III. Tình hình hoạt động Marketing của các ngân hàng thương mại tại TP.HCM
2. Chiến lược giá cả
Giá cả là một biến số quan trọng, sau khi đưa ra quyết định về sản phẩm cần phải xác định cho các sản phẩm đó một mức giá hợp lý. Giá cả đóng vai trò đòn bẩy kinh tế quan trọng trong mọi hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng quyết định đến kết quả kinh doanh và lợi nhuận của ngân hàng. Ngày nay, sự cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ngày càng gia tăng và giá cả không chỉ là yếu tố cạnh tranh giữa các ngân hàng mà còn có tác động mạnh mẽ đến quyết định lựa chọn sản phẩm dịch vụ và ngân hàng của khách hàng. Giá cả sản phẩm dịch vụ ngân hàng được biểu hiện qua 3 hình thức : lãi suất (tiền gửi, tiền vay), phí sử dụng dịch vụ của ngân hàng và hoa hồng (môi giới bất động sản, chứng khoán).
Trong tháng 7/2004 vừa qua theo một thỏa thuận thông qua Hiệp hội ngân hàng, các NHTM nhà nước đã đồng loạt ấn định lãi suất huy động tiền gửi tối đa là 0,58%/tháng kỳ hạn 6 tháng và 0,63%/tháng đối với kỳ hạn 12 tháng. Do khối NHTM nhà nước chiếm thị phần lớn nhất trong tổng nguồn vốn huy động, cho nên việc giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn đến mặt bằng lãi suất chung.
Mặt khác cùng với chỉ đạo phải giảm lãi suất huy động, các NHTM nhà nước cũng đồng loạt tăng lãi suất cho vay. Mỗi ngân hàng có một chiến lược giá cả riêng :
- Agribank ấn định lãi suất cho vay ngắn hạn là 1%/tháng, trung hạn là 1,15%/tháng và dài hạn là 1,25%/tháng.
- Incombank thì không quy định cụ thể mà lại quy định mức tối thiểu : lãi suất cho vay ngắn hạn tối thiểu là 8,5%/năm, trung dài hạn là lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với 2,5%.
- Vietcombank cũng ấn định lãi suất cho vay tối thiểu : ngắn hạn thấp nhất là 0,725%/tháng, trung hạn là lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với 2,2%, dài hạn thì cộng với 2,5%
Tuy nhiên, đối với các khách hàng truyền thống, khách hàng thường xuyên, có uy tín trong việc vay trả thì các ngân hàng sẽ đưa ra các mức lãi suất cho vay rất cạnh tranh. Chẳng hạn như NH Công Thương CN6 TP.HCM sẽ cho vay với mức lãi suất từ 0,7% đến 0,8%/tháng.
Đồng thời trong dịp cuối năm 2004, các NHTM đang gấp rút thu hút vốn huy động, đã đẩy mạnh các chiến lược giá huy động hấp dẫn :
- Incombank có đợt huy động kỳ phiếu 7 tháng với lãi suất 0.63%/tháng (bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của các NHTM nhà nước);
- NH Đầu Tư Phát Triển chi nhánh Sài Gòn vừa tăng lãi suất : kỳ hạn gửi 3 tháng lãi suất 0.575%, 7 tháng lãi suất 0.63%/tháng, 13 tháng lãi suất 0.68%/tháng;
- Agribank với đợt huy động trả lãi trước, quy ra lãi sau : 7 tháng là 0.626%/tháng, 13 tháng là 0.722%/tháng.
Ngoài công cụ lãi suất, sự cạnh tranh giá còn thể hiện qua nhiều hình thức khác như :
- Khách hàng được miễn phí mở thẻ và phí rút tiền mặt khi sử dụng Thẻ đa năng của NH Đông Á hay dịch vụ trả tiền điện qua thẻ được NH Đông Á thực hiện miễn phí thanh toán đến hết tháng 12/2005.
- Dịch vụ chi lương qua tài khoản Thẻ của NH Đông Á là 1.000 đ/người/kỳ chi lương, trong khi ở Vietcombank là 3.000đ/người/kỳ chi lương.
- Từ ngày 06/12/2004 NHTM CP các Doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam (VP bank) sẽ áp dụng hình thức “gửi tiết kiệm VNĐ được bù trượt giá USD”. Theo hình thức mới này, nếu tốc độ trượt giá của VNĐ so với USD tăng bình quân trong kỳ hạn gửi vượt quá 0,5%/tháng thì người gửi tiền tiết kiệm bằng VNĐ sẽ được bù đắp 100% phần tỷ giá tăng vượt quá 0,5%/tháng.
…….
Tóm lại, trong kinh doanh ngân hàng giá cả linh hoạt, hấp dẫn là một điểm mạnh để khách hàng lựa chọn ngân hàng và củng cố vị trí ngân hàng trên thị trường. Tuy nhiên cũng tùy theo năng lực tài chính của ngân hàng mình mà các NHTM có một chính sách giá cạnh tranh phù hợp.