiếp tục duy trì mức thuế nhập khẩu như hiện nay đối với giấy in báo các loại, giấy viết, bìa cát tông các loại và áp dụng cho bất kỳ các đối tượng doanh nghiệp xuất nhập nước ta với nước ngoài.
- Nhà nước cũng cần có cơ chế ổn định về chính sách một cách đồng bộ, đổi mới chính sách về tài chính để phù hợp với luật tài chính hiện nay như: Nhà nước đảm bảo vốn đầu tư ban đầu và vốn lưu động theo luật định cho các doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện cơ chế tạo vốn cho doanh nghiệp từ các nguồn khấu hao, lợi tức..
- Kéo dài thời gian khấu hao thiết bị máy móc đầu tư mới.
- Nới lỏng quy định về bảo lãnh cho các cơ sở giấy vay vốn nước ngoài để đầu tư đổi mới công nghệ.
Việc có các chính sách bảo hộ là vô cùng cần thiết không chỉ cho ngành giấy nói riêng mà cho các ngành công nghiệp hiện nay, có như vậy hàng Việt Nam mới đủ sức đối đầu với các hàng hoá của nền công nghiệp phát triển từ các nước trong khu vực tràn vào. Ngay từ bây giờ nhà nước cần ban hành ngay danh mục các mặt hàng giấy cấm nhập theo thời gian, danh mục được hiệu chỉnh linh hoạt theo tình hình sản xuất trong nước và nhu cầu trong nước và nhu cầu thị trường. Đồng thời kiên quyết hơn nữa trong việc ngăn chặn Hàng nhập lậu, có thể kết hợp đánh thuế nặng tại nơi tiêu thụ đối với các hàng hoá hạn chế nhập khẩu
2.1.3 Chính sách vay vốn
Nhằm khuyến khích phat triển đầu tư ngành giấy, Nhà nước cần cho Tổng công ty thực hiện một số cơ chế đặc thù như:
- Vay vốn ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi - Mức lãi vay cho đầu tư mở rộng là 0,3%/tháng
- Mức lãi cho vay nhập đầu vào sản xuất giấy là 0,35%/tháng
- Được quyền huy động vốn từ các nguồn khác để liên doanh, liên kết hợp tác kinh doanh
Có như vậy mới tạo điều kiện và cơ hội cho ngành giấy có thể cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chung của khu vực và trên thế giới.
2.2 Về phía các đơn vị liên quan (Ngân hàng)
Ngân hàng TW cần đưa ra các biện pháp nhằm giữ cho thị trường tiền tệ trong nước ổn định, tránh cho Tổng công ty những rủi ro về tài chính, rủi ro hối đoái trong công tác xuất nhập khẩu của mình. Ngân hàng TW cần có chính sách thích hợp ổn định tỷ giá, đặc biệt trong những năm tới cung về ngoại tệ sẽ tăng lên do các nguồn vốn ngoại tệ tràn vào trong nước gây sức ép tăng giá đồng VNĐ. Do đó phải phối hợp linh hoạt các chính sách tài chính tiền tệ để ngăn ngừa xu hướng nay, hạn chế biến động lớn về tỷ giá. Ngân hàng TW nên đưa ra mức lãi suất cho các doanh nghiệp vay hợp lý, sao cho có hiệu quả với cả hai bên, cần tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách và cơ chế quản lý ngoại hối.
Cuối cùng cần phải hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao trình độ đội ngũ những nhà chuyên môn, tăng cường công tác quản lý.
Tóm lại, với những nỗ lực của nhà nước, của các đơn vị liên quan sẽ góp phần tạo ra thị trường kinh doanh sản xuất ổn định hơn cho Tổng công ty Giấy Việt Nam , tạo điều kiện để Tổng công ty làm ăn có hiệu quả.
KẾT LUẬN
Có thể nói rằng xu thế hội nhập và toàn cầu hoá đã mang lại cho nền kinh tế Việ Nam sức sống mới. Hàng hoá đã trở nên đa dạng hơn, người tiêu dùng được lựa chọn thoả mái. Tổng công ty giấy Việt Nam cũng như nhiều đơn vị khác trong quá trình tham gia hoạt động buôn bán với nước ngoài đã không ngừng hoàn thiện mình, tứng bước tháo gỡ khó khăn về vốn và thực hiện tốt hợp đồng nhập khẩu. Trong thời gian qua Tổng công ty gặp không ít khó khăn nhưng Tổng công ty đã luôn phấn đấu vượt qua mọi trở ngại của việc thực hiện hợp đồng nhập khẩu uỷ thác và hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh của mình. Việc đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình nhập khẩu uỷ thác trên đây chỉ là ý kiến riêng của cá nhân em để Tổng công giấy Việt Nam xem xét và lựa chọn
Do trình độ nhận thức và kinh nghiệm còn hạn chế nên luận văn không tránh khỏi thiếu sót. Em rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo và cán bộ nhân viên Tổng công ty Giấy Việt Nam để luận văn được tốt hơn.
Một lần nữa em xin chân thành cảm ơn thầy giáo Nguyễn Đức Khiên và các cán bộ phòng xuất nhập khẩu giúp đỡ để em hoàn thành luận văn.
Hà Nội ngày 19 tháng 5 năm 2003
Sinh viên