II- Giải pháp từ phía Công ty TNHH Tiếp Vận Thăng Long
1. Phát triển các dịch vụ logistics mũi nhọn của Công ty
1.1.Đầu tư phát triển dịch vụ cho thuê kho bãi
Công ty đã xây dựng Trung tâm tiếp vận Thăng Long (Dragon Logistics) vào năm 2002 nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng tăng và của các công ty hoạt động tại Khu Công nghiệp (KCN) Thăng Long và trên địa bàn Hà Nội. Trung tâm có kèm chức năng kho ngoại quan này do Công ty KCN Thăng Long và Công ty TNHH Tiếp Vận Thăng Long cùng góp vốn xây dựng. Khu nhà kho rộng 5.000 m2 và một bão container rộng 7.000 m2. Hai khu này đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu phân phối giao nhận của khách hàng. Trong tương lai sẽ mở rộng thêm 5 ha, trong đó diện tích khu kho chứa hàng sẽ là 10.000 m2. Trung tâm tiếp vận Thăng Long sẽ cung cấp các dịch vụ ưu đãi, đặc biệt là cho các khách hàng đang hoạt động trong KCN Thăng Long. Dragon Logistics sẽ hoạt động như một kho lưu giữ nguyên vật liệu và thành phẩm cho khách hàng trong KCN nhằm tiết kiệm diện tích kho bãi cho từng công ty. Khi hình thành kho ngoại quan, khách hàng có thể làm thủ tục hải quan ngay trong Dragon Logistics. Như vậy, hàng hoá khi nhập vào kho chưa phải làm thủ tục nhập khẩu và tính thuế. Chỉ khi nào hàng hoá xuất ra khỏi kho đưa vào nhà máy thì mới bắt đầu làm thủ tục này.
Kho ngoại quan là kho lưu giữ hàng hoá sau đây:
- Hàng hoá từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Hàng hoá xuất nhập khẩu phải lưu kho ngoại quan để làm những thủ tục cần thiết như:
- Tập kết hàng hoá xuất nhập khẩu thành lô, chuyến theo hợp đồng xuất nhập khẩu.
- Lưu kho, lưu bãi để chờ xuất hoặc nhập khẩu.
- Thực hiện kiểm tra, kiểm soát hàng hoá của Hải quan. - Kiểm định chất lượng hàng hoá.
- Kiểm tra y tế.
- Làm đồng bộ, đóng gói, phân loại. - Môi giới bán hàng.
Với chức năng là lưu giữ, bảo quản hàng hoá, kho ngoại quan phải có thiết kế, trang thiết bị phù hợp với dặc điểm bảo quản của từng loại hàng hoá nhằm bảo đảm giữ nguyên chất lượng, trạng thái ban đầu của hàng hoá hoặc hạn chế những thiệt hại do việc vận chuyển xếp dỡ hàng hoá gây ra.
Ngày nay, khối lượng trao đổi, buôn bán hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam với nước ngoài ngày càng tăng nhanh, đòi hỏi phải có sự mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng phục vụ của kho ngoại quan là một yêu cầu cấp bách, nhằm nâng cao năng lực xếp dỡ lưu chuyển hàng hoá của các cảng. Muốn vậy, Công ty phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ kinh doanh kho vận, giao nhận, kiểm tra hàng hoá, nghiệp vụ về giao dịch ngoại thương, có sự hiểu biết về luật pháp trong nước và quốc tế. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết kế xây dựng đường sá, kho bãi… với những trang thiết bị, phương tiện xếp dỡ, phân loại, đóng gói, bảo quản hiện đại phù hợp với đặc điểm của từng mặt hàng hoặc nhóm mặt hàng. Mặt khác phải xây dựng nội quy kho khoa học theo hướng kinh doanh và phục vụ tốt khách hàng. Đặc biệt kho ngoại quan là nơi diễn ra sự kiểm tra và quản lý
Nhà nước về xuất nhập khẩu hàng hoá, Công ty phải phối hợp với các cơ quan hữu trách, thực hiện tốt quy định của Nhà nước.
1.2. Phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức (VTĐPT)
1.2.1. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đa phương thức
Để nâng cao chất lượng dịch vụ VTĐPT ngoài các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm đảm bảo cho Công ty cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt nhất, giá thành dịch vụ thấp nhất, hoàn thành dịch vụ đúng thời hạn và độ tin cậy của dịch vụ được đảm bảo thì Công ty cần có sự nhận thức đầy đủ về VTĐPT và phải phát triển kết cầu hạ tầng đầy đủ, đồng bộ. Bên cạnh đó Công ty còn phải xem xét đến các yếu tố sau:
- Đơn giản hóa các thủ tục có liên quan tới vận tải và giao nhận hàng hóa.
- Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng VTĐPT. - Phối hợp chặt chẽ giữa các phương thức vận tải.
1.2.2. Tăng cường liên hiệp các vận tải đa phương thức
Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, không cần phải tất cả các phương thức vận tải tham gia phục vụ chuyên chở hàng hóa trong buôn bán quốc tế phải mạnh mới thực hiện quyền chuyên chở hàng hóa, mà trong quá trình mở rộng và phát triển kinh tế đối ngoại, phải coi trọng việc tăng cường liên kết các công ty vận tải trong nước và quốc tế để cho thị trường vận tải được thông suốt. Việc liên kết các công ty vận tải giúp cho việc khai thác phương tiện vận tải đi về nhiều chiều trên các đại dương theo những tuyến đường phù hợp và ổn định thông qua các công ty vận tải hoặc trung tâm giao nhận – vận chuyển dặt ở một số nước. Việc liên kết VTĐPT giúp cho người kinh doanh VTĐPT thâu tóm được tất cả mọi khâu của quá trình đưa hàng xuất nhập khẩu từ nơi sản xuất đến cơ sở của người mua.
Giáo dục và rèn luyện con nguời luôn là biện pháp quan trọng hàng đầu trong mọi lĩnh vực. Nó xuất phát từ nguyên tắc coi trọng con người. Người làm VTĐPT vừa là nhà giao nhận vừa là nhà tổ chức, nhà kiến trúc sư vận tải. Họ phải lựa chọn phương tiện, người vận tải thích hợp…để có hiệu quả kinh tế nhất. Điều đó đòi hỏi người làm vận tải phải có kiến thức sâu rộng về địa lý, thông hiểu luật lệ trong nước và quốc tế, nắm vững nghiệp vụ ngoại thương và phải biết sử dụng thành thạo các phương tiện thông tin điện tử. Bên cạnh đó, sự hiểu biết các lĩnh vực liên quan cũng là một vấn đề cần thiết như: hàng hải, ngân hàng, bảo hiểm…Do đó một giải pháp Công ty cần hết sức quan tâm, chú trọng đó là bồi dưỡng, đào tạo cán bộ công nhân viên. Để nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên, Công ty cần áp dụng các biện pháp sau:
- Tổ chức các khóa học theo hướng chuyên sâu kết hợp với khả năng kinh nghiệm nhiều phần việc liên quan.
- Thường xuyên tổ chức các lớp học tiếng Anh và vi tính để đảm bảo cập nhật kiến thức mới, công nghệ mới.
- Tổ chức các khóa học về nghiệp vụ ngoại thương, pháp luật…theo hình thức ngắn hạn và dài hạn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh trước mắt và lâu dài.
- Cử các cán bộ nghiệp vụ đi học ở nước ngoài qua các liên doanh, các Hiệp hội mà Công ty tham gia để nâng cao trình độ, thu thập thêm kinh nghiệm. Đây cũng là cơ hội để các cán bộ của Công ty có điều kiện cọ sát với thị trường quốc tế, tìm nguồn dịch vụ, tìm mối chắp nối giao dịch, ký kết các hợp đồng mới. Qua kinh nghiệm thực tế, chắc chắn các cán bộ của Công ty sẽ đưa ra được các biện pháp khắc phục kịp thời.