3.1. Một số nhận định chung:
Chính sách tỷ giá hối đoái hiện nay tuy còn một số hạn chế nhưng rõ ràng đã đem lại nhiều kết quả tích cực cho nền kinh tế phát triển theo hướng mở cửa hội nhập. Xét trên toàn diện các lĩnh vực, việc vận hành chính sách tỷ giá của Chính phủ đã được đánh giá cao bởi các ý kiến trong và ngoài nước. Điều đó đặc biệt có ý nghĩa giữa bối cảnh nền Kinh tế thế giới đầy khó khăn, bởi trong khi nhiều quốc gia lớn phải vật lộn với thực trạng và nguy cơ suy thoái thì Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khá và ổn định. Trong một hoàn cảnh như vậy thì việc phá giá mạnh đồng nội tệ để chạy theo bất kỳ một mục đích nào cũng là điều rất đáng cân nhắc.
Các nguyên nhân làm tăng tỷ giá thời gian qua là :
- Thứ nhất, đó là hậu quả của nhiều năm điều hành chính sách tỷ giá tách rời quy luật thị trường trong một thời kỳ đóng cửa quá dài. Do đó đồng nội tệ bị đánh giá cao hơn giá trị thực của nó.
- Thứ hai, sự mất cân đối giữa cung - cầu về ngoại tệ do giá USD tăng phổ biến trên thị trường quốc tế (cho đến cuối năm 2001) gây sức ép mạnh mẽ lên tỷ giá trong nước ; hoạt động XK bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái chung của toàn cầu.
- Thứ ba, tình hình thâm hụt cán cân thanh toán chưa được cải thiện: XK gặp nhiều khó khăn về thị trường . Nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất là rất cao.
- Thứ tư, cơ chế quản lý nền Kinh tế còn nhiều bất cập: Chính phủ chưa làm tốt công tác hướng dẫn thị trường; dự trữ ngoại tệ quá mỏng, chưa đủ để điều tiết thị trường ngoại hối trong nước. Nước ta có điểm xuất phát thấp , tụt hậu nhiều năm trên con đường hội nhập nên những khó khăn khi thực hiện mở cửa nền kinh tế không phải chỉ là vấn đề của riêng tỷ giá, thế và lực của ta còn rất yếu.
- Thứ năm, đô la hoá ngày càng diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là tâm lý găm giữ đồng USD chờ tiếp tục lên giá của dân chúng và tâm lý sợ rủi ro tỷ giá, đây là thói quen có tính chất lịch sử do nhiều năm tiền VND liên tục mất giá để lại.
Do vậy, việc phá giá Đồng Việt Nam không phải là phương thuốc hữu hiệu cho sự phát triển chung của nền Kinh tế vì một số lý do sau:
- Một là, phá giá đồng Việt Nam sẽ không cải thiện được cán cân thanh toán . Do chế độ tỷ giá hiện nay không còn là trở ngại chính của XK, các nhà xuất khẩu cần có những cải tiến trong chất lượng sản phẩm, mẫu mã, hạ giá thành và xâm chiếm thị trường tiêu thụ … trước khi đòi hỏi ở cơ chế tỷ giá . Vì cơ chế tỷ giá chỉ phát huy tác dụng tích cực khi có hàng loạt các yếu tố đó hỗ trợ. Hơn thế, phá giá mạnh lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước –
vốn trong tình trạng tài chính yếu kém lại phải nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị để hiện đại hoá dây truyền sản xuất. Nói cách khác, phá giá thì “XK lợi bất, NK đã cập hại “
- Hai là, các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, theo một cơ chế tương tự, sẽ tăng lên khi quy đổi ra nội tệ nếu tiến hành phá giá.
- Ba là, phá giá mạnh trong điều kiện chưa có sức ép thực sự dữ dội từ phía thị trường sẽ gây tâm lý bất ổn và các xáo trộn toàn diện về Kinh tế.
- Bốn là, chính sách phá giá nhằm chuyển dịch cơ cấu nền Kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh chỉ thực sự có hiệu quả khi đi cùng hàng loạt điều kiện khác như: Tư duy đúng đắn về chính sách thương mại hướng về XK; hiểu rõ và tận dụng lợi thế so sánh; thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế rộng mở; sự phối hợp đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác... Nếu không, việc phá giá có thể gây nhiều hậu quả khôn lường.
Trước những nguyên nhân và hiện trạng phân tích như trên, chính sách tỷ giá hối đoái hiện hành về cơ bản là hợp lý. Tỷ giá có tính chất “bò trườn”, thực chất có thể coi là đang phá giá Đồng Việt Nam dần dần theo diễn biến thị trường mà không gây nên những cú sốc về tỷ giá. Đối với một nền Kinh tế mới hội nhập như Việt Nam thì một chính sách thì chính sách tỷ giá thả nổi có sự điều tiết của nhà nước là phù hợp, vì những điều kiện để áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi chưa xuất hiện đầy đủ,trong đó có các yếu tố sau.
+ Các doanh nghiệp chưa thích ứng với sự biến động thường xuyên của thị trường , năng lực quản lý tài chính chưa tốt.
+ Hệ thống NHVN đang trong quá trình đổi mới còn nhiều yếu kém.
+ Thị trường hối đoái đang trong giai đoạn sơ khai , dự trữ ngoại tệ Nhà nước còn thấp.
+ NHNN chưa có sự phối hợp chặt chẽ các chính sách và các biệp pháp điều hoà cung ứng tiền tệ trong nước , các cá nhân, tổ chức thanh toán qua NH còn ở mức độ thấp.
+ Việc điều chỉnh tỷ giá đúng đắn và hiệu quả của NHNN còn phụ thuộc rát lớn vào chính sách huy động và sử dụng vốn, nhất là vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, xét về lâu dài, chế độ tỷ giá thả nổi có sự điều tiết của Nhà Nước phải được giảm dần theo thời gian, để tiến tới áp dụng một chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn.
3.2. Định hướng về điều hành chính sách tỷ giá của NHNNVN.
Như ta đã biết, một chế độ tỷ giá cố định sẽ tốt hơn cho các mục tiêu ổn định giá cả, thúc đẩy hoạt động XNK (mặc dù không đồng nghĩa với việc thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài và cân bằng Ngoại thương). Trong khi đó, một chế độ tỷ giá thả nổi dù có khả năng đương đầu với những cú sốc có nguồn gốc từ thị trường hàng hóa, giúp cho cân bằng Ngoại thương lại có thể là nguồn gốc của những cơn siêu lạm phát và tình trạng tăng nợ nước ngoài. Mỗi chế độ trên đều có những ưu, nhược điểm riêng mà thực tiễn đã chỉ ra rằng: nếu chỉ dựa vào một trong hai thì sớm hay muộn, nền Kinh tế cũng phải trả một giá đắt.
Từ sự phân tích trên ,chúng ta có thể rút ra định hướng lâu dài cho chính sách tỷ giá của Việt Nam là :
-Trong giai đoạn đầu ( 8/2001), thực hiện chính sách tỷ giá thấp để khuyến khích cho việc nhập khẩu các công nghệ sản xuất hiện đại, phát triển các mặt hàng xuất khẩu .
-Bên cạnh đó thực hiện chính sách nâng cao chi tiêu trong nước(kích cầu) bằng hàng hoá do trong nuức sản xuất ra và hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng .
-Khi nền kinh tế đã vững mạnh, thoát khỏi sự lệ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu thì thực hiện chính sách tỷ giá cao để khuyến khích xuất khẩu. Việc XK tăng lên sẽ hạn chế tiêu dùng trong nước vì giá cảc sẽ tăng lên nhưng sẽ tạo ra sự cân bằng đối ngoại , cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đang duy trì chế độ tỷ giá thả nổi có sự điều tiết của nhà nước là phù hợp với tình hình đất nước , tuy nhiên ràng buộc lớn nhất của nó là mức dự trữ ngoại tệ của Nhà Nước quá eo hẹp. Về dài hạn nó sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm nếu được tăng thêm tính linh hoạt, qua đó qui luật cung – cầu phát huy tác dụng rõ nét hơn. Chính vì vậy, chúng ta phải nhanh chóng đưa ra các giải phát nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động XK, tăng mức dự trữ ngoại tệ trong nước để từ đó Nhà nước có thêm sức mạnh điều hành chính sách tỷ giá theo hướng tăng tính linh hoạt và giảm bớt mức chênh lệch kinh niên giữa cung và cầu về ngoại tệ trong nước.
3.3. Một số giải pháp:
-Thứ nhất, Chính phủ cần quan tâm sát sao và đầu tư mạnh cho khâu nghiên cứu, tổ chức thị trường; tổ chức các ngành nghề XK thành các hiệp hội; đào tạo cán bộ nghiên cứu có năng lực, có khả năng khai thác và cung cấp thông tin thị trường, thậm chí có thể bán thông tin cho các hiệp hội ngành XK. Một khi đã tổ chức tốt các hiệp hội ngành sản xuất và XK thì chi phí để mua những thông tin thị trường là thấp nếu tính bình quân trên số thành viên của hiệp hội thay vì những tổn thất hiện tại do quá thiếu thông tin. Song song với đó phải tổ chức thu mua giữ giá, xây dựng kho bãi bảo quản hàng. Điều này là cực kỳ cần thiết cả về ngắn và dài hạn vì đặc trưng của hàng hóa XK Việt Nam là hàng nông sản sơ chế, khó bảo quản, dễ bị ép giá trong nhiều trường hợp. Đối với bên ngoài, cần tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế theo nhóm mặt hàng, như Tổ chức các nước XK cà phê, XK cao su... hoặc phải có thoả thuận trao đổi thông tin đa chiều để tăng uy tín quốc tế, tránh tình trạng “vừa là kẻ phá, vừa là nạn nhân của đổ vỡ thị trường”. Ngoài ra, để hàng hoá có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì phải không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã, chủng loại sản phẩm, giá cả rẻ , giữ uy tín trên thị trường quốc tế. Nhóm biện pháp trên tuy không phải biện pháp về tỷ giá, lại tốn nhiều chi phí nhưng nó giải quyết được tận gốc vấn đề của hoạt động XK trong môi trường “nền Kinh tế thông tin” mở cửa. Một khi hoạt động XK thoát khỏi vòng luẩn quẩn của tình trạng thiếu tổ chức như hiện nay thì nguồn thu, và do đó dự trữ ngoại tệ sẽ không còn quá eo hẹp, Chính phủ có đủ lực để thực thi những chính sách tỷ giá linh hoạt hơn.
-Thứ hai, Thực hiện chính sách đa ngoại tệ : Hiện nay, trên thị trường , mặc dù USD có ưu thế mạnh hơn hẳn các ngoại tệ khác , song nếu trong quan hệ tỷ
giá chỉ áp dụng một loại ngoại tệ duy nhất sẽ làm cho tỷ giá bị ràng buộc vào ngoại tệ đó, cụ thể là USD. Khi có sự biến động về giá cả USD trên thị trường thế giới, lập tức sẽ ảnh hưởng đến quan hệ tỷ giá giữa USD và VND, mà thông thường là ảnh hưởng bất lợi. Hiện nay, có nhiều loại ngoại tệ có giá trị thanh toán quốc tế như: EURO(EMU), JPY(Nhật), CAD( Canada), GBP( Bảng Anh) …Điều này tạo điều kiện cho ta có thể thực hiên chính sách đa ngoại tệ trong thanh toán quốc tế, từ đó có thể lựa chọn những ngoại tệ tương đối ít biến động về tỷ giá hoặc có quan hệ mua bán lớn để thực hiện các khoản thanh toán lớn.
-Thứ ba, cần tranh thủ sử dụng nguồn kiều hối chuyển về nước hàng năm. Hiện nay có hơn 2,5 triệu kiều bào mỗi năm gửi về nước gần 2 tỷ USD. Số ngoại tệ này do chưa quản lý tốt, là nguồn cung cho hoạt động thị trường hối đoái ngầm, gây khó khăn cho Chính phủ. Có 2 hướng quản lý có thể tiến hành song song:
a. Quy định đổi ngay ngoại tệ chuyển về cửa khẩu theo tỷ giá có ưu đãi đối với trường hợp không có dự án kinh doanh (chỉ để tiêu dùng). Thân nhân của Việt kiều khi lĩnh tiền gửi về sẽ được nhận bằng VND theo tỷ giá mua của NHTM ngày hôm đó cộng thêm tỷ lệ ưu đãi 0,1% chẳng hạn. Mục đích của biện pháp này : một là làm giảm cơn khát của NHTM đối với ngoại tệ mua vào, từ đó có thể bán ra nhiều hơn, hai là Nhà Nước qua đó tăng phần dự trữ ngoại tệ, ba là làm giảm đáng kể nguồn cung cho thị trường tự do.
b. Khuyến khích bằng thuế thu nhập doanh nghiệp, đơn giản thủ tục đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bằng vốn kiều hối. Chính sách khuyến khích này đã được thực hiện đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì cũng áp dụng được đối với công ty hoạt động kinh doanh bằng vốn kiều hối. Thêm vào đó, cần khuyến khích động viên lòng yêu nước của các Việt kiều để họ xoá bỏ mặc cảm đầu tư về trong nước.
-Thứ tư, đẩy mạnh và quản lý chặt hoạt động XK lao động, không để tình trạng thiếu tổ chức (có cả hành vi lừa đảo) như hiện nay tiếp diễn. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lao động và chuyên gia Việt Nam làm việc ở nước ngoài là hơn 300.000 người, hàng năm gửi về nước 1,5 tỷ USD; riêng tiền ký kết hợp đồng Nhà nước đã thu hơn 300 triệu USD. Có thể nói đây là nguồn thu không nhỏ của Ngân sách, lại phù hợp với chủ trương Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nước nhà bởi số lao động XK sau một vài năm làm việc trở về sẽ mang theo trình độ kỹ năng lao động, kinh nghiệm làm việc hiện đại để phục vụ đất nước. Vì vậy, hợp đồng XK lao động cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự bảo đảm an toàn cho người lao động, không chỉ đưa họ đi mà còn tạo điều kiện việc làm ổn định cho họ. Số ngoại tệ do nguồn này gửi về cũng có thể áp dụng biện pháp kết hối ngay tại cửa khẩu với tỷ giá ưu đãi như đối với nguồn kiều hối.
-Thứ năm, giữ nguyên tỷ lệ kết hối (30%) và biên độ dao động tỷ giá như hiện nay ((0,25%), đồng thời theo dõi, phân tích thường xuyên thông tin theo hướng tự do hơn khi điều kiện dự trữ và các yếu tố khác cho phép.
KẾT LUẬN
Nến kinh tế Việt Nam đang chuyển mình nhanh chóng theo hướng nền kinh tế hướng ngoại thông qua một loạt các chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp trong nước ,chính sách hỗ trợ xuất khẩu…Các rào cản đối với sự di chuyển vốn giữa Việt Nam và thế giới sẽ dần được xoá bỏ . Điều này sẽ trở thành hiện thực vào thời điểm 2006 khi Việt Nam chính thức tham gia khối thương mại tự do
Asian .Do vậy, tỷ giá hối đoái đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thanh toán quốc tế cũng như trong nhiều mặt của đời sống Kinh tế - Xã hội.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước đi khá đúng đắn trong việc thực hiện chính sách tỷ giá, góp phần không nhỏ vào thành tựu tăng trưởng và ổn định Kinh tế. Tuy nhiên, khi thực tiễn thay đổi nhanh chóng như hiện nay, không một chính sách nào có thể tồn tại mãi mà không có những điểm bất cập. Vì vậy, các nhà kinh tế đã dày công nghiên cứu để đưa ra các kiến nghị khác nhau, nhằm xây dựng một chính sách tỷ giá hối đoái hiệu quả cho nền Kinh tế đất nước.
Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi không có tham vọng gì hơn ngoài việc tham gia tìm hiểu ban đầu về chế độ tỷ giá hiện hành ở Việt Nam, từ đó đưa ra một số ý kiến xây dựng nhằm góp phần nhỏ bé, hoàn thiện thêm chính sách tỷ giá hối đoái cho phù hợp với tình hình đất nước. Với những thành công ban đầu của hơn 10 năm qua và từ kinh nghiệm của các nước đi trước, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ thành công trong việc xác lập một chính sách tỷ giá linh hoạt, phù hợp nhất, góp phần đưa đất nước tăng trưởng bền vững và nâng cao vị thế trên trường thế giới.