TẠI VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Hoạt Động Xúc Tiến Thương Mại Trực Tuyến Của Các Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ Tại Việt Nam - Thực Trạng Và Giải Pháp Đẩy Mạnh (Trang 63 - 86)

3.1. Xu hướng phát triển của hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trong tương lai

3.1.1. Hoạt động xúc tiến thương mại tăng nhanh cả chất và lượng

Với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, cùng với đó là sự ra đời ngày càng nhiều của các ứng dụng, tiện ích trực tuyến áp dụng vào kinh doanh, giai đoạn từ năm 2015-2020 hứa hẹn sẽ có sự bùng nổ về thương mại điện tử, vì vậy hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đóng vai trò rất quan trọng trong việc đẩy sản phẩm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Trong những năm tới, số lượng doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến sẽ gia tăng đáng kể, và phát triển mạnh ở các nhóm hàng tiêu dùng. Một số ngành hàng đặc thù hơn như bất động sản hoặc dịch vụ cũng sẽ tìm ra kênh phù hợp nhất với mình để triển khai, nhằm nắm bắt xu thế “online hóa” của người tiêu dùng. Các công cụ phổ biến nhất sẽ được các doanh nghiệp triển khai đẩy mạnh là website, email marketing, công cụ tìm kiếm và mạng xã hội. Bên cạnh đó, một số công cụ mới được dự báo có tiềm năng lớn trong tương lai như ứng dụng di động, wifi marketing sẽ là những lựa chọn mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại. Chất lượng của các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến chắc chắn được tối ưu tốt hơn vì đa số các kênh chưa được doanh nghiệp tận dụng triệt để, mặt khác, các nhà cung cấp dịch vụ, nhà phát triển ứng dụng luôn tìm cách phục vụ tốt nhất cho khách hàng của mình. Google thay đổi thuật toán liên tục để hiểu người dùng hơn, Facebook đang xây dựng một kho dữ liệu khổng lồ về “Topic data” nhằm ghi lại hành vi người dùng chi tiết hơn, phục vụ cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn đối tượng mục tiêu, mạng hiển thị ngày càng nhận diện nội dung liên quan tốt hơn, tối ưu CTR tốt hơn giúp tăng hiệu quả cho quảng cáo banner tự động…Sự gia tăng về số lượng và chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại đặt ra bài toán cạnh tranh giữa các nhóm ngành, các doanh nghiệp trong cùng nhóm ngành với nhau, đòi hỏi sự nỗ lực và đầu tư đúng đắn từ phía doanh nghiệp.

3.1.2. Xu hướng SMAC (Social-Mobility-Analytics-Cloud)

Xu hướng SMAC được nhiều chuyên gia marketing online nhắc tới và cho rằng đây là chìa khóa thành công cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tương lai.

Social sẽ là xu hướng của tương lai, số lượng tài khoản mạng xã hội tăng mạnh qua các năm, các công cụ của mạng xã hội ngày càng có sức hút lớn với một bộ phận lớn người tiêu dùng chính là những cơ sở để tin rằng mạng xã hội sẽ là công cụ tích cực cho doanh nghiệp trong việc tương tác, duy trì mối quan hệ với khách hàng và làm hình ảnh thương hiệu, sản phẩm. Không chỉ là công cụ miễn phí, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và sản phẩm phù hợp với cộng đồng có thể đầu tư để áp dụng mạng xã hội một cách tối đa, đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng nhất trong tương lai.

Mobility là xu hướng tiếp theo các doanh nghiệp cần quan tâm. Google đã chính thức đưa chỉ số thân thiện với các thiết bị di động vào một trong những chỉ số đánh giá thứ hạng website. Tất cả các doanh nghiệp có website hoặc có kế hoạch xấy dựng website trong tương lai đều phải quan tâm vấn đề này. Mặt khác, số lượng người dùng sử dụng các thiết bị di động, máy tính bảng để truy cập Internet ngày càng gia tăng, ứng dụng dành cho các thiết bị này ngày một gia tăng mở ra tiềm năng to lớn cho hoạt động quảng cáo. Sự tiện lợi của các thiết bị di động cùng khả năng kết nối linh hoạt tại nhiều địa điểm giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn về thời gian, hình thức triển khai hoạt động truyền thông của mình.

Analytics là chìa khóa cho sự thành công của hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến trong tương lai của các doanh nghiệp. Có thể nói việc đo lường và phân tích chưa được quan tâm đúng đắn trong những năm qua, một phần nguyên nhân đến từ việc các công cụ còn chưa hoàn thiện hệ thống này, người thực hiện gặp khó khăn trong việc thu thập chỉ số đo lường. Đo lường và phân tích sẽ là hoạt động xuyên suốt trước, trong và sau bất kỳ chiến dịch quảng cáo nào của doanh nghiệp. Phân tích trước để tìm ra hướng đi phù hợp nhất, phân tích trong quá trình thực hiện để điều chỉnh kịp thời, đẩy mạnh hoặc dừng chiến dịch, cuối cùng, phân tích sau

chiến dịch để rút ra đánh giá hiệu quả và cơ sở cho hoạt động sau này. Khi mà các kỹ thuật và trình độ triển khai được các doanh nghiệp san bằng khoảng cách với nhau thì doanh nghiệp nào thấu hiểu hành vi, đo lường và phân tích khách hàng, sản phẩm, môi trường tốt hơn sẽ có lợi thế.

Cloud là yếu tố cuối cùng trong xu thế SMAC cần được doanh nghiệp quan tâm. Xu thế số hóa, lưu trữ, xử lý online sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mở rộng hệ thống, cơ sở dữ liệu dễ dàng, an toàn. Hệ thống CRM chính là một ví dụ điển hình cho hoạt động này. Trong tương lai, cơ sở dữ liệu, tài liệu nội bộ, trao đổi, lưu trữ giữa doanh nghiệp với đối tác, doanh nghiệp với khách hàng sẽ được thực hiện nhiều hơn trên nền tảng đám mây, tăng tốc độ xử lý, truy xuất dữ liệu.

3.1.3. Xu hướng triển khai của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Kiến thức về các công cụ xúc tiến thương mại trực tuyến ngày càng được phổ biến, có những doanh nghiệp bố trí nhân viên tự triển khai các hoạt động này hơn là đi thuê bên đơn vị bên ngoài. Việc này giúp chủ doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát quy trình cũng như hiệu quả chiến dịch hơn. Thực tế, các hoạt động như website, thư điện tử, mạng xã hội thường được các doanh nghiệp tự triển khai, quản lý và đo lường, doanh nghiệp chỉ cần thuê hoặc mua các dịch vụ, thiết bị ban đầu của các nhà cung cấp, sau đó tự mình duy trì, cập nhật và trực tiếp sử dụng chúng.

Tuy nhiên vẫn có những hoạt động doanh nghiệp đi thuê dịch vụ bên ngoài để tối ưu chi phí, hoặc cho rằng các đơn vị đó thực hiện sẽ tốt hơn, lúc này doanh nghiệp cần có người am hiểu kiến thức, có kỹ năng đọc báo cáo chỉ số để nắm bắt hiệu quả công việc. Các hoạt động như SEO, quảng cáo Google Adwords, Facebook Ads, quảng cáo banner hiển thị là các hoạt động thường được các doanh nghiệp thuê dịch vụ bên ngoài. Tóm lại, trong tương lai, cho dù tự triển khai hay tìm thuê đơn vị ngoài thì doanh nghiệp vẫn ngày càng quan tâm nhiều hơn đến quá trình và đo lường hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến. Để làm được điều này, doanh nghiệp sẽ quan tâm tới xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, ngân sách đầu tư xây dựng các công cụ xúc tiến thương mại trực tuyến sẽ lớn hơn.

3.2. Một số kiến nghị và đề xuất giải pháp chung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam

3.2.1. Một số kiến nghị với chính phủ, cơ quan quản lý và các tổ chức liên quan

3.2.1.1. Hoàn thiện cơ chế thi hành luật về thương mại điện tử nói chung và các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến nói riêng

Khi thương mại điện tử phát triển thành một xu thế và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh thì nó cũng đặt ra nhiều bài toán về khung pháp lý và cơ chế thực thi đòi hỏi có sự can thiệp của các cơ quan luật pháp và cơ quan quản lý. Hoạt động dựa trên các công cụ trực tuyến, tích hợp hàm lượng công nghệ cao luôn diễn ra dưới nhiều hình thức, đa dạng và thay đổi nhanh chóng, sự ra đời của các công cụ mới, hình thức mới, thậm chí là những “thủ thuật” mới nhằm “lách luật”, tránh sự ảnh hưởng của luật pháp. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, nhiều doanh nghiệp mới bước đầu áp dụng các hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến nên việc còn bỡ ngỡ, tình trạng làm sai, làm không đúng quy trình, thủ tục còn diễn ra nhiều. Trước tình trạng đó, một số vấn đề nên được các cơ quan ban ngành có thẩm quyền xem xét trong tương lai để tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch và hợp pháp cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng

Thứ nhất, tiếp tục các hoạt động hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Hoạt động này đã được quy định trong Thông tư số 47/2014/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành, tuy nhiên đến nay việc khai báo thông tin website còn chưa diễn ra đồng bộ, nhiều doanh nghiệp nhỏ hoặc thậm chí chưa thành lập doanh nghiệp vẫn tiến hành xây dựng website thương mại điện tử và chưa khai báo với cơ quan quản lý. Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (2014), sau hơn một năm Nghị định số 52/2013/NĐ-CP có hiệu lực, đã có 7.814 tài khoản doanh nghiệp được duyệt trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT, số lượng hồ sơ thông báo website TMĐT bán hàng được xử lý trong năm 2014 là 9.075 hồ sơ, trong đó số website được xác nhận thông báo tính đến cuối tháng 12/2014 là 5.082 website. Đây là những con số còn rất khiêm tốn nếu so với số lượng doanh nghiệp thực tế đang thực hiện hoạt động thương mại điện tử. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp tiến hành

bán hàng, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo trên các diễn đàn, chợ rao vặt điện tử, và đặc biệt là mạng xã hội nước ngoài (tên miền nước ngoài và không có văn phòng đại diện tại Việt Nam) vẫn chưa được quản lý rõ ràng cũng như chưa được hướng dẫn cụ thể quy trình đăng ký, khai báo hoạt động. Trong khi đa số doanh nghiệp hiện nay đều sử dụng mạng xã hội nước ngoài cho mục đích kinh doanh và nếu có hoạt động bán hàng giả, hàng nhái, đưa thông tin sai sự thật, hoặc cạnh tranh không lành mạnh thì rất khó tìm ra chế tài xử phạt các hoạt động này. Vì vậy việc khai báo và quản lý hoạt động thương mại điện tử trên website và mạng xã hội cần được hoàn thiện sớm nhất có thể.

Thứ hai, phố biến và áp dụng luật giao dịch điện tử tới các doanh nghiệp có áp dụng hình thức giao dịch điện tử. Điều này nhằm khuyến khích doanh nghiệp và khách hàng sử dụng phương thức giao dịch bằng phương tiện điện tử. Khi các hoạt động này được diễn ra đúng quy trình, đúng thủ tục thì sẽ giải quyết được các trường hợp vi phạm phát sinh giữa các bên, đồng thời khi khách hàng tin tưởng áp dụng các hình thức này thì hoạt động truyền tải thông tin có thêm sức mạnh để hỗ trợ cho hoạt động bán hàng. Điểm mạnh rõ ràng nhất khi kết hợp giao dịch điện tử với hoạt động xúc tiến là họa động giảm giá dưới dạng coupon, khi thực hiện giao dịch, khách hàng có thể nhập trực tiếp mã giảm giá để được hưởng ưu đãi. Mặt khác, với việc tích hợp giao dịch trực tuyến, doanh nghiệp dễ dàng triển khai các hoạt động tiếp thị lại, chăm sóc khách hàng (đặt mã chuyển đổi vào bước đặt hàng), vừa theo dõi được khách hàng tiềm năng, vừa đo lường được hiệu quả bán hàng… Hoạt động xúc tiến lúc này không dừng lại ở việc giao tiếp và tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng mà còn có thể hình thành giao dịch ràng buộc các bên, trực tiếp tác động đến hoạt động bán hàng. Việc phổ biến các quy định về giao dịch điện tử đã được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thông qua các hội nghị với sự tham gia của các Sở ban ngành, một số doanh nghiệp. Tuy nhiên những phổ biến này cần tới được những bên trực tiếp tham gia vào giao dịch điện tử, là những người mua hàng, là nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ. Khi quyền lợi của họ được bảo vệ bởi một luật pháp, họ mới tin tưởng thực hiện, tránh tâm lý lo sợ, nghi ngờ. Đây là những nguyên nhân chính cản trở người mua hàng chấp nhận giao dịch trực tuyến, cản trở hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến hỗ trợ cho hoạt động bán hàng.

Thứ ba, quản lý chặt chẽ việc phát tán thư điện tử, tin nhắn rác, spam nhằm tạo môi trường trong sạch và cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, đồng thời tạo dựng lòng tin từ phía người dùng. Hoạt động này cần có sự kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, nhà mạng viễn thông để cùng nhau triển khai. Mặc dù vấn đề này đã có Nghị định 90/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác, tuy nhiên đến nay, hoạt động spam, nhắn tin rác vẫn còn diễn ra nhiều, một phần do việc triển khai hình thức này khá dễ dàng, trong thời gian ngắn, chưa kịp qua kiểm tra doanh nghiệp đã triển khai xong, việc tuyên truyền cho người dùng về cách báo cáo các hoạt động vi phạm chưa được phổ biến. Đa số người nhận cảm thấy khó chịu nhưng không biết cách báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Tất cả những điều đó khiến vấn nạn spam và gửi thư rác vẫn còn tồn tại, gây ấn tượng xấu về cách làm truyền thông của doanh nghiệp, đặt ra bài toán cho các nhà quản lý.

3.2.1.2. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ về vốn, công nghệ, kỹ thuật triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến.

Thứ nhất, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn ưu đãi. Hoạt động này cần có sự kết hợp giữa nhà nước và các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cung cấp vốn qua nghiệp vụ thị trường mở và nghiệp vụ tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để cân bằng nguồn vốn, nhằm tạo điều kiện tối đa để những doanh nghiệp vừa và nhỏ được ưu tiên vay vốn. Các ngân hàng thương mại xem xét việc cho vay thông qua tín chấp, đánh giá đúng tiềm năng dự án, hiệu quả, lợi ích mang lại để cấp vốn cho các doanh nghiệp. Chủ động giải quyết với doanh nghiệp các khoản nợ, giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khôi phục hoạt động.

Thứ hai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, áp dụng nhiều công cụ mới vào hoạt động xúc tiến thương mại. Mặc dù trước đây việc xâm nhập của các công cụ trực tuyến qua đường Internet chưa được kiểm soát rõ ràng bởi Nhà nước, tuy nhiên trong tương lai, các công ty cung cấp dịch vụ này có xu hướng đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, chính thức hợp pháp hóa hoạt động tại Việt Nam và chịu sự chi phối của pháp luật. Các cơ quan quản lý cần có các chính sách tích cực, linh hoạt để làm cầu nối giữa doanh nghiệp và các nhà cung

cấp dịch vụ nước ngoài, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc tiếp cận kiến thức, công nghệ mới áp dụng vào hoạt động kinh doanh.

Thứ ba, thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo chuyên đề, hội thảo nâng cao kỹ năng, hiểu biết về các công cụ trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp về mặt kỹ thuật, đo lường, phổ biến kiến thức về các hình thức mới đến nhiều doanh nghiệp. Đây là công việc thiết thực của các hiệp hội, ban ngành tổ chức giúp doanh nghiệp có thể tự triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến hoặc có thể kiểm soát và đo lường được nếu thuê dịch vụ bên ngoài.

3.2.2. Đề xuất một số kiến nghị chung dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại

Một phần của tài liệu Hoạt Động Xúc Tiến Thương Mại Trực Tuyến Của Các Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ Tại Việt Nam - Thực Trạng Và Giải Pháp Đẩy Mạnh (Trang 63 - 86)