54
Một nhà thơ luôn viết những bài thơ “sáng trưng”, mỗi lời thơ là một bộc bạch như Xuân Diệu cũng lại từng bàn đến Thơ khó trên báo Ngày nay năm 1939. Ông bênh vực thứ thơ khó của Mallarme, Valery, Baudelaire mà nhiều người cho rằng “bí hiểm”. Ông cãi: “Cái tính cách cốt yếu của thơ là sự khó. Đó là quan niệm mới nhất, mà cũng đúng nhất. Vì sao? Vì thơ thực sự là thơ thì phải “thuần tuý”. Người thi sĩ gắng sức đi tìm cái thơ thuần tuý (poesie pure) nghĩa là đi thu góp những cái tinh hoa, những cái cốt yếu, cốt lõi của sự vật. Thơ khó là vì nói những điều khó, phải suy nghĩ, phải nghiền ngẫm: khó vì cách nói khác với cách nói thường”. Xuân Diệu bênh vực thơ khó, đồng
thời cố gắng lý giải sự tồn tại có lý của nó bởi vì “tính cách cốt yếu của thơ là sự khó”. Xuân Diệu lý giải: “ Thơ khó ấy cũng là do bản thân đời sống có những điều dễ nói, có những ý tưởng thông thường hễ nói ra ai cũng hiểu được, có những ý sâu sắc thì không phải ai cũng hiểu, ví như những bông hoa, có hoa vừa tầm tay hái, có những hoa phải vươn cả mình lên mới ngắt được và có những bông hoa phải qua đèo, leo núi khó nhọc lắm mới mang được về. Hơn nữa muốn thực là thơ thì bản thân nó phải có một cuộc sống riêng, nhà thi sĩ phải biết “thu góp những cái tinh hoa, những cái cốt yếu, cốt lõi của sự vật” đem kết đọng lại làm nên những câu thơ đậm đà. “Tài liệu thì vấn lấy trong đời thường, trong cuộc sống hằng ngày, trong những rung động của trái tim, của xương thịt, nhưng khi đã đem vào thơ thì tài liệu mất đi thành ngọc châu”. “Thơ khó” vì thơ khác văn xuôi, thơ ở trong một thế giới riêng; thơ vẫn là sự sống, nhưng là sự đọng lại, kết tinh biến thành cái đẹp.
Để giúp người đọc khám phá sâu hơn vào bản chất của thơ, Xuân Diệu nhấn mạnh đặc trưng “Thơ khó”.Ông cho rằng có hai loại thơ khó. Có loại khó cao kì về ý tưởng và cả về hình thức của những người chủ trương rằng thơ phải khó như hai nhà thi sĩ Mallarme, Valery. Đó là thơ khó do người viết rất cố gắng, rất xếp đặt, có khi “đặc biệt dụng công làm cho tối nghĩa”. Và
55
loại khó thứ hai, “người thi sĩ làm thơ rất tự nhiên, rất vô tâm, thế mà thơ lại có tính cách khó khăn”. “Người thi sĩ tìm cái đẹp, chứ có tìm cái khó đâu! Khó hiểu hay dễ hiểu đó là lời bình phẩm của người chứ trong khi làm, người thi sĩ không ngờ rằng thơ mình lại khó hiểu”.
Vậy thì thơ khó ít nhiều là do sự thưởng thức của người đọc. Mối quan hệ song hành, song phương giữa nhà thơ và người đọc ít nhiều đã được đề cập đến trong bài viết. Như đã biết, Xuân Diệu yêu cầu rất cao đối với nhà văn, đồng thời cũng quan niệm vai trò của công chúng độc giả một cách tích cực: tác giả phải ngày càng “nấu nướng cho tốt lành nhiều hơn nữa” và độc giả cũng phải “cải tạo cái lưỡi của mình” mới thưởng thức được cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Ông diễn đạt bằng lí lẽ và cảm xúc:
“Những nhà thơ tận dụng về phần mình, còn công chúng cũng nên ủng hộ thơ bằng một sự chống cái “tự nhiên nhi nhiên” thủ công nghiệp và nông nghiệp bằng một thái độ tìm hiểu, chiếu cố, những bài thơ, đoạn thơ thoạt đọc như là khó, thì chưa nên vứt đi ngay mà hãy thử đọc lại ba lần, năm lần, xem nó chưa đựng một cái duyên ngầm nào hay không: “Nửa năm hơi tiếng vừa quen - Sân ngô cành bích đã chen lá vàng. Kiều và Thúc sinh cần đến nửa năm mà mới chỉ đạt được cái trình độ “hơi tiếng vừa quen”! Đối với vợ, với người yêu, với bạn có khi người ta có duyên ngầm mà mình vội vàng, lơ đễnh thì không thấy, đối với một số tác phẩm cũng vậy”! ở thời kỳ này, thơ khó vẫn còn là một vấn đề mới mẻ: người đọc vốn quen với thứ thơ ngâm nga dễ thuộc. Với sự bênh vực thơ khó, phải chăng muốn người đọc nâng cao hơn nữa "tầm đón đợi" của mình trước sự phát triển tất yếu của một hướng đi trong thơ. Những ý tưởng trên đây của Xuân Diệu về thơ, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ là mạnh dạn, mới mẻ, có sự tiếp thu, ảnh hưởng của văn học phương Tây nhưng không phải không có cơ sở từ truyền thống văn học dân tộc. Có người đã từng nhận xét về thơ ông như sau: “Thơ Xuân Diệu là một
56
loại thơ thức tỉnh, nó buộc người đọc phải suy nghĩ chứ không phải đem lại cảm giác an ủi vỗ về”. Có lẽ chính vì thế nó giàu sức sống và vẫn còn ý nghĩa đối với thơ cũng như nền văn hoá của chúng ta hiện nay. Những câu thơ trầm bổng, dễ hiểu chưa chắc đã là thơ hay. Thơ cần gợi suy nghĩ, đập vào trí tuệ.
"Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh" (Chế Lan viên).Và hẳn rằng các nhà
thơ trẻ đương đại của chúng ta sẽ dễ đồng cảm với ý tưởng này. Và ở thời đó, những lập luận có lý của Xuân Diệu ít nhiều là những gợi mở giúp người ta có thể bình tâm đón nhận “Nguyệt Cầm” của ông, “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ hay "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử – những bài thơ không dễ hiểu chút nào; chúng thuộc lọai những bài thơ khó luôn chứa đựng sự thách thức thú vị đầy tính thẩm mỹ trong việc khám phá nó.
Mặc dù với quan niệm nghệ thuật ấy nhưng khi đi vào đánh giá tác phẩm cụ thể, Xuân Diệu vẫn thiên hướng chuộng vẻ đẹp giản dị, dễ hiểu. Sau này, ông từng nói: “Càng gần đến bản doanh của cảm xúc thì càng đơn giản. Đơn giản mà hay đó là cái thơ lớn nhất”, hoặc “ hình thức phổ cập mà nội dung nâng cao, có thể coi đó là chỗ hay mà thơ của ta nên tìm đến”. Trong cuộc đời cũng như trong nghệ thuật Xuân Diệu hình như bao giờ ông cũng muốn đến với mọi người, làm sao cho mọi người hiểu mình và diễn đạt làm sao cho những điều cao sâu nhất cũng vẫn dễ hiểu với nhiều người. Quan niệm này được tiếp sức với yêu cầu về tính đại chúng, tính phổ cập của thơ được nhấn mạnh như một yêu cầu của nền thơ kháng chiến được xây dựng sau Cách mạng. Thời kỳ này, Xuân Diệu say mê sưu tầm, quảng bá những câu thơ dễ hiểu của anh đội viên, chị dân công...Chính bản thân ông cũng muốn viết nhưng câu thơ dễ hiểu. Có thể nói, chặng đường sau này của Xuân Diệu thể hiện một quan niệm có phần khác: đó là phải tìm cách thế nào để nâng cao mà không tách lìa với đa số người đọc, đó là điều mong muốn khi sáng tạo nghệ thuật. Đây cũng chính là điểm khác biệt của Xuân Diệu với một
57
số nhà thơ khác. Và cũng chính sự khác biệt đó mỗi nhà thơ đã mở ra một hướng thơ và tự mình làm nên những phong cách lớn trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại.