Năm 1963 vệ tinh địa tĩnh đầu tiên SYNCOM được phóng lên quỹ đạo.
Trong năm 1965, vệ tinh địa tĩnh thương mại đầu tiên INTELSAT-1 (hay Early Bird) được đưa lên quỹ đạo Các hệ thống vệ tinh đầu tiên chỉ có khả năng cung cấp một dung lượng thấp với giá thuê bao tương đối cao.
Ví dụ vệ tinh INTELSAT-1 nặng 68kg khi phóng và chỉ có 480 kênh thoại với giá thuê bao 32.500USD một kênh một năm. Giá thành quá cao này là do thời điểm lúc bấy giờ khả năng của tên lửa đẩy còn thấp nên người ta không thể đưa lên được một vệ tinh quá nặng có dung lượng lớn lên quỹ đạo. Việc giảm giá thành là kết quả của nhiều nỗ lực, những nỗ lực đó đã dẫn đến việc tạo ra các tên lửa phóng có khả năng đưa các vệ tinh càng ngày càng nặng hơn lên quỹ đạo (3750kg khi phóng vệ tinh INTELSAT-6). Ngoài ra, nhờ khả năng phát triển trong kỹ thuật siêu cao tần càng ngày càng tăng đã tạo điều kiện thực hiện các anten nhiều tia có khả năng tạo biên hình mà búp sóng của chúng hoàn toàn thích ứng với hình dạng của lục địa, cho phép tái sử dụng cùng một băng tần giữa các búp sóng và kết hợp sử dụng các bộ khuếch đại truyền dẫn công suất cao hơn. Dung lượng vệ tinh tăng lên dẫn đến giảm giá thành mỗi kênh thoại (80000 kênh trên INTELSAT-6 có giá thuê bao mỗi kênh là 380 USD trong một năm).
Ngoài việc giảm chi phí truyền thông, đặc điểm nổi bật nhất là tính đa dạng của các dịch vụ mà các hệ thống thông tin vệ tinh cung cấp. Lúc đầu, các hệ thống này được thiết kế để thực hiện truyền thông từ một điểm đến một điểm khác, như đối với các mạng cáp và diện bao phủ rộng của vệ tinh đã được lợi dụng để thiết lập các tuyến thông tin vô tuyến cự ly xa. Kích thước và công suất của các vệ tinh càng tăng lên thì càng cho phép giảm kích thước của trạm mặt đất và do vậy giảm giá thành của chúng, đồng thời tăng số lượng các trạm mặt đất. Bằng cách này, có thể khai thác một tính năng khác của vệ tinh, đó là khả năng thu thập và phát quảng bá các tín hiệu từ hoặc tới một số điểm. Thay vì phát các tín hiệu từ điểm này tới điểm khác, bây giờ có thể phát từ một máy phát duy nhất tới rất nhiều các máy thu trong
một vùng rộng lớn, hoặc ngược lại, có thể phát từ nhiều trạm tới một trạm trung tâm duy nhất được gọi là một HUB. Nhờ đó mà các mạng truyền số liệu đa điểm, các mạng phát quảng bá qua vệ tinh và các mạng thu thập dữ liệu đã được khai thác. Có thể phát quảng bá hoặc tới các máy phát chuyển tiếp (hoặc các trạm đầu cáp) hoặc trực tiếp tới khách hàng cá nhân (trường hợp này được gọi là phát quảng bá trực tiếp qua các hệ thống truyền hình qua vệ tinh). Các mạng này hoạt động với các trạm mặt đất nhỏ có đường kính anten từ 0.6m đến 3.5m.