Giải pháp này nhằm kết nối femtocell trực tiếp với mạng lõi IMS (IP Multimedia Subsystem). Một giải pháp thay thế trong cùng hướng này là dùng softwitch trong đó các femtocell được kết nối với các softwitch thông qua giao diện SIP (Session Initiation Protocol). Việc kết nối trực tiếp với IMS lõi mang lại nhiều lợi ích như: giảm tải lưu lượng cho mạng lõi di động vì lưu lượng từ các femtocell sẽ không phải đi qua mạng lõi, giảm thời gian truyền tải vì giảm số nút mạng mà một gói thông tin phải đi qua. Cuối cùng, đây một giải pháp dài hạn để cung cấp dịch vụ đa phương tiện của IMS trong tương lai.
Ở phía mạng lõi IMS, femtocell có thể giao tiếp trực tiếp với softwitch thực hiện chức năng CSCF (Call Session Control Function) thông qua giao thức SIP, giao tiếp với HSS (Home Subscriber Server) thông qua giao thức Diameter cho chức năng xác thực, ủy quyền và tính cước AAA (Authentication, Authorization, and Accounting) (như minh họa hình 3.9). Femtocell cũng có thể chọn lựa giao tiếp với các thiết bị kể trên thông qua một cổng gói dữ liệu PDG (Packet Data Gateway). Về khía cạnh truyền tải thông tin thoại, femtocell sẽ truyền lưu lượng thoại trên gói RTP đến mạng lõi IMS. Chồng giao thức báo hiệu minh họa sự phối hợp các thực thể mạng được thể hiện ở hình 3.10.
Quá trình chuyển giao trong giải pháp này thuộc loại chuyển giao inter- MSC/SGSN. Để đảm bảo sự chuyển giao liên tục từ femtocell đến macrocell, mạng
lõi di động và mạng lõi IMS sẽ phải phối hợp các thông điệp quản lý di động và điều khiển quản lý tài nguyên một cách riêng biệt trên mạng vận tải báo hiệu, đồng thời đảm bảo sự liền mạch của cuộc gọi. Khi chuyển giao từ macrocell sang femtocell, MSC đóng vai trò là điểm ngoại vi. Báo hiệu chuyển giao được khởi tạo trên mạng IMS thông qua CSCF. Trong IMS, CSCF khởi tạo báo hiệu SIP để thiết lập đường vận tải báo hiệu và dữ liệu với femtocell đích đến. Sự liên mạng giữa giao thức SIP và RRC/MM được thực hiện tại femtocell. Trong chuyển giao từ femtocell sang lại macrocell, MSC vẫn sẽ là điểm ngoại vi. Tuy nhiên CSCF cũng có thể làm điểm ngoại vi cho cuộc gọi bị chuyển giao. Để hỗ trợ liên tục các cuộc gọi, chức năng chuyển vùng DTF (Domain Transfer Function) định nghĩa bởi 3GPP sẽ được dùng.
Hình 3.9. Kiến trúc giải pháp dựa trên IMS/SIP
Hình 3.10. Bộ giao thức của giải pháp dựa trên IMS/SIP
Cũng giống như các giải pháp kể trên, chất lượng dịch vụ một lần nữa lại phụ thuộc vào chất lượng của mạng IP công cộng. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ chuyển giao liên tục không vết ngắt giữa femtocell và macrocell cũng là một thách thức lớn. Giải
pháp này rất thích hợp cho các nhà cung cấp mạng sở hữu cả dịch vụ di động, cố định và băng rộng vì nó tạo thuận lợi cho việc tích hợp dọc các loại hình mạng này với nhau. Nếu nhà cung cấp mạng sở hữu mạng FTTx để cung cấp dịch vụ IPTV, họ có thể dùng giải pháp này để cung cấp IPTV trên thiết bị di động kết nối với femtocell. Như đã trình bày ở trên, rõ ràng có nhiều cách để tích hợp hàng nghìn femtocells với mạng lõi di động. Mỗi giải pháp có những điểm mạnh và những điểm yếu riêng, có sức hấp dẫn riêng đối với từng nhóm nhà cung cấp dịch vụ. Trong mọi trường hợp, phần cứng của femtocell sẽ không thay đổi, chỉ có phần mềm và giao diện báo hiệu mà femtocell phải hỗ trợ là thay đổi. Do đó khả năng nâng cấp phần mềm từ xa ở femtocell là một yếu tố cần thiết. Việc tồn tại nhiều giải pháp kiến trúc dẫn đến yêu cầu về tương vận giữa các thiết bị, các giải pháp.