Thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã là thành viên của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), ký kết Hiệp định thương mại Việt-Mỹ, hiệp định khung EU, thực hiện vòng đàm phán thứ 9 để tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Điều đó có nghĩa doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNV nói riêng đang đứng trước cơ hội và thách thức mới phải cạnh tranh cả thị trường nội địa và quốc tế. Do vậy, để phát triển khu vực DNNV thì việc định hướng phát triển DNNV là rất quan trọng nhằm đưa ra những giải pháp để phát triiển loại hình doanh nghiệp này trong thời gian tới.
Căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội nói chung, thực trạng hoạt động DNNV, thị trường tài chính, thị trường vốn và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực DNNV cần phải có những định hướng phát triển như sau:
• Mục tiêu đến năm 2010, đạt số lượng 500.000 doanh nghiệp trong đó khu vực DNNV đóng góp 28-30% tỷ trọng GDP cả nước, tỷ trọng lao động đạt 29% tạo 2,5 triệu việc làm mới, tỷ trọng giá trị gia tăng sản lượng công nghiệp đạt 34%, tỷ lệ DNNV tham gia trực tiếp xuất khẩu là 3-6%.
• Huy động hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước tham gia vào thị trường vốn nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức để tài trợ phát triển DNNV, tăng tỷ trọng nguồn vốn đầu tư cho DNNV trong cơ cấu nền kinh tế quốc gia tương xứng với tiềm năng phát triển của loại khu vực nghiệp này.
Phấn đấu tăng tỷ trọng nguồn vốn đầu tư cho các DNNV đạt 40% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội vào năm 2010.
• Phát triển DNNV thành các doanh nghiệp vệ tinh liên kết hiệu quả với các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế nhằm tăng khả năng cạnh tranh của kinh tế nội địa với nước ngoài. Thông qua việc phát triển thị trường dịch vụ hỗ trợ DNNV nhằm nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, khai thác hiệu quả các kênh thông tin để tìm kiếm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn , nhất là nguồn vốn trung và dài hạn.