Quan niệm về Ái tình và Thơ tình.

Một phần của tài liệu Quan niệm văn chương của Xuân Diệu trước 1945.pdf (Trang 64 - 72)

Khi ấy, chàng thi sĩ Xuân Diệu đang ở cái tuổi hai mươi đẹp nhất như

cách nói của Hoài Thanh. Đấy là người thi sĩ khao khát giao cảm với cuộc đời, với con người và trước hết, là những người yêu dấu. Những bài thơ tình

63

của Xuân Diệu đã làm say mê cả một lớp tuổi trẻ đương thời và còn có sức sống mãi với thời gian. Người thi sĩ ấy đã thổi vào Thơ mới cả một luồng gió trẻ, xôn xao những nỗi niềm tình ái. Bài cảo luận Đàn bà hay là người yêu? -

Ái tình và khuôn sáo đăng trên Ngày nay số ra ngày 11 - 9 - 1938 là một trong

những phát ngôn trực tiếp ít ỏi về Ái tình của thi sĩ được mệnh danh là “ông Hoàng của thơ tình” này. Bài cảo luận ra đời từ 60 năm về trước này có vẻ đã khuất vào quên lãng. Sau này, có một điều lạ là Xuân Diệu vẫn viết rất nhiều thơ tình, thậm chí ông còn có mong muốn làm một tập thơ tình có tác dụng như một thứ "từ điển tình yêu" mà người ta có thể tìm thấy trong đó mọi xúc cảm đa dạng và phong phú của tình yêu như nhớ nhung, giận hờn, xa cách...Nhưng ông thấy ông có bài tiểu luận nào đề cập riêng đến vấn đề ái tình và thơ tình - có chăng chỉ là những lời "bình thơ" của ông hoặc mấy câu ngắn gọn "tổng kết" về thơ tình của ông trong trả lời phỏng vấn của báo Đất Việt (tháng 1-1986): "Cái đặc sản của tôi là thơ tình... Cho đến nay, tôi đã làm được khoảng trên 460 bài thơ tình. Tôi có ước muốn từ đây đến cuối đời, tôi sẽ đuổi được người anh cả của thơ tình là Ronsard (có trên 500 bài) ". Bởi vậy, đây là bài viết rất có ý nghĩa để thâm nhập vào thế giới thơ tình của Xuân Diệu. Trong cảo luận có vẻ như một “tuyên ngôn” này, ta nhận ra tinh thần của Thơ Mới đang háo hức mở rộng ranh giới cho những xúc cảm thơ ca.Và cũng nổi bật cái riêng, cái độc đáo, cái mới của tư duy Xuân Diệu về chủ đề này. Ai cũng thấy rằng một đề tài hấp dẫn và làm nên sự quyến rũ đặc biệt của Thơ mới là thơ tình. Nhưng liệu thơ tình có phải như vậy hoặc chỉ là như vậy? Bài viết này là sự lên tiếng chống lại sự khuôn sáo, công thức quen thuộc của chính những nhà thơ lãng mạn đương thời" [35, 176].

Bài viết đặt ra một luận đề mạnh mẽ, ấn tượng: “Đàn bà hay người yêu? Ái tình và khuôn sáo”. Lần theo mạch văn sôi nổi say sưa nhận được cả cái hơi thở nồng nàn của chàng thi sĩ trẻ. Người thi sĩ trẻ quyết chống lại

64

khuôn sáo và những lối mòn. Nhà thơ kêu gọi tuổi trẻ - tuổi đang yêu và cả tuổi mơ mộng về tình yêu - hãy “đừng chịu một khuôn sáo nào hết, hãy nên xét cho kỹ để chỉ nghe sự thành thực quả nhiên là thành thực của lòng mình. Nhà thơ viết: "Anh kiếm ái tình, tôi biết. Hãy coi chừng không khí của anh thở! Người ta đã thả vào trong không khí ấy không biết bao nhiêu là nhầm lẫn, a dua. Hãy đi một con đường mà anh thích đi chứ không phải vì một triệu bàn chân đã dậm nhẵn”.

Tình yêu, như Xuân Diệu nói, “đã bị bọn văn sĩ, thi sĩ phái lãng mạn ca tụng một cách dễ dãi, ráng gân cổ lên, say mê nói những lời nói chật hẹp mà họ tưởng là chân lý của đất trời”. Thi ca muôn đời ca tụng vẻ đẹp của Người đàn bà, của Nhan sắc để tạo ra một thứ tôn giáo của yêu đương mà trung tâm thờ phụng là Người đàn bà. Xuân Diệu, hơn bất cứ ai khác, cũng tin tưởng và sùng kính cái tôn giáo ấy: “Tôi rất tin rằng có một tôn giáo của niềm yêu đương". Nhưng cũng từ đấy, nhà thơ đã đưa ra một phản đề quan trọng: "Tôi muốn nói cho thế giới biết rằng: “Tôn giáo thờ Ái tính không phải tôn

giáo thờ phụ nữ". Những lập luận được tung ra để phản bác cái tôn giáo thờ

phụ nữ ấy.

Thơ ca từ xưa thường ca tụng người đàn bà là tượng trưng, đồng nghĩa với cái đẹp, đồng nghĩa với sức mạnh chinh phục, đồng nghĩa với sự bí ẩn muôn đời của nữ tính. Hàng loạt lập luận được nhà thơ đưa ra để phản bác những ngộ nhận ấy - ta yêu ai, người ấy thành huyền bí, sự huyền bí ở chính trong đầu ta đấy thôi; khi tính yêu hết, sự huyền bí ấy chẳng còn.Vậy thì, như nhà thơ nói, tuổi trẻ đừng theo một khuôn sáo nào, đừng bắt chước: “Chỉ có lòng ta, chỉ có lòng ta thôi! Lắng nghe sự chân thực của chính lòng anh; muôn lời nói của loài người đều là thừa, nếu lòng anh không cảm thấy. Hãy đạp đổ cái pho tượng Người đàn bà để dựng lên một cái đài bền hơn, đúng hơn, tặng cho

65

Người yêu”. Vậy là, không có một Người đàn bà mơ hồ nào hết, chỉ có một Người yêu cụ thể, sát kề.

Có lẽ Xuân Diệu không hẳn đã đập tan thần tượng Người đàn bà.

Trong thơ ông, người ta thấy bao nhiêu tình cảm trân trọng dành cho phụ nữ. Thi sĩ chỉ đập vỡ cái vỏ ngoài ước lệ đẹp đẽ nhưng xa cách, vô hồn của thần tượng để hiện ra một người yêu, một người tình gần gũi. Đấy mới chính là đối tượng của thơ ca. "Chỉ một động thái ấy mà bỗng đổi thay cả nhãn giới lẫn cảm quan của thơ tình. Không nói đến những câu thơ về những "người tình nhân không quen biết" đầy tính ước lệ của Tản Đà, ngay những câu thơ tuyệt vời của Thế Lữ “Cô em đứng bên hồ – Nghiêng tựa mình cây dáng thẩn thơ”, của Lưu Trọng Lư “Còn đâu ánh trăng vàng - Mơ trên làn tóc rối - Năm ấy xuân vừa sang - Em tròn hai mười tuổi” bỗng thành xa xôi như của thời nào trước cái nồng nàn riết róng cụ thể" ở những câu thơ tình Xuân Diệu:

Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài

Và hơn nữa:

Nên lúc đôi môi ta kề miệng thắm Trời ơi anh muốn uống hồn em

Chỉ có lòng ta! Chỉ có tình yêu, chỉ có người mà ta yêu dấu! Đó là kết luận của bài viết, là khúc nhạc hân hoan khởi nguồn của một nguồn thơ mới trong chủ đề thơ tình. Hơn thế nữa, như một nốt nhấn bất ngờ - Xuân Diệu viết: "Người yêu sẽ không ở riêng trong phái nào, yếu hay mạnh. Người yêu, theo đúng nghĩa là những người mà lòng ta yêu".

Có thể thấy ở đây, một sự phơi bày tận cùng tâm hồn nhà thơ và cõi tình của thi sĩ. Người ta nhớ đến bài Tình trai mà Xuân Diệu viết về đôi thi sĩ - tình nhân Rimbô và Véclen với rất nhiều chia sẻ thắm thiết:

66

Thây kệ thiên đường và địa ngục! Không kề mặc cả họ yêu nhau.

Trong bài cảo luận có ý nghĩa đặc biệt nói trên - bài Đàn bà hay người

yêu - Ái tình và khuôn sáo, thi sĩ trẻ Xuân Diệu đã nói về Tình yêu và Người

yêu. Cũng trên báo Ngày nay tháng 4 năm 1938, ông có bài cảo luận Thơ Ái tình. Hai bài viết này đặt cạnh nhau, bổ sung cho nhau, càng làm cho ta thấy

rõ hơn đặc tính của hồn thơ Xuân Diệu và thơ tình Xuân Diệu.

Từ xưa đến nay, ai cũng hiểu rằng: tình yêu là tình yêu, dù có muôn vàn sắc thái phong phú nhất. Nhà thơ như muốn phản bác lại điều đó: Nếu tình yêu chỉ là tình yêu, thì tôi yêu làm gì? Có thể coi đây là một tuyên ngôn

nữa về Áitình. Người thi sĩ say đắm nồng nàn này còn gửi gắm trông đợi ở tình yêu nhiều hơn người ta tưởng. Không chỉ yêu như một tình nhân vồ vập, Xuân Diệu còn yêu như một triết nhân đặt vào chính tình yêu rất nghĩ ngợi. Nhà thơ dùng một hình ảnh ấn tượng và hết sức táo bạo để nói cái ý ấy: “Và chính bàn tay đã đàn trên phím thịt là bàn tay nâng lấy trán ưu tư”.

Thơ tình, theo Xuân Diệu, không thể là những lới tỏ tình êm ái, mượt mà. Yêu không chỉ là yêu, mà tình yêu bao gồm trong nó bao nhiêu vui buồn suy nghĩ của cuộc đời. Nó là kết quả của bao nhiêu đêm, bao nhiêu ngày dằn vặt "bởi sự rối trí vì sự giao thiệp của hai thế giới giống nhau mà khác nhau, gần gụi mà xa xôi của hai con người, hai sinh vật? ". Khái niệm "sinh vật" lần đầu tiên được dùng để nói về con người trong tình yêu quả là mạnh bạo và mới mẻ vào thời ấy.

Theo “triết lý” về Ái tình của nhà thơ, thì tình yêu rộng hơn, lớn hơn rất nhiều so với những gì người ta thường nghĩ về nó : “Ta để trong Ái tình không biết ngần nào là thơ với mộng, những mơ ước bao la, những khát khao vòi

67

toan và cái đồng bằng của chán nản”. Câu văn chồng chất hình tượng nhưng đây không phải là một cuộc phô diễn hình tượng đơn thuần. Tình yêu, như Xuân Diệu nghĩ, không phải là chỉ là một thứ tình cảm trai gái đơn giản và nông nổi, chính thông qua Ái tình mà con người có dịp thể hiện khát vọng được bộc lộ hết bản chất người. Với cái ý này, Xuân Diệu là người rất sớm

chạm đến được cốt lõi nhân văn của tình yêu trai gái. Cùng tình yêu, người ta có thể mở rộng cái nhỏ bé hữu hạn của sinh linh ra đến cõi vô cùng của tưởng tượng và suy tư. Quả đúng như lời chào đón hào hứng “một nhà thi sĩ mới” của Thế Lữ chỉ vài tháng trước đó: “Xuân Diệu là nhà thi sĩ biết yêu, theo nghĩa rộng rãi nhất của tình yêu” (báo Ngày nay, mùa xuân 1937). Bởi thế, khởi sự từ những đắm say, thơ tình Xuân Diệu là sự khao khát chiếm lĩnh cả cuộc đời này, cả thế giới này. Để từ đấy mà có nhạc, có thơ.

Và nhạc phấn dưới chân mừng sánh bước Và tơ giăng trong lời nhỏ khơi ngòi

Tà áo mới cũng say mùi gió nước Rặng mi dài xao động ánh dương vui.

Để rồi, trong một tương giao kì diệu và bí ẩn, trời đất đêm thanh hương hoa cũng thành nỗi nhớ, cũng tràn đầy tình ái:

Ngẩng đầu ngắm mãi chưa xong nhớ Hoa bưởi thơm rồi: đêm đã khuya

Xuân Diệu đã mở rộng, nâng cao thêm rất nhiều quan niệm về thơ tình. Người thi sĩ trẻ đã đưa ra một định nghĩa mới, một tuyên ngôn mới về thơ tình: “Thơ ái tình, ấy là sự dồi dào của tình yêu núi sông, chim cá; thơ ái tình, ấy là nỗi khô cháy của một cửa hầu khát nước, cảnh đêm sao khi một lữ khách lạc đường, ấy là chân trời mênh mông, thau biển đắng đót; ấy cũng là miền huyền ảo của quá khứ, xứ bí mật của chiêm bao. Thơ ái tình, ấy là tình

68

riêng, ấy là tình chung, ấy là tình thâu gồm cả thế giới trong một người, ấy là tất cả, ấy là thơ”. Trong mạch văn say sưa này, Xuân Diệu muốn nói đến một thứ thơ tình có một chiều kích hiện hữu khác trong một hệ qui chiếu khác, ở đây có vô vàn những sợi tơ giăng mắc với đời - “không gian như có giây tơ”. Với Xuân Diệu thơ tình không còn chỉ có nghĩa là thơ của hai người, của những tiếng anh anh em em “ đầy nhẫy trong các văn chương” - thứ thơ ấy “cũng sẽ như bao nhiêu lời bướm ong mà trai gái hát qua hàng rào, và hết mùa gió nồm là câu ca cũng mất”.

Nói về tình yêu, về sự thầm kín riêng tư, con người ta - và thơ ca cũng thế thôi - vẫn thường phải dè giữ, không dám phơi bày đến tận cùng. Nhưng Xuân Diệu không bằng lòng với một sự nửa vời như thế: “Hễ dè giữ là không yêu, mà đã yêu là phải cho tất cả. Chính tình yêu là sự rốc cạn, thì ta tránh sao được sự phô bày. Thà rằng không nói, chứ đã nói đến tình yêu mà không nói cả tình yêu thì còn gì vô lí hơn?”. Với quan niệm ấy, thơ tình Xuân Diệu mạnh mẽ, nồng nàn, phơi bày tận đáy tâm hồn mình - chính cái điểm này làm nên cái chưa hề có vào thời ấy, làm nên cái mới và sức chinh phục của thơ

Xuân Diệu. Những câu thơ Xuân Diệu như cả một thế giới mới của tình yêu:

Uống xong lại khát là tình - Gặp rồi lại nhớ là mình với ta; Những cánh tay hãy quấn riết đôi vai - Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt - Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt...

Tưởng như đòi hỏi như thế là đã quá nhiều, quá “tham” đối với thơ. Nhưng đúng như cái tạng của Xuân Diệu - “Gần hơn nữa thế vẫn còn xa lắm”. Cho nên, thi nhân - tình nhân còn phải như một nhà khoa học, phải biết quan sát, thí nghiệm mình, “kính hiển vi của con người là con mắt bên trong, ngó vào cái thế giới lạ lùng của tình cảm, dao kéo của người dùng để phân tích những hiện trạng của tâm lí, gồm bằng bao nhiêu sợi tơ tình vương vấn

69

lấy nhau”. Nói cách khác, “người làm thơ vừa cảm xúc, vừa xem mình cảm xúc, một cái tôi khi nào cũng đi bên cạnh cái tôi”.Sau cái nhìn "duy cảm" tràn đầy về tình yêu, thì đây lại là một cái nhìn "duy lý" tỉnh táo về thơ tình: hãy chiêm nghiệm và phân tích tình yêu như một tìm tòi, một khám phá con người chứ không phải chỉ là ca tụng người tình. "Nếu đừng nghĩ người yêu là một người đàn bà, nếu mở quan niệm rộng ra, và nâng trình độ cao lên, ái tình sẽ giàu thêm muôn lần, mà thơ ái tình sẽ không phải là những câu ở đầu một triệu ngòi bút".

Khó có thể phát biểu rõ hơn thế về bản chất cái Tôi Thơ Mới mới từng làm nên một cuộc cách mạng trong thi caK, và bản chất cái Tôi trữ tình Xuân Diệu trong thơ cũng như trong "đặc sản" thơ tình. Thơ tình Xuân Diệu, và cả quan niệm về ái tình và thơ tình được trình bày trong hai bài viết đặc sắc này một lần nữa làm trẻ hoá Thơ mới. Nó mở ra một cuộc dấn thân và phiêu lưu vào thế giới Ái tình để viết nên những câu thơ tình say đắm để đời; “nó không phải của riêng tôi hay của riêng một người nào, mà là của mọi người, qua thời gian, qua không gian”.

70

Chương III

Một phong cách văn xuôi trữ tình và phê bình - tiểu luận độc đáo

Một phần của tài liệu Quan niệm văn chương của Xuân Diệu trước 1945.pdf (Trang 64 - 72)