Hình tượng những người lính công binh, lính pháo thủ, lính

Một phần của tài liệu Phong cách thơ Phạm Tiến Duật.pdf (Trang 39 - 44)

6. Kết cấu của luận văn

2.1.2.1.2. Hình tượng những người lính công binh, lính pháo thủ, lính

tin và lính coi kho

Trên đường Trường Sơn "trùng trùng như rừng thẳm", bên cạnh những người chiến sỹ lái xe còn biết bao những những người lính khác vẫn ngày đêm đối diện với quân thù. Đó là những người lính công binh, lính pháo thủ, lính thông tin và lính coi kho. Như một nhà nhiếp ảnh tài ba, Phạm Tiến Duật đã ghi lại chân dung của họ một cách sinh động. Trong thơ Phạm Tiến Duật, những con người ấy thật đáng yêu. Ông không chỉ có tài trong việc quan sát những biểu hiện bên ngoài, mà quan trọng hơn là những diễn biến về tâm

trạng. Đây là bức tranh về những người chiến sỹ trước lúc vào trận đánh:

Rơi từ mây những cánh bướm đen;

Cậu chiến sỹ bên tôi ngồi xuống, đứng lên Sốt ruột vì nghe nứa nổ;

Người cán bộ già ngồi bên bãi cỏ Đăm đắm nhìn tàn lá đang rơi.

(Những mảnh tàn lá)

Giặc điên cuồng bắn phá, rừng cháy, tàn lá rơi, cái ác hiện hình biến thành chủ nghĩa... tất cả đều tác động đến những người lính. Họ đứng ngồi không yên, họ nóng lòng, sốt ruột được tấn công, được xông lên tiêu diệt kẻ thù. Người lính trẻ nôn nóng không còn bình tĩnh, người lính già ném cái nhìn vào những tàn lá đang rơi. Cuộc sống chiến trường không được Phạm Tiến Duật tô điểm qua cái nhìn lãng mạn hoá mà bình dị và chân thực như nó đã và đang diễn ra.

Trên con đường Trường Sơn ấy, hình tượng người lính công binh trong thơ Phạm Tiến Duật cũng thật đặc sắc:

Những đồng chí công binh lầm lì Mùi bộc phá trộn vào trong tiếng hát

Trên áo giáp lấm đầy đất cát Lộp độp cơn mưa bi sắt đuối tầm

(Vầng trăng và những quầng lửa)

Hiện thực máu lửa trên con đường huyết mạch Trường Sơn trong những năm tháng chống Mỹ không làm chùn bước chân của họ. Trái lại, đó chính là môi trường tôi luyện lòng can trường, dũng cảm nơi những người lính. Những người lính công binh đối diện với gian lao, thậm chí là cái chết cận kề, tận mắt chứng kiến cảnh "cơn mưa bi sắt" nhưng họ vẫn vượt lên bằng tinh thần "tiếng hát át tiếng bom". Ở họ có một niềm tin mãnh liệt khiến người đọc phải cảm phục:

Hun hút đường khuya rì rầm rì rầm Tiếng mạch đất hai miền hoà làm một Và vầng trăng, vầng trăng đất nước Mọc qua quầng lửa mọc lên cao.

(Vầng trăng và những quầng lửa)

Chiến tranh đi liền với sự khốc liệt. Chiến tranh là thứ lửa khắc nghiệt nhất để thử vàng của lòng người. Khi phải đối diện với sự mất còn, phải tính toán đến lợi ích cá nhân, tập thể, sự sống cái chết, con người mới chứng tỏ hết được sự thật về nhân cách của mình. Ai đã từng đến với chiến trường, đã từng thấy hết những gian khổ, mất mát có lẽ mới hiểu sâu sắc về điều đó. Trong thơ Phạm Tiến Duật, rất nhiều sự thật về chiến trường đã được ông đề cập đến, trong đó có một sự thật cao cả đó là ý chí kiên cường, bất khuất của con người, một tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Song điều quan trọng hơn, sự thật cao cả vĩ đại ấy lại được diễn tả bằng cảm xúc chân thật, hiền lành:

Bom giật liên hồi Lỗ tai chảy máu Xông lên phá đường Mặc cho áo cháy.

(Ngãng thân yêu)

Về bài thơ này, Phạm Tiến Duật cho biết: "Hiếm thấy có nơi nào đến mấy chục người tật nguyền giống nhau, điếc một tai, lành một tai, nơi ấy là Seng Phan" [60; 66]. Thật ra, Ngãng không phải là một cái tên riêng, mà là cái tên chung cho những người lính công binh ở Seng Phan, những người đã bị bom Mỹ làm cho bị điếc. Nhưng cái tai sinh học bị điếc, còn cái tai tinh thần lại vô cùng nhạy cảm. Tinh thần cảnh giác, tinh thần chiến đấu đã đi vào tiềm thức của người chiến sỹ công binh, cho dù chiến tranh có ác liệt đến mấy cũng không làm lay chuyển được họ.

Nhiều người cho rằng, thơ Phạm Tiến Duật có nét gần gũi với thơ dân gian. Sự gần gũi ấy chính ở vẻ đẹp giản dị, hồn nhiên trong hình tượng, ở cảm xúc chân thành của người viết, nhất là khi viết về anh bộ đội. Ông đã từng vẽ một bức tranh dân gian về người lính về một buổi chiều trong hầm đại bác.

Trong thơ ca viết về anh bộ đội ít có bức tranh nào sinh động đến thế:

Lại buồn cười mấy cậu công binh Thích vỏ đạn, suốt trưa ngồi ngắm, Thương mấy anh thông tin lận đận Xin phao bơi đưa máy qua sông.

(Buổi chiều ở trong hầm đại bác)

Sau một cuộc tập bắn mấy trăm viên đại bác, ngực còn tức, tai còn ù, vậy mà những chàng pháo thủ, những cậu công binh, những anh lính thông tin dường như không còn quan tâm đến điều đó nữa. Họ trở lại những nét riêng tư của cuộc sống đời thường thật đáng yêu, đáng mến. Hình ảnh của họ vì thế không xa lạ, họ không chỉ làm cho ta ngưỡng mộ mà còn làm cho ta cảm mến tin yêu.

Bên cạnh hình tượng người lính lái xe, người lính công binh, lính pháo thủ, lính thông tin thì hình tượng người lính coi kho trên tuyến đường Trường Sơn trong thơ Phạm Tiến Duật cũng làm ám ảnh người đọc:

Đồng chí coi kho ơi...

mười năm sống xa phố, xa làng tám năm ở trong núi trong hang tất cả riêng chung...

dành cho miền Nam tất cả...

(Tiếng cười của đồng chí coi kho)

Đây chỉ là một trong muôn vàn người lính coi kho trên tuyến đường Trường Sơn. Sự hy sinh thầm lặng của họ đã góp phần không nhỏ vào sự thắng lợi của cuộc chiến tranh cứu quốc vĩ đại. Họ góp phần tạo nên bản giao hưởng Trường Sơn thêm nhiều âm thanh tươi sáng, tràn đầy tinh thần lạc quan:

Đồng chí coi kho cười ha hả chẳng có tiếng cười nào

vang hơn tiếng cười trong hang đá.

(Tiếng cười của đồng chí coi kho)

Anh dũng, kiên cường luôn chiến thắng những khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hi sinh cho đất nước, anh bộ đội trong thơ Phạm Tiến Duật còn là những con người chan chứa yêu thương. Trong con người các anh không chỉ có lý tưởng, ý chí chiến đấu mà còn có một tấm lòng đùm bọc, chở che. Có lẽ, hình ảnh làm các anh rung động, thương cảm nhất chính là những em bé mồ côi. Ở bất kỳ nơi nào trên thế gian này, trong chiến tranh, nạn nhân tội nghiệp nhất vẫn là những em bé. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, nhà thơ Nguyễn đình Chiểu đã ghi lại điều đó:

Mất ổ đàn chim dáo dác bay (Chạy Tây)

Trong thơ Phạm Tiến Duật, chiến tranh cũng đẩy các em đến tình cảnh bơ vơ, không cha, không mẹ, không nhà cửa, không nơi nương tựa, các em

chạy thảng thốt trong rừng. Và "Gót chân son em chạy đến tim anh" (Đi theo

bước chân của trẻ em Lào). Các em - nạn nhân chiến tranh cần một nơi nương tựa, cần một mái ấm tình thương. Các anh bộ đội Trường Sơn ngày ấy đã đón các em vào lòng. Các anh làm cha, làm mẹ, làm thầy giáo, sẻ chia với các em tất cả những gì mình có, bù đắp những đau thương, mất mát mà các em phải chịu đựng. Hàng ngàn trẻ em Tây Nguyên mồ côi đã được bộ đội cõng về nuôi nấng, dạy dỗ. Một mái ấm tình thương được dựng lên che chở các em:

Đường về hậu phương xa thật là xa

Thôi ở lại đây, ống tay các anh cắt ra tha hồ mặc Lá cây lợp thành nhà, gỗ kê thành bàn học

Lính quân đoàn thay nhau làm thầy giáo giảng bài. (Gửi các em bé ở trường văn hoá Tây Nguyên ngày trước)

Khung cảnh đơn sơ nhưng tấm lòng rộng mở, nồng ấm, các anh đã dành cho các em, thế hệ tương lai tất cả. Bởi vì mục đích của những cuộc hành quân ra mặt trận cũng là vì "trẻ con mai sau". Cho nên, tình yêu thương của các anh dành cho những em bé, những nạn nhân của chiến tranh xuất phát từ trái tim nhân hậu, sự sẻ chia tự nguyện thật xúc động lòng người:

Những chiến sỹ mặc áo hở vai

Muỗi đốt tím bầm miệng vẫn cười tươi rói Bom đạn đã coi thường kể gì no đói

(Gửi các em bé trường văn hoá Tây Nguyên ngày trước)

Chất lãng mạn cũng là một đặc điểm nổi bật trong hình tượng người lính đã được Phạm Tiến Duật thể hiện. Đó là những tâm hồn giàu cảm xúc, đầy ắp nhớ thương. Những vùng làng giữa rừng Trường Sơn không khỏi làm họ xúc động, một tiếng mèo kêu mà "sôi lòng sôi dạ", cái cập kênh trò chơi thuở nhỏ chẳng thể nào quên. Người chiến sỹ lái xe bị thương phải nằm viện mà trằn trọc nhớ "trăng", nhớ "bến", nhớ "lưng đèo" (Nhớ), hàng cây cũng thành "hàng cây tình tự" (Chuyện hàng cây yêu đương), dù "em" chỉ là"người con gái anh không nhìn rõ mặt" nhưng vẫn "tìm em rất lâu, rất lâu" (Gửi em cô thanh niên xung phong), nghe em hát dù "nhịp với phách nghe chừng sai cả" nhưng lòng vẫn "thương em, thương em biết mấy" và còn nữa tuổi trẻ với tình yêu đôi lứa, với những niềm hạnh phúc giản dị. Mang trong mình trái tim đầy cảm xúc, hình tượng người lính trở thành một trong những hình tượng đẹp nhất trong thơ kháng chiến của Phạm Tiến Duật.

Có thể nói rằng, Phạm Tiến Duật đã đem đến cho thơ ca Việt Nam một góc nhìn mới mẻ về anh bộ đội. Khi nói về anh hùng, người ta thường nói tới khoảng cách sử thi giữa nhân vật được ngợi ca và tác giả. Tác giả thường lùi xa để chiêm ngưỡng đối tượng miêu tả của mình. Nhưng nhân vật của Phạm Tiến Duật vĩ đại trong chính sự bình dị của đời sống chiến đấu thường nhật. Sự gian khổ, khốc liệt, hi sinh hàng ngày, hàng giờ diễn ra. Họ vượt qua, chiến đấu, chiến thắng là một điều kỳ diệu, làm ngạc nhiên cả chính những người trong cuộc, những người đã từng đi qua cuộc chiến tranh.

Một phần của tài liệu Phong cách thơ Phạm Tiến Duật.pdf (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)