Năm 2007, nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Trong khi lãi suất cơ bản đồng VND do Ngân hàng Nhà nước công bố vẫn được duy trì ở mức 8,25%/năm (từ cuối
năm 2005), hàng loạt các ngân hàng trung ương các nước khác đã tăng lãi suất để đối phó với lạm phát.
- Tình hình thế giới:
Về đồng Đôla Mỹ: Nửa đầu năm 2007, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định vẫn duy trì lãi suất cơ bản của đồng USD ở mức 5,25%/năm do đà tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại và trước sức ép lạm phát có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, để làm giảm bớt e ngại về tín dụng gây ra sụt giảm kinh tế của nước Mỹ, đến đầu tháng 9/2007 FED đã quyết định cắt giảm 0.5% lãi suất cơ bản đồng đôla Mỹ xuống còn 4,5%/năm. Đến cuối năm, một lần nữa FED lại quyết định cắt giảm thêm 0,25% lãi suất cơ bản của mình. Đây là lần thứ 3 trong vòng 3 tháng, FED đã cắt giảm lãi suất cơ bản từ 5,25% xuống 4,25%/năm. Với sự thay đổi này của FED sẽ giúp nền kinh tế Mỹ tránh được một cuộc suy thoái và sẽ tăng trưởng với mức độ vừa phải vào thời gian tới. Theo dự đoán của giới tài chính, Fed có thể tiếp tục hạ lãi suất đồng đôla Mỹ vào quý tới. Có thể thấy, đồng đôla Mỹ trong năm nay liên tục mất giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Về đồng Nhân dân tệ: Trong tháng 3 NHTW Trung Quốc đã quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng tiền của mình với mức lãi suất tiền gửi 2,79%/năm, lãi suất tiền vay 6,39%/năm. Trung Quốc sẽ tăng đồng tiền của mình theo đúng lộ trình đã định, chứ không chịu sức ép của bất cứ giới tài chính cũng như các quốc gia nào kể cả Mỹ và Nhật.
Về đồng tiền chung châu Âu: , đầu tháng 6 NHTW châu Âu (ECB) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% lên 4% nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm phát có thể xảy ra do tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone). Đây là đợt tăng lãi suất lần thứ tám trong vòng 18 tháng qua, và đợt tăng lãi suất này có mức lãi suất cao nhất trong vòng hơn 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, từ sau khi tăng lãi suất đồng
Euro, đồng Euro vẫn tăng giá mạnh do NHTW Châu Âu dự kiến tiếp tục tăng lãi suất đồng Euro để kiềm chế lạm phát. Sau quyết định cắt giảm lãi suất đối với khoản nợ ngân hàng của Quỹ dự trữ liên bang Hoa Kỳ đã khiến đồng Euro giảm giá so với đồng USD. Tuy nhiên, trước những sự tăng trưởng không mấy khả quan của nền kinh tế Mỹ vào những tháng cuối năm, đồng Euro đột ngột tăng giá mạnh so với đồng đôla Mỹ. Vào thời điểm cuối tháng 12, 1 EUR đổi được khoảng 1,47 USD.
Về đồng Bạt Thái Lan: Năm nay, đồng Bạt Thái Lan cũng có một số biến động. Tháng 7/2007, đồng Bạt tăng giá mạnh, vượt ngưỡng 34 baht/USD. Một số nhà đầu tư Thái Lan kêu gọi NHTW Thái lan giúp giữ giá đồng Bạt tương ứng với các đồng tiền khác trong khu vực như đồng NDT, VNĐ,... Sự tăng giá của đồng Thái Lan so với tất cả các ngoại tệ mạnh cộng với sự bất ổn chính trị, chính sách kinh tế và giá lao động là nhân tố làm các nhà đầu tư nước ngoài dần rút khỏi Thái Lan, trong đó chủ yếu là các nhà đầu tư Nhật Bản.
Về đồng Bảng Anh: Vào thời điểm cuối năm, NHTW Anh đã quyết định cắt giảm 0,25% lãi suất cơ bản từ 5,75% xuống còn 5,5%/năm. So với cùng kỳ năm ngoái, đồng GBP tăng 1,5% so với đồng USD. Tuy nhiên, so với các đồng tiền mạnh khác như EUR thì đồng GBP không tăng nhiều so với đồng USD.
- Tình hình trong nước:
Trước những biến động về việc tăng lãi suất của các đồng tiền chủ chốt, NHNN Việt Nam vẫn quyết định duy trì mức lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam ở mức 8,25%/năm. Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định thị trường ngoại tệ trong nước, đầu năm 2007 NHNN đã ban hành quyết định về quy định liên quan đến giao dịch ngoại tệ của các TCTD được phép hoạt động ngoại hối, trong đó NHNN cho phép các TCTD được ấn định tỷ giá mua, bán với đồng USD không được vượt quá biên độ +/-0,5% với tỷ giá bình quân trên thị
trường ngoại tệ liên ngân hàng áp dụng cho ngày giao dịch do NHNN thông báo. Mặt khác, để tạo điều kiện cho các NHTM chủ động quy định tỷ giá mua bán áp dụng cho NH mình, đảm bảo ổn định thị trường ngoại tệ trong nước và kiềm chế lạm phát, vào thời điểm cuối năm nay, NHNN một lần nữa đã quyết định thay đổi biên độ tỷ giá mua bán USD/VNĐ giao ngay được phép giao dịch trong biên độ +/-0,75%.
Vào thời điểm tháng 10/2007, do lượng ngoại tệ đổ vào Việt Nam trong khi NHNN lại hạn chế mua vào để kiềm chế lạm phát nên một số NHTM đã hạn chế lượng mua vào của khách hàng vì dư cung ngoại tệ. Hiện nay, tình hình có vẻ khả quan hơn, các NHTM đã không hạn chế lượng mua vào của khách hàng nữa. Tuy nhiên, so với tỷ giá USD do NHNN công bố thì đồng USD của các NHTM hiện thấp hơn tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng do NHNN công bố hàng ngày.
- Về thị trường vàng: Năm nay, giá vàng liên tục biến động thất thường. Sau những biến động tăng giá mạnh vào những ngày sau Tết nguyên đán, sau đó giá vàng giảm xuống dưới ngưỡng 1,3 triệu đồng/chỉ. Trước sự biến động tăng giá của giá vàng thế giới, vào tháng 5/2007 giá vàng đột ngột tăng mạnh trên 1,5 triệu đồng/chỉ và sau đó lại giảm xuống mức 1,3 triêu đồng. Tuy nhiên, đúng như dự đoán của các nhà phân tích kinh tế, 2 tháng cuối năm nay giá vàng đã tăng mạnh. Vào cuối tháng 12, giá vàng thế giới đạt mức đỉnh điểm do đó đã đẩy giá vàng trong nước tăng mạnh tiến về ngưỡng trên 1.620.000đ/chỉ. Nguyên nhân chính của việc tăng giá này là do đồng đôla Mỹ mất giá nên giới đầu tư đã chuyển sang tích trữ vàng. Một nguyên nhân khác làm cho giá vàng tăng là giá dầu thế giới tăng mạnh do nguồn cầu nhiều trong khi đó một số nước OPEC cắt giảm lượng cung và nước Mỹ đã giảm lượng cung nguồn dự trữ của mình.
- Giá các hàng hoá trong nửa đầu năm nhìn chung ổn định. Tuy nhiên đến nửa cuối năm, giá cả tăng mạnh do tác động của dịch bệnh, lạm phát, cộng với quyết định tăng lương tối thiểu chung và lương tối thiểu vùng của cán bộ từ ngày 1/1/2008. Giá cả các mặt hàng lương thực và thực phẩm thiết yếu tăng mạnh. Giá các mặt hàng khác như gas, phân bón, sắt thép,... đều tăng do các yếu tố đầu vào vào thời kỳ tăng giá.