I. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CÓ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC QUẢNLÝ TIỀN LƯƠNG, THU NHẬP TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC.
a) Mặt tích cực
- Tất cả các doanh nghiệp đã thực hiện việc chuyển xếp lương mới theo đúng quy định tại Nghị định 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ. Hệ thống thang lương, bảng lương mới có tác dụng trong việc phân phối thu nhập của người lao động và việc xếp lương mơí đã tạo điều kiện đánh giá lại trình độ, chất lượng đội ngũ lao động, tạo điều kiện tính đủ hơn chi phí tiền lương trong giá thành hoặc phí lưu thông, bảo đảm việc thu nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế thực hiện thống nhất và thuận lợi hơn.
- Tiền lương và thu nhập đã thật sự trở thành động lực để các doanh nghiệp sắp xếp lại tổ chức, phát triển ngành, nghề, tăng trưởng sản xuất, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và góp phần quản lý tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp không còn ăn vào vốn, khai thác với hiệu
suất cao công suất máy móc thiết bị, sử dụng đồng vốn ngày càng có hiệu quả để tăng lợi nhuận, tăng nộp ngân sách Nhà nước, đồng thời tăng tiền lương và thu nhập (năm 1995: bình quân một đồng tiền lương làm ra 16,3 đồng doanh thu, 2,7 đồng nộp Ngân sách và 1,3 đồng lợi nhuận).Doanh nghiệp chủ động hơn trong việc ký hợp đồng lao động và phân phối tiền lương, tiền thưởng.
- Việc giao đơn giá tiền lương theo phân cấp quản lý là một chủ trương đúng và cần thiết góp phần gắn tiền lương, thu nhập với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả để tăng thu nhập và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp.
- Đối với doanh nghiệp có thu nhập cao, ổn định thì sổ sách kế toán rõ ràng, nề nếp, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước; nộp Ngân sách lớn, lợi nhuận cao; kỷ luật lao động được duy trì nghiêm túc, trách nhiệm của người lao động đối với sản xuất và tài sản công được nâng cao.