Tình hình nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Thực trạng và một số yếu tố nguy cơ về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính của trẻ dưới 5 tuổi tại một số xã miền núi tỉnh bắc Cạn (Trang 25 - 29)

Ở nước ta hiện nay kinh tế đang trên đường phát triển, hệ thống và dịch vụ y tế đã có nhiều tiến bộ, rất nhiều các chương trình, dự án về y tế được triển khai, trong đó có chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ trẻ em nói chung đã có kết quả tương đối tốt. Tuy vậy hiện nay NKHHCT vẫn là nguyên nhân gây mắc bệnh và tử vong cao nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đặc biệt là những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa [22].

Kết quả điều tra tại cộng đồng của dự án NKHHCT trẻ em cho thấy tần xuất mắc NKHHCT ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 4 – 5 lần/ trẻ/ năm . Ước tính ở nước ta hiện nay có 9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thì mỗi năm có khoảng 36 – 45 triệu lượt trẻ mắc NKHHCT ở các thể [8],[23].

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính chiếm tỷ lệ cao nhất (40 - 50%) trong tổng số trẻ đến khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Hiện nay tại các cơ sở chữa bệnh từ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, đến tuyến huyện đều quá tải do trẻ mắc NKHHCT vào điều trị [8].

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em cũng là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở bệnh viện và cộng đồng. Theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế năm 2004 đã cho thấy tình hình mắc bệnh và tử vong do NKHHCT ở trẻ em ở một số bệnh viện như sau: Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ trẻ nhập viện do NKHHCT là 32,5% , tỷ lệ tử vong chiếm 20,2% tổng số tử vong ở trẻ. Tỷ lệ nhập viện do NKHHCT cao gấp gần 2 lần so với bệnh tiêu chảy cấp (17,7 %) và đứng đầu trong các nguyên nhân nhập viện ở trẻ; Số trẻ mắc NKHHCT vào viện điều trị tại khoa nhi bệnh viện đa khoa thành phố Đà Nẵng là 45,6%, số trẻ chết do viêm phổi 32,5%; Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La tử vong do viêm phổi ở trẻ em chiếm 63,2% trong tổng số tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi; Tại bệnh viện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang số trẻ mắc NKHHCT vào điều trị 92,8%, tử vong do viêm phổi 88,9% [8],[14],[16].

Về tử vong trẻ em trước 24 giờ tại bệnh viện: Thái Nguyên 63,5%, bệnh viện Nhi Trung ương 18,8%, Sơn La 41,7% [10],[36].

Theo báo cáo "Đánh giá hoạt động y tế cơ sở" năm 2004 của dự án NKHHCT trẻ em, hiện nay viêm phổi vẫn là nguyên nhân tử vong cao nhất (31,3%) trong tổng số các nguyên nhân gây tử vong trẻ, cao gấp 6 lần so với tử vong do tiêu chảy (5,1%). Trong số trẻ chết do viêm phổi chỉ có 52% trẻ được chăm sóc trước khi tử vong [8]. Nguyên nhân trẻ không được chăm sóc y tế trước khi tử vong hoặc tử vong trước 24 giờ tại bệnh viện cao là vì các bà mẹ không phát hiện được dấu hiệu của bệnh, hoặc khi trẻ mắc bệnh không được chữa trị đúng đắn, đến khi bệnh nặng chuyển đi bệnh viện thì bệnh đã quá nặng [13],[35],[36].

Điều tra 14.290 trẻ dưới 5 tuổi tại 18 xã thuộc đồng bằng sông Hồng của Viện Lao và bệnh phổi cho thấy tỷ lệ tử vong là 7/1000 trẻ đẻ sống trong đó tử vong do nhiễm khuẩn hô hấp là 2,7/1000 trẻ đẻ sống [8]. Kết quả điều tra ở một số phường tại Hà Nội cho thấy tỷ lệ tử vong chung là 5,2% trong đó do NKHHCT là 2,8% [13],[14].

Tác giả Nguyễn Thu Nhạn (2001) cũng nhận thấy tình hình tử vong trẻ em tại các khoa Nhi bệnh viện tỉnh trong 2 năm 1998 - 1999 tập trung vào 10 nhóm bệnh và đứng đầu vẫn là nhóm bệnh nhiễm khuẩn hô hấp. Trong khi tỷ lệ tử vong chung ngày một giảm thấp, thì tỷ lệ tử vong do viêm phổi chưa giảm nhiều (năm 1970 là 37%, năm 1990 là 42% năm 1995 là 35% và năm 2000 là 40%). Như vậy tỷ lệ tử vong do viêm phổi hầu như không giảm trong suốt 30 năm qua [24],[25].

Điều tra về tỷ lệ mắc bệnh NKHHCT ở một số dân tộc cho thấy: dân tộc Thái (Sơn La): 47,0%, Giáy (Lai Châu): 61,34%, H‘Mông (Hà Giang): 72,36%, Mường (Hoà Bình): 59,34% [21]. Nghiên cứu của chương trình phòng chống NKHHCT trên 8.799 trẻ tại 50 xã đồng bằng thấy tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh NKHHCT cao gấp từ 1,2 đến 2 lần so với trẻ từ 1–5 tuổi [8].

Để giải quyết vấn đề NKHHCT ở trẻ em, chương trình phòng chống NKHHCT được Bộ Y tế Việt Nam sớm đưa vào một trong các chương trình Y tế Quốc gia và bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm 1984, chỉ sau 1 năm WHO triển khai chương trình ARI trên toàn cầu năm 1983 và là nước thứ 2 trên thế giới triển khai chương trình này (sau Brazil) [23]. Điều này thể hiện sự quan tâm và chú trọng của Đảng và Ngành y tế đối với việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em. Theo chương trình Hợp tác Quốc gia, tính đến năm 2000 thì 100% số xã trong cả nước đã triển khai chương trình phòng chống NKHHCT cho trẻ dưới 5 tuổi với 3 mục tiêu chính là giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ chết và giảm tỷ lệ sử dụng kháng sinh trong điều trị NKHHCT. Tuy vậy theo các nghiên cứu hàng năm về NKHHCT cho thấy tỷ lệ mắc NKHHCT ở trẻ nhỏ vẫn không thuyên giảm trong những năm gần đây, đặc biệt ở những khu vực khó khăn vùng cao, miền núi, vùng đông các dân tộc thiểu số sinh sống [8],[23].

Trong suốt 2 thập kỷ triển khai thực hiện chương trình ARI, người ta thấy rằng tiến hành những chương trình hoạt động riêng biệt cho một đối tượng là trẻ em mặc dù có sự thành công nhất định nhưng bên cạnh đó lại bộc lộ nhiều mặt hạn chế như tốn thời gian, nhân lực, kinh phí... Mặt khác, trên thực tế, hầu hết trẻ bị bệnh thường có triệu chứng của nhiều bệnh kết hợp, xử trí từng bệnh có thể dẫn đến việc điều trị thiếu toàn diện. Để nâng cao hiệu quả của các chương trình y tế, WHO kết hợp UNICEF đưa ra một chiến lược mới nhằm quan tâm toàn diện đến trẻ em đó là hoạt động lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh (IMCI). Đây là một hoạt động nhằm mục đích giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ mắc, giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và hạn chế di chứng cho trẻ em tại cộng đồng, đồng thời cải thiện sức khỏe trẻ em ở các nước đang phát triển. Một trong những điểm nổi bật của chương trình này là nhấn mạnh việc phát hiện sớm bệnh cho trẻ, phân loại và xử trí đúng bệnh ngay tại tuyến cơ sở. [22],[23],[56].

Vì tính chất đặc trưng đó, Bộ Y tế đã phê duyệt để thực hiện chương trình IMCI từ năm 1996 và đã có chỉ thị (08/1999/CT-BYT) để triển khai hoạt động lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh tại các tuyến. Tuy vậy để chương trình IMCI hoạt động thực sự hiệu quả tại tuyến cơ sở thì cần phải có 1 đội ngũ CBYT có năng lực và được tập huấn bài bản về IMCI, trong khi đó việc đảm bảo đủ số lượng bác sỹ phục vụ cho tuyến Y tế cơ sở ở khu vực miền núi đang là một vấn đề khó khăn của ngành Y tế. Mặt khác, đội ngũ NVYTTB là đối tượng gần với người dân nhất thì lại chưa được đào tạo đầy đủ, các thông tin về y tế thay đổi hàng ngày trong khi sự cập nhật thông tin của bản thân các CBYT cơ sở thường chậm chạm từ đó dẫn đến việc thực hiện chương trình phòng chống NKHHCT cho trẻ em còn gặp nhiều khó khăn [23],[32].

Một phần của tài liệu Thực trạng và một số yếu tố nguy cơ về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính của trẻ dưới 5 tuổi tại một số xã miền núi tỉnh bắc Cạn (Trang 25 - 29)