Hiện nay, bên cạnh các biện pháp truyền thống để kiểm soát rủi ro tín dụng, các ngân hàng thương mại trên thế giới còn sử dụng phổ biến các công cụ phái sinh chuyển giao rủi ro tín dụng.
Sử dụng các hợp đồng phái sinh để chuyển giao rủi ro tín dụng, nghĩa là các nhà quản lý rủi ro sẽ tập trung vào việc chuyển giao rủi ro tín dụng từ một ngân hàng sang ngân hàng đối tác khác bằng cách sử dụng các hợp đồng phái sinh tín dụng. Đặc điểm chung của những công cụ quản lý rủi ro này là chúng giữ nguyên tài sản có trên sổ sách kế toán của những tổ chức khởi tạo ra những tài sản đó, đồng thời chuyển giao một phần rủi ro tín dụng có sẵn trong những tài sản này sang các đối tác khác, thông qua đó sẽ đạt được những mục tiêu như: Các ngân hàng khởi tạo có phương tiện để chuyển giao rủi ro tín dụng mà không cần phải bán tài sản có đó đi; khi việc bán tài sản có làm suy yếu mối quan hệ của một ngân hàng với khách hàng, thì việc chuyển giao tín dụng sẽ cho phép ngân hàng vẫn duy trì được mối quan hệ của một ngân hàng với khách hàng đó.
a. Hoán đổi tín dụng (Credit Swap)
Một trong những hình thức điển hình nhất của các công cụ tín dụng phái sinh là hợp đồng hoán đổi tín dụng, trong đó hai tổ chức cho vay thỏa thuận trao đổi cho nhau một phần các khoản thanh toán theo hợp đồng tín dụng của mỗi bên. Việc các bên tham gia hợp đồng tín dụng giúp các ngân hàng nâng cao tính đa dạng hóa của danh mục cho vay, đặc biệt nếu các ngân hàng hoạt động trong những thị trường khác nhau.
Đặc điểm thanh toán bất ngờ của hợp đồng hoán đổi tín dụng gần giống với những đặc điểm thường gắn với hợp đồng bảo hiểm. Như vậy, người mua bảo hiểm đối với rủi ro tín dụng bằng cách chi trả các khoản thanh toán định kỳ theo một tỷ lệ % cố định của mệnh giá khoản tín dụng. Nếu rủi ro tín dụng dự kiến xảy ra, ví dụ như người vay vỡ nợ, người bán bảo hiểm chi trả một khoản thanh toán để bù đắp cho phần tổn thất tín dụng đã được bảo hiểm. Ngược lại người mua bảo hiểm không phải chi trả khoản tiền nào cả.
Giả sử rủi ro tín dụng được xác định là vỡ nợ, một hợp đồng hoán đổi tín dụng có thể được hình thành. Để rễ hình dung ta xét ví dụ, một ngân hàng (người thụ hưởng) nắm giữ một khoản vay được xếp hạng tín dụng A, có lãi suất thả nổi được trả 2% nhiều hơn so với mức lãi suất tham chiếu. Người nắm giữ khoản nợ này ký kết hợp đồng hoán đổi tín dụng để bảo hiểm đối với rủi ro tổn thất tín dụng do người vay vỡ nợ. Người nắm giữ khoản nợ này là người mua bảo hiểm. Giả sử trả 0.1% mỗi kỳ cho người bán bảo hiểm. Nếu người vay vỡ nợ, người bán bảo hiểm sẽ phải trả một khoản thanh toán được xác định từ trước. Ngược lại, người mua bảo hiểm không phải trả bất kỳ một khoản thanh toán nào. Khoản thanh toán này bù đắp phát sinh khi người vay vỡ nợ. Các hợp đồng dẫn xuất có thể được hình thành theo nhiều cách, ví dụ như thanh toán một khoản cố định khi người vay vỡ nợ hoặc khoản thanh toán phải tương đương với những khoản tổn thất.