4. Những thuận lợi, khó khăn, thời cơ và thách thức đối với sự hình thành và phát triển của DNPM Việt Nam
4.4 Phân tích thách thức
Thách thức trước nguy cơ tụt hậu
Tính rủi ro cao của các quyết định đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm, nhưng cái giá phải trả cho việc không làm gì hoặc làm chậm còn lớn hơn rất nhiều.
Đầu tư xây dựng và phát triển một DNPM là một công việc không đơn giản, thường hay gặp rủi ro. Một quốc gia khi quyết định đầu tư để phát triển một lĩnh vực mới như CNPM cũng đòi hỏi phải có sự cân nhắc, tính toán và xem xét kỹ. Nhưng một khi đã hạ quyết tâm thì việc chậm ra quyết định và bỏ qua các cơ hội sẽ chỉ mang lại sự lãng phí về thời gian, công sức và thiệt hại chung còn to lớn hơn nhiều.
Hiện nay chưa có một sự tổng kết rút kinh nghiệm nào một cách nghiêm túc trong định hướng phát triển CNPM. Sự kiện trên 50% DNPM mới thành lập không hoạt động được tại TP. HCM là một tổn thất lớn, không những về chi phí xã hội mà còn làm chậm việc đạt được mục tiêu phát triển ngành CNPM. Ở cấp trung ương, Bộ Bưu Chính Viễn Thông đang xây dựng các kế hoạch phát triển CNPM quốc gia, cụ thể hoá Chiến lược Phát triển CNTT-TT cho giai đoạn 2006-2010. Chúng tôi rất mong kế hoạch này sớm trở thành các chương trình hành động. TP. HCM nên chủ động và đi đầu trong việc lập kế hoạch và thực thi kế hoạch phát triển CNPM. Sự tham gia của cộng đồng CNTT, các ý kiến tư vấn đóng góp của DNPM là một yếu tố quan trọng cho
sự thành công chung.
Thách thức trước nguy cơ cạnh tranh
Sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các công ty và các quốc gia trên thị trường phần mềm quốc tế và trong nước, trong thời điểm Việt Nam còn quá ít những DNPM có quy mô lớn, những hiệp hội và tổ chức liên kết DNPM có đủ sức mạnh.
Cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực phát triển CNPM là rất lớn. Nguy cơ cạnh tranh đến từ Trung Quốc, một quốc gia đang phát triển rất mạnh và có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.
Tại sao các DNPM địa phương chưa cạnh tranh được với các DNPM nước ngoài? Các chuyên gia thường nêu lên lý do thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu nhân lực. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh một lý do nữa, đó là tính chất “tài sản trí tuệ” của phần mềm. Do phần mềm khó tạo ra, song chi phí nhân bản thấp, nên một phần mềm có thể sử dụng cho rất nhiều doanh nghiệp mà chi phí sản xuất ra nó không tăng lên bao nhiêu. Các công ty phần mềm nước ngoài đã thu được nhiều từ doanh số bán hàng ở những nước khác, nay thâm nhập vào thị trường Việt Nam cơ lợi thế về chi phí phát triển sản phẩm rẻ hơn rất nhiều so với các DNPM trong nước phải tự viết phần mềm lại từ đầu. Hơn nữa, do thị phần của các DNPM chúng ta nhỏ, chi phí bảo trì, nâng cấp sản phẩm tính trên đầu sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước so với các DNPM nước ngoài sẽ cao hơn, chất lượng thua kém hơn. Trong tương lai gần, các DNPM nước ngoài sẽ chiếm thị phần ưu thế về sản phẩm thương mại đóng gói, các phần mềm có giá trị cao. Cơ hội cho các DNPM vừa và nhỏ trong nước là thị trường sản phẩm phần mềm giá trị thấp, phần mềm mã nguồn mở và họ cần chú trọng mảng thị trường cung cấp dịch vụ phần mềm. Luật pháp về bảo hộ sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả đang có nhiều bất cập hiện là mối lo ngại và nguy cơ đối với DNPM trong nước. Nguy cơ kiện tụng bản quyền sẽ có thể diễn biến phức tạp và gia tăng trong những năm tới. Sự cạnh tranh của các sản phẩm và giải pháp phần mềm từ nước ngoài sẽ
ngày càng gia tăng, là thách thức lớn đối với các DNPM và nền CNPM.