Đối với Việt Nam

Một phần của tài liệu tiểu luận giao dịch thương mại quốc tế diễn biến giá hồ tiêu trong khu vực và trên thế giới từ 2010 đến nay (Trang 41 - 49)

2. Thách thức của ngành hồ tiêu

2.2. Đối với Việt Nam

Ngoài những cơ hội nêu trên, ngành hồ tiêu Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức để tìm đầu ra.

Ngành hồ tiêu thế giới và Việt Nam đang có nhiều yếu tố bất ổn đến sản xuất, kinh doanh như giá liên tục sụt giảm, khủng hoảng tài chính toàn cầu, thời tiết, khí hậu biến đổi bất thường khiến không kiểm soát được sâu bệnh phá hoại; đặc biệt nguồn cung lại đang lớn hơn nhiều so với nhu cầu.

Vì vậy, các doanh nghiệp và người nông dân phải xây dựng được chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu bền vững trên cơ sở liên kết, trong đó hai mắt xích quan trọng là sản xuất và chế biến trên nền tảng hiện đại hóa theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm.

Hiện, xuất khẩu hồ tiêu Việt giữ vững ngôi vị là nước xuất khẩu 60% hồ tiêu thế giới với khoảng 132.000 tấn, trị giá 1,1 tỷ USD.

2.2.1. Thách thức đến từ sự phát triển 'nóng'

Việc phát triển quá “nóng” cây hồ tiêu ở Tây Nguyên không chỉ phá vỡ quy hoạch cây trồng và mà còn để lại nhiều thách thức, hệ lụy như dịch bệnh, giá cả xuống thấp, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái... Những hệ lụy nói trên tạo ra nhiều thách thức ảnh hưởng đến sản xuất bền vững của cây hồ tiêu ở Tây Nguyên nói riêng và ngành hồ tiêu Việt Nam nói chung.

a. Vỡ quy hoạch

Tây Nguyên có diện tích canh tác hồ tiêu lớn nhất nước, ước tính gần 100.000 ha; trong đó, Đắk Lắk là tỉnh có diện lớn nhất với hơn 38.600 ha, kế đến là Đắk Nông hơn 36.000 ha, Gia Lai hơn 16.000 ha... Ở hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đến nay diện tích hồ tiêu đều vượt xa so với quy hoạch và định hướng chung của ngành nông nghiệp.

Cách đây khoảng 5 năm, giá cả hồ tiêu tăng cao khoảng trên 200.000 đồng/kg nên diện tích tiêu phát triển nóng ở nhiều nơi kể cả về trồng tập trung lẫn trồng xen

trong vườn cây cà phê. So với định hướng quy hoạch diện tích cây hồ tiêu đến 2020 đạt 17.800 ha, sản lượng 43.700 tấn và đến năm 2030 diện tích tiêu toàn tỉnh đạt 19.000 ha, sản lượng đạt 48.200 tấn thì hiện nay diện tích hồ tiêu đã tăng gấp đôi, làm phá vỡ quy hoạch cây trồng chung của tỉnh.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, hồ tiêu hiện nay vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh. Diện tích, sản lượng hồ tiêu tăng liên tục trong các năm gần đây. Năm 2014, diện tích hồ tiêu trên địa bàn chỉ gần 14.000ha thì đến năm 2018 đã tăng lên hơn 36.000ha, tức hơn 2,5 lần. Sản lượng ước đạt gần 46.000 tấn. Con số 36.000 ha hồ tiêu tại Đắk Nông đã vượt xa quy hoạch của tỉnh.

Nhiều vạt đất bazan được thực bì rừng nguyên sinh tích tụ làm cho màu mỡ cả ngàn năm nay đang bị biến thành đất trồng tiêu. Nhiều khu vực, nhất là tại các huyện Đắk Song, Tuy Đức, việc trồng tiêu được nhiều nông dân ví là dễ như trồng… khoai lang.

b. Hủy hoại môi trường

Nhiều hộ dân chỉ cần lấn chiếm đất rừng, lấy chính cây rừng làm cọc tiêu và “giâm” vào đó vài nhánh tiêu giống, các vấn đề phân bón, nước tưới hầu như không cần phải bận tâm. Không dừng lại ở đó, lợi nhuận hấp dẫn từ hồ tiêu đã khiến nhiều nông dân đã trồng tiêu ở cả những khu vực không phù hợp về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Kết quả là tình trạng khô hạn, dịch bệnh tràn lan tại nhiều khu vực.

Tại tỉnh Gia Lai sau khi trừ khoảng 5.500 ha hồ tiêu bị chết, diện tích còn lại đang canh tác khoảng 12.000 ha cũng vượt gấp 2 lần quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Do đó, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận lại vấn đề và định hướng phát triển hồ tiêu theo hướng nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Việc phát triển “nóng” cây hồ tiêu ở Tây Nguyên không chỉ làm phá vỡ quy hoạch cây trồng của các địa phương mà đã xảy ra rất nhiều hệ lụy. Trước hết, khi mở rộng diện tích hồ tiêu có một phần nào đó người dân phát rừng để lấy đất canh tác nên đã làm giảm diện tích rừng dẫn đến biến đổi khí hậu, hạn hán ngày càng khốc liệt.

Bên cạnh đó, khi hồ tiêu có giá nông dân mở rộng diện tích ồ ạt, bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhà khoa học trồng trên cả những diện tích không phù hợp dẫn đến sinh trưởng và phát triển cây hồ tiêu kém nên hiệu quả kinh tế không cao, không đem lại thu nhập cho người nông dân.

Ngoài việc chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng hồ tiêu bà con còn trồng ngay cả những vùng về khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp cho việc phát triển cây hồ tiêu.

Đây là việc ngành nông nghiệp thấy rõ và đã tuyên truyền, vận động bà con không nên trồng ở những nơi không phù hợp. Tuy nhiên, người dân vẫn phớt lờ khuyến cáo đó và họ vẫn là người quyết định trồng gì trên mảnh đất của họ. Mùa mưa vừa qua, hàng nghìn hecta hồ tiêu tại Ea H’leo, Ea Kar, Ma Đrăk bị chết do ngập úng, dịch bệnh là bài học cho người dân và cả chính quyền trong việc khuyến cáo.

Cùng với đó, khi giá cao người dân sẽ thâm canh theo kiểu tận thu vườn cây như sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật một cách vô tội vạ sẽ dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đất, nước, đặc biệt là vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản phẩm hồ tiêu, ảnh hưởng đến chất lượng hồ tiêu nói chung của Việt Nam.

c. Suy giảm chất lượng

Một vấn đề nữa là khi người nông dân mở rộng diện tích quá nhanh, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ hạn chế, đặc biệt là việc đưa giống không đảm bảo chất lượng vào sản xuất.

Theo ông Trương Hồng, hiện nay chính quyền các tỉnh Tây Nguyên không chỉ không quản lý được diện tích mà ngay cả cây giống cũng không quản lý được. Các cơ sở sản xuất, bán cây giống mở tràn lan, cung cấp đủ loại cây giống không rõ nguồn gốc, chất lượng.

Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa có một đề tài cụ thể nào nghiên cứu sâu về cây tiêu, cơ chế nhiễm bệnh và cách phòng trừ các loại dịch bệnh trên cây trồng này. Cả nước chưa có vườn ươm giống chuẩn mà giống hiện tại cũng chỉ được tuyển lựa qua quá trình canh tác của các địa phương nên xuất hiện hàng chục loại giống lai tạp khác

nhau, điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt, cũng như khó kiểm soát được dịch bệnh hoành hành.

Bộ NN&PTNT nhận định: Sản xuất hồ tiêu của Việt Nam được đánh giá chưa bền vững chủ yếu do diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh, đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong giai đoạn giá tốt; công tác giống còn nhiều hạn chế, trong đó có việc nghiên cứu, chọn tạo giống mới, sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh, công tác bình tuyển và công nhận cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng chưa được các tỉnh quan tâm thực hiện.

Bên cạnh đó, sản xuất theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa toàn diện; tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành hồ tiêu.

d. Mất cân bằng giá trên thị trường

Một hệ lụy khác của việc phát triển quá nóng cây hồ tiêu làm cung vượt cầu sản phẩm hồ tiêu cả trong nước và thế giới dẫn đến giá hồ tiêu giảm rất sâu trong vài năm trở lại đây.

Chi phí sản xuất hạt tiêu năm 2018 của Việt Nam tăng ít nhất 10% so với năm 2017. Trong khi giá bán hạt tiêu lại giảm trên 30%, gây khó khăn rất lớn cho người trồng tiêu.

Giá tiêu cuối năm 2018, đầu năm 2019 có thời điểm chỉ còn khoảng 42.000 đồng/kg, tức chỉ bằng 1/5 so với 5 năm trước.

Giá giảm phần lớn do chất lượng tiêu của Việt Nam không cạnh tranh được với các nước sản xuất lớn khác như Indonesia, Ấn Độ, Brazil.

Với giá tiêu xuống thấp như hiện nay, các nông hộ trồng tiêu không thể bù đắp lại chi phí sản xuất, việc đầu tư vào cây hồ tiêu chắc chắn sẽ lỗ. Bởi để đầu tư 1ha hồ tiêu bài bản, bà con cũng phải bỏ ra một lượng chi phí rất lớn từ 300 - 500 triệu đồng.

2.2.2. Thách thức đến từ xuất khẩu

Chiếm 70% thị phần thế giới, nhưng hồ tiêu Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu thô, giá trị ngày càng sụt giảm. Cần chuyển biến mạnh về công tác quy hoạch và nâng giá trị sản phẩm này.

a. Suy giảm giá trị xuất khẩu

Các địa phương đua nhau phát triển hồ tiêu bởi những năm trước đây sản phẩm này rất được giá, lại dễ trồng. Tuy nhiên, chất lượng lại giảm rõ rệt. Nếu như năm 2016, giá trị xuất khẩu hồ tiêu đạt 176,6 nghìn tấn, tăng 34,3% về khối lượng và tăng 12,9% về giá trị so với năm 2015 thì những năm sau đó đến nay, giá trị xuất khẩu giảm dần.

Đến năm 2017 giá trị hồ tiêu xuất khẩu ước đạt 1,11 tỷ USD, giảm 21% so với năm 2016; năm 2018, xuất khẩu hồ tiêu đạt 758,8 triệu USD, giảm 32,1%. Nửa đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 180.276 tấn với giá trị đạt 463,3 triệu USD, tăng 34,1% về lượng, song lại giảm gần 1% về giá trị so với cùng kỳ 2018.

Các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

b. Hạ thấp năng lực cạnh tranh

Điểm đáng chú ý là, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý. Tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng. Hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.

Thị trường đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.

Về năng suất, 5 năm trước đây, hạt tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng. Nhưng trong thời gian hai năm trở lại đây, nhiều quốc gia như Brazil,

Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về sản lượng cũng như chất lượng. Trong đó, đáng quan tâm nhất là hạt tiêu Brazil có chất lượng tốt hơn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

2.2.3. Một số giải pháp được đề ra:

Theo Cục Xuất nhập khẩu, thời gian tới, giải pháp quan trọng để ngành hồ tiêu phát triển bền vững là phải chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt 30-40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu…

Cùng với đó các địa phương cần nỗ lực tuyên truyền vận động người dân thực hiện đúng quy hoạch phát triển cây hồ tiêu của Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo. Đồng thời các địa phương phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất cung ứng giống tiêu trên địa bàn. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất kinh doanh các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, đảm bảo phân bón được sản xuất theo đúng quy trình công nghệ. Không ngừng nâng cao năng lực nhận thức cho nông dân về tầm quan trọng của cây giống, phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh thông qua công tác khuyến nông, tập huấn, xây dựng mô hình…

Đứng từ góc độ đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng: Việc mà toàn ngành hồ tiêu phải làm còn là thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững; tăng cường kiểm soát chất lượng, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất như câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất hồ tiêu giỏi hình thành ở nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp gắn với người sản xuất trong chuỗi sản xuất - thương mại mang lại hiệu quả như Công ty Nedspice liên kết với nông dân trồng tiêu ở Bình Phước hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn và tiêu thụ sản phẩm. Các công ty Phúc Sinh, Simexco Đắk Lắk, KSS, Olam, Harris Freeman, Intimex ngoài việc đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu chủ động còn liên kết với nông dân thông qua các tổ chức như Hội Hồ tiêu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội hồ tiêu

Chư Sê, Chư Pưh, Lộc Ninh, Đăk Song, Sơn Thành, Phú Quốc để xây dựng, quảng bá thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh hồ tiêu trong nước và xuất khẩu.

Về mặt thị trường, cần tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường, tăng thị phần hồ tiêu Việt Nam chất lượng cao vào các thị trường Đông Bắc Á, Mỹ, EU.

Hiệp hội gia vị Mỹ, Đức, châu Âu cũng đã khuyến nghị, trong xu hướng nguồn cung quá lớn, nếu Việt Nam chỉ hướng đến sản xuất hồ tiêu để ăn thì đó là một sự lãng phí. Hồ tiêu làm mỹ phẩm, nước hoa, làm nguyên liệu thứ cấp cho các ngành khác phải là con đường cần tính đến bởi nhu cầu này trên toàn cầu là rất lớn.

KẾT LUẬN

Là một quốc gia trọng điểm về sản xuất hồ tiêu, việc theo dõi và phân tích diễn biến giá hồ tiêu trên thế giới và khu vực luôn là vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tất cả các điểm mạnh, giúp hồ tiêu của Việt Nam tăng sức cạnh tranh khi tiếp cận thị trường các nước đối tác.

Tuy nhiên khả năng tận dụng các điểm mạnh này còn rất hạn chế. Dù các vấn đề đã được giải quyết dần dần qua các năm gần đây nhưng bởi các quy định kỹ thuật khắt khe vậy nên nếu chúng ta không vượt qua những thách thức đến từ sự phát triển “nóng” và đến từ xuất khẩu thì lợi ích có được sẽ chỉ là những “lợi ích trên giấy”.

Bởi vậy, lợi ích hay thiệt hại, cơ hội hay thách thức từ một ngành nông nghiệp nói chung phụ thuộc một phần không nhỏ vào việc chúng ta có đảm bảo được các điều kiện để hiện thực hóa các lợi ích kỳ vọng hay không.

Giải pháp quan trọng để ngành hồ tiêu phát triển bền vững là phải chuyển dịch cơ cấu sản phẩm hợp lý. Cùng với đó các địa phương cần nỗ lực tuyên truyền vận động người dân thực hiện đúng quy hoạch phát triển cây hồ tiêu của Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo. Việc mà toàn ngành hồ tiêu phải làm còn là thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng hồ tiêu. Về mặt thị trường, cần tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường, tăng thị phần hồ tiêu Việt Nam chất lượng cao vào các thị trường Đông Bắc Á, Mỹ, EU.

Chúng tôi mong rằng với những nội dung vừa trình bày, các doanh nghiệp cùng với các ban ngành, Bộ nông nghiệp sẽ có những giải pháp và hành động cụ thể để tận dụng tối đa giá trị mà hồ tiêu đem lại.

Một phần của tài liệu tiểu luận giao dịch thương mại quốc tế diễn biến giá hồ tiêu trong khu vực và trên thế giới từ 2010 đến nay (Trang 41 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(50 trang)
w