để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Hoa Kỳ.
2.3.1. Giải pháp từ phía Nhà nước
Trước hết, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, quy định về xuất nhập khẩu nông sản phù hợp với các yêu cầu của Hiệp định cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhà nước cũng cần đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực để quản lý, hoạch định chính sách phát triển sản xuất, xuất khẩu. Để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, Nhà nước cần tạo ra cơ chế thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với việc cấp phép xuất khẩu hàng nông sản.
Thứ hai là đưa ra các giải pháp về quản lý chất lượng nông sản xuất khẩu, sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định quốc tế đối với hàng nông sản. Các Bộ, Ngành, Cơ quan có liên quan đến hoạt động xuất khẩu nông sản cần nghiên cứu và phổ biến các quy định, tiêu chuẩn của Hoa Kỳ đối với hàng nông sản nhập khẩu cho các doanh nghiệp, người sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản đồng thời triển khai công tác kiểm tra chất lượng các mặt hàng nông sản trước khi đưa ra xuất khẩu.
Giải pháp thứ ba là xây dựng các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong việc nghiên cứu, thâm nhập thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu... Nhà nước nên phát triển các dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin thị trường, phổ biến các quy định của Hoa Kỳ về chất lượng, đóng gói, vệ sinh, an toàn đối với sản phẩm nông sản
nhập khẩu, khuyến khích việc sáng tạo, sử dụng các công nghệ tiến tiến trong sản xuất nông sản, đồng thời tổ chức các hội nghị, hội thảo về phát triển hoạt động xuất khẩu hàng nông sản cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, Nhà nước có thể thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, lai tạo giống, tạo ra những giống cây, con có năng suất, chất lượng cao, phát triển công nghệ chế biến, sau thu hoạch để thu được nhiều thành phẩm có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của Hoa Kỳ.
Thứ tư là Nhà nước cần đầu tư phát triển hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như: cà phê, chè, hạt điều, hạt tiêu,... Nhà nước cần tích cực thu hút đầu tư, công nghệ mới và dành sự quan tâm đặc biệt tới các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh.
Thứ năm là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ. Như đã nói ở trên, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế trong việc khẳng định thương hiệu, bởi vậy Nhà nước cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, xây dựng thương hiệu tại thị trường Hoa Kỳ bằng cách thành lập các tổ chức xúc tiến thương mại, nghiên cứu và cung cấp các nguồn thông tin về việc đăng ký thương hiệu tại Hoa Kỳ, thông tin về thị hiếu tiêu dùng tại Hoa Kỳ, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn đăng ký thương hiệu tại thị trường Hoa Kỳ, đồng thời xây dựng nguồn nhân lực về xúc tiến thương mại với trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ cao, am hiểu thị trường Hoa Kỳ.
Giải pháp thứ sáu từ phía Nhà nước là hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực như việc phát triển các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn cho cán bộ
xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước, mở các lớp đào tạo nghề, đào tạo công nhân lành nghề phục vụ cho hoạt động xuất khẩu hàng nông sản vào thị trường Hoa Kỳ.
Giải pháp thứ bảy là Nhà nước có thể thành lập các tổ chức, các Hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam,... để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm bạn hàng, đối tác, hợp đồng xuất khẩu, điều hành hoạt động sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) được thành lập từ năm 1990 và hiện nay đã có trên 72 Hội viên bao gồm các Doanh nghiệp, Công ty sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê, các Viện và Trung tâm nghiên cứu về cà phê. Mục đích của Hiệp hội hướng tới là có thể tham gia kiểm soát thị trường cà phê thế giới để giúp các Doanh nghiệp đẩy mạnh được xuất khẩu nhưng vẫn bảo vệ được quyền lợi của mình.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) được thành lập năm 2003, năm 2005 được trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC). Hiện nay VPA đã có trên 100 hội viên bao gồm các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý, ngân hàng và các đơn vị dịch vụ khác.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được thành lập năm 1989, hiện nay có trên 100 hội viên bao gồm mọi thành phần kinh tế có đủ điều kiện tham gia theo quy định của Điều lệ. Số lượng gạo xuất khẩu của các Hội viên Hiệp hội hằng năm chiếm trên 90% tổng số lượng gạo xuất khẩu chung của cả nước.
Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) được thành lập năm 1988 đến nay đã có gần 200 hội viên phân bố ở 21 tỉnh có chè trong cả nước.
Đồng thời phải có giải pháp để phát triến các Hiệp hội này như: Nhà nước, Chính phủ tạo điều kiện để các Hiệp hội nghiên cứu, xây dựng cơ chế hợp lý, hỗ trợ tài chính để tạo lập quỹ để hỗ trợ giá cho người sản xuất trong điều kiện gặp bất lợi về giá hay thị trường không ổn định, đảm bảo mức độ dự trữ phù hợp các mặt hàng nông sản khi giá cả thay đổi. Xây dựng và phát triển các Hiệp hội ngành hàng theo hướng: Nâng cao năng lực của Hiệp hội, tăng khả năng dự trữ khi sản phẩm xuống giá, kiểm soát giá xuất khẩu, ngăn ngừa hiện tượng ép giá, hạ giá gây thiệt hại cho nhà xuất khẩu, hỗ trợ cho người sản xuất và xuất khẩu. Các Hiệp hội cần tăng cường tổ chức các hoạt động khảo sát và giao dịch thương mại tại thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, làm việc và hợp tác với Hiệp hội ngành hàng ở các nước để tiếp thu kinh nghiệm, quảng bá hình ảnh cũng như phát triển quan hệ buôn bán với các nước.
2.3.2. Giải pháp từ phía Doanh nghiệp
Giải pháp thứ nhất là các doanh nghiệp cần tăng cường thâm nhập, tìm hiểu về nhu cầu, đặc điểm, xu hướng tiêu dùng của thị trường nông sản Hoa Kỳ. Từ đó đưa ra những bước đi, chiến lược đúng đắn thể thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất của thị trường Hoa Kỳ là một thị trường có sự bảo hộ cho nông nghiệp rất lớn bằng những rào cản thuế quan, phi thuế quan bởi vậy để có thể tiếp cận với thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần có những chiến lược cụ thể, có đội ngũ nhân viên có năng lực, am hiểu thị trường Hoa Kỳ để có những bước đi đúng đắn khi tiến vào thị trường Hoa Kỳ.
Giải pháp thứ hai là các doanh nghiệp cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và vệ
sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm xuất khẩu. Hoa Kỳ có những yêu cầu về chất lượng, vệ sinh, đóng gói sản phẩm rất khắt khe do đó các doanh nghiệp nên chú trọng việc đầu tư, sử dụng công nghệ hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và đóng gói hàng nông sản xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Thứ ba là cần phát triển hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng đươc hưởng thuế MFN, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su, rau quả,... Các doanh nghiệp nên xác định đúng mặt hàng có thế mạnh, có nhiều khả năng phát triển tại thị trường Hoa Kỳ để có nhiều cơ hội và khả năng phát triển hoạt động kinh doanh của mình tại Hoa Kỳ.
Thứ tư là đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình trên thị trường Hoa Kỳ. Muốn tồn tại và phát triển tại thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng của mình đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo uy tín của sản phẩm tại tại thị trường Hoa Kỳ.
Giải pháp thứ năm là nắm vững các quy định, luật pháp, tiêu chuẩn của Hoa Kỳ về nhập khẩu nông sản, từ đó sẽ tránh được những thất bại không đáng có khi thâm nhập thị trường Hoa Kỳ.
Giải pháp thứ sáu đối với doanh nghiệp là phát triển hoạt động quảng cáo, tiếp thị cho sản phẩm rau quả của mình trên thị trường Nhật Bản. Các doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nhân viên marketing, xúc tiến bán hàng cho doanh nghiệp mình đồng thời tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm tại thị trường Hoa Kỳ.
KẾT LUẬN
Thị trường Hoa Kỳ là một thị trường đầy tiềm năng cho ngành sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung, hàng nông sản nói riêng. Đối với Việt Nam hiện nay, thâm nhập được thị trường Hoa Kỳ là một bước đi quan trọng để phát triển nền kinh tế đất nước trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới. Nhưng bên cạnh là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thì Hoa Kỳ cũng là một thị trường hết sức khó tiếp cận với những biện pháp bảo hộ tinh vị và là thị trường có tính cạnh tranh rất khốc liệt. Đây chính là trở ngại lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với mặt hàng nông sản, một mặt hàng có sức nhạy cảm lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, hàng nông sản Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định khi xâm nhập thị trường Hoa Kỳ, nhất là sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết Hiệp định Thương mại, đem lại sự bình đẳng cho hàng nông sản Việt Nam khi cạnh tranh với các quốc gia khác đang hoạt động tại thị trường Hoa Kỳ, đồng thời giảm bớt một số rào cản thuế quan và phi thuế quan cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Thông qua đề tài nghiên cứu này có thể thấy được những bước tiến của Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu hàng nông sản sang Hoa Kỳ thời gian qua, đặc biệt là sau khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết. Chúng ta có thể thấy được những thành tựu mà hoạt động xuất khẩu nông sản của chúng ta đã đạt được cũng như những hạn chế còn tồn tại. Từ đó sẽ thấy được tiềm năng, cơ hội và những khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ và qua đó có thể đưa ra một số giải pháp đối với Nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động
trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng nông sản để hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường Hoa Kỳ ngày càng thành công.
Hy vọng thông qua bài nghiên cứu này với những gợi ý về các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản cùng với những tiềm năng, nguồn lực mà Việt Nam có được sẽ góp phần phát triển hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.