- NHNN cần hệ thống hoá những kiến thức cơ bản về thẩm định dự án, hỗ trợ cho các NHTM và nâng cao nghiệp vụ thẩm định đồng thời mở rộng phạm vi, nội dung và tăng tính cập nhật của trung tâm phòng ngừa rủi ro tín dụng. Hàng năm, NHNN cần tổ chức các hội nghị kinh nghiệm toàn ngành để tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa các NHTM trong công tác thẩm định.
- Đề nghị bộ phận thẩm định các NHTM Việt Nam phối hợp với nhau để trao đổi kinh nghiệm và thông tin. Đặc biệt, xu hướng hiện nay là các ngân hàng cho vay đồng tài trợ những dự án quy mô lớn, việc hợp tác sẽ tận dụng được thế mạnh của mỗi ngân hàng trong việc thẩm định.
3.3.3. Đối với khách hàng:
- Đề nghị khách hàng nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng của việc lập và thẩm định các dự án đầu tư, chấp hành nghiêm chỉnh việc xây dựng và lập dự án theo đúng nội dung quy định trong thông tư số 09/BKH/VPTĐ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng và thẩm định dự án.
- Các chủ đầu tư cần phải nhận thức đúng vai trò, vị trí của công tác thẩm định dự án trước khi quyết định đầu tư để có những dự án thực sự có hiệu quả. Các dự án
phải được xác định đầu tư đúng tổng số vốn theo thời điểm xây dựng, khắc phục tình trạng làm với khối lượng nhiều nhưng tính toán ít để dễ được phê duyệt.
KẾT LUẬN
Chuyên đề đã nêu lên được thực trạng công tác thẩm định trong hoạt động cho vay tại Chi nhánh NHNT Thành Công, và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động này. Đó là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thẩm định, chủ động trong việc tìm kiếm những khách hàng có chất lượng, những phương án sản xuất kinh doanh khả thi, mang lại lợi nhuận và đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng của ngân hàng. Ngân hàng cũng cần phải đa dạng hóa nguồn thông tin phụ vụ quá trình thẩm định, hoàn thiện phương pháp thẩm định và phương pháp chấm điểm tín dụng – xếp hạng khách hàng.
Nền kinh tế càng phát triển, các ngành nghề kinh doanh đa dạng hơn, đối tượng, thành phần tín dụng cũng phong phú hơn. Nghiệp vụ tín dụng trở nên phức tạp và do đó, chứa đựng nhiều rủi ro hơn. Chính vì vậy, tính chuyên môn hoá trong hoạt động này trở nên cấp thiết. Thẩm định dần trở nên quan trọng trong hoạt động tín dụng và thậm chí có xu hướng rõ rệt là tách ra trở thành một nghiệp vụ, một bộ phận riêng biệt so với tín dụng. Một số chuyên gia đã cho rằng nên chuyên môn hóa trong công tác thẩm định, có một tổ chức riêng đảm nhận vai trò tìm kiếm thông tin, còn ngân hàng chỉ việc bỏ tiền mua thông tin cần thiết với độ tin cậy cao. Đây vẫn còn là một vấn đề mang nhiều tranh cãi hiện nay, tuy nhiên cũng có thể là một đề xuất cho hướng đi, nhằm nâng cao chất lượng thẩm định trong hoạt động cho vay tại ngân hàng.